Thực trạng đầu tư và thoái vốn đầu tư

Về đầu tư ngoài ngành:

Trong giai đoạn từ năm 2005-2008, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã mở rộng ngành nghề kinh doanh khá dễ dàng khi Nghị định 09/2004/ NĐ-CP của Chính phủ cho phép công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành tối đa lên đến 30% tổng nguồn vốn đầu tư. Riêng đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, mức vốn đầu tư công ty nhà nước không được vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Nhưng mức vốn góp của công ty mẹ và công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn.

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cần giải pháp mạnh - Ảnh 1

Theo đó, từ năm 2005-2007, liên tiếp 8 tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành nghề được thí điểm thành lập. Sau đó, năm 2009-2010, kể cả khi Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam bắt đầu đổ vỡ, vẫn có thêm 4 tập đoàn mới được hình thành. Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện đầu tư đa lĩnh vực, ngành nghề, trong đó các lĩnh vực hấp dẫn nhất giai đoạn này là chứng khoán, bất động sản, đầu tư tài chính… Tính đến hết năm 2011, các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư ngoài ngành gần 23.744 tỷ đồng, tăng 3.056 tỷ đồng (15%) so với năm 2010. Trong đó, lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỷ đồng, tiếp đến là bất động sản với 9.286 tỷ đồng; bảo hiểm là 1.682 tỷ đồng; chứng khoán là 696 tỷ đồng và quỹ đầu tư là 677 tỷ đồng.

Trong số các tập đoàn đầu tư ra ngoài ngành, dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam... Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của các tập đoàn ra ngoài ngành khá thấp - dưới 7%, thậm chí không ít khoản đầu tư bị thua lỗ kéo dài. Các hoạt động đầu tư ngoài ngành đối với hoạt động kinh doanh của các tập đoàn và tổng công ty đã không đem lại hiệu quả như dự tính.

Đến thời điểm cuối năm 2013, trong các lĩnh vực nhạy cảm mà các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào, lĩnh vực ngân hàng chiếm giá trị kỷ lục khoảng trên 15.200 tỷ đồng; Đứng thứ 2 là lĩnh vực bất động sản khoảng trên 3.800 tỷ đồng; Bảo hiểm, chứng khoán lần lượt 1.500 tỷ đồng và 467 tỷ đồng... Tổng giá trị đầu tư vào các lĩnh vực này trên 21.400 tỷ đồng. Đáng lưu ý, giá trị đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng theo thống kê năm 2013 đã tăng hơn 2 nghìn tỷ đồng so với số liệu thống kê năm 2012.

Kết quả ban đầu về thoái vốn:

Tại Nghị quyết số 26/NQ-CP, tháng 7/2012, Chính phủ đã nêu rõ: Việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu DNNN. Đến 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường với tổng số vốn phải thoái là trên 21.000 tỷ đồng.

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cần giải pháp mạnh - Ảnh 2

Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg về phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 đặt ra thời hạn chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành lĩnh vực kinh doanh chính trước năm 2015. Ngày 11/7/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cho phép các DNNN thoái vốn theo giá thị trường. Tuy nhiên, cả hai văn bản này đều chưa khai thông được những vướng mắc trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN.

Để thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN, ngày 6/3/2014, Chính phủ ra Nghị quyết số 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong DN. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DN nhà nước nhằm mục đích hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-CP.

Với các cơ chế, chính sách trên tạo động lực thúc đẩy quá trình thoái vốn nhà nước tại DN, bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan. Theo Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2014, đã tiến hành tái cơ cấu 119 DN, trong đó cổ phần hóa 100 DN, thoái vốn đầu tư đạt trên 3.500 tỷ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với năm 2013. Tính chung cả năm 2013 và 10 tháng đầu năm 2014 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái được hơn 4.400 tỷ đồng trên tổng số hơn 21 nghìn tỷ đồng cần thoái.

Trong thời gian qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện nỗ lực sắp xếp, thoái vốn, cổ phần hóa nhằm đảm bảo đúng yêu cầu đặt ra như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, bên cạnh chuyển đổi sắp xếp các công ty từ 2 cấp sang 1 cấp, Tập đoàn đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành được 1.600 trong số 1.800 tỷ đồng và phấn đấu cuối quý I/2015 sẽ hoàn thành; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 9 tháng năm 2014, thoái vốn ngoài ngành được hơn 373 tỷ đồng… Mới đây, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được đánh giá là rất thành công, khi thu hút 87 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 15 nhà đầu tư tổ chức, khối lượng giao dịch thành công đạt hơn 110 triệu cổ phần. Số tiền thu được sau buổi IPO đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Sau khi Vinatex cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 51% vốn, còn lại 24% bán cho nhà đầu tư chiến lược, 0,6% cho người lao động và 24,4% các nhà đầu tư khác. Đặc biệt, sự kiện Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) IPO thành công 49.009.008 cổ phần. Mức giá cao nhất đặt mua là 223.000 đồng/cổ phần, thấp nhất là 22.300 đồng/cổ phần, tương đương giá khởi điểm; giá trúng đấu giá bình quân là 22.307 đồng/cổ phần. Vietnam Airlines thu về từ đợt đấu giá này 1.093 tỷ đồng… Cùng với đó, các sở giao dịch chứng khoán đã thực hiện trên 550 đợt đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn DNNN, giúp Nhà nước thu được trên 85.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay số phiên đấu giá tại 2 sở giao dịch gần bằng tổng số phiên đấu giá 2012- 2013, giá trị thực tế thu được cao hơn 30%.

Tuy nhiên, không phải DNNN nào cũng thuận lợi trong việc cổ phần hóa, thoái vốn để tái cơ cấu. Thực tế, quá trình cổ phần hóa vẫn còn chậm, tiến độ thoái vốn của một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới DNNN. Tỷ lệ nhà đầu tư đăng ký mua, tỷ lệ số cổ phần bán được đạt mức thấp. Tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài chưa cao, thậm chí có xu hướng giảm nhiều.

Còn nhiều khó khăn

Mặc dù tiến độ thoái vốn trong những tháng đầu năm 2014 đã nhanh hơn so với các năm trước, nhưng so với khối lượng vốn cần phải thoái theo kế hoạch đặt ra đến hết năm 2015 vẫn còn rất lớn.

Thực tế thời gian qua đã chỉ ra rằng, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân khách quan là thị trường chứng khoán ảm đạm, chưa có động lực để tăng, dòng tiền vào thị trường yếu, nhiều cổ phiếu có giá giao dịch trên thị trường thấp hơn mệnh giá, thậm chí không ít cổ phiếu không có giao dịch; Thị trường bất động sản trầm lắng và thị trường tài chính ngân hàng chưa đi vào ổn định, nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, các quy định về bảo toàn vốn nhà nước khiến các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lo ngại, chần chừ, sợ trách nhiệm đã ảnh hưởng không ít đến quá trình giảm vốn, thoái vốn của DN.

Theo quy định, việc thoái vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong công ty đại chúng phải tuân thủ Điều 21 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Theo đó, điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông lớn trong công ty đại chúng phải là cổ phiếu của DN có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán. Đến thời điểm hiện tại Luật này chưa quy định điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông lớn trong công ty không phải là đại chúng phải và cổ phiếu của DN có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán nhỏ hơn 10 tỷ đồng tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.

Hơn nữa, kết quả thoái vốn có thành công hay không còn phụ thuộc vào tính thanh khoản của cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu không có giao dịch hoặc giao dịch rất ít, chỉ khoảng 2000 cổ phiếu/phiên giao dịch. Đặc biệt là cổ phiếu OTC chưa lên sàn thì việc thoái vốn lại càng khó khăn. Một số tổng công ty đã không thoái vốn thành công, điển hình như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không bán được cổ phiếu nào trong đợt chào bán 4,1 triệu cổ phiếu SHS, tương đương tỷ lệ 4,12% vốn, diễn ra từ ngày 13/6/2014 đến 8/7/2014; Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV đã không bán được cổ phiếu nào trong đợt chào bán cổ phần của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp và Đô thị Đức Hòa III diễn ra ngày 09/12/2013 vì đến ngày 09/12/2013, kết thúc thời hạn đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền cọc mua cổ phần của Công ty cổ phần Khu công nghiệp và Đô thị Đức Hòa III do Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV nắm giữ, không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá (theo Điều 14 Quyết định số 404/2013/QĐ-SGDHCM ngày 18/11/2013 về việc ban hành Quy chế bán đấu giá cổ phần Công ty Cổ phần Khu công nghiệp và Đô thị Đức Hòa III do Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV nắm giữ thì cuộc đấu giá này không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá nên cuộc đấu giá được coi là không thành công)…

Một khó khăn nữa các DN gặp phải là các khoản đầu tư vào các công ty, dự án đang trong quá trình đầu tư nên không xác định được giá bán. Đối với một số DN có các công ty con, công ty liên kết thì thời gian xác định giá trị DN kể từ thời điểm chốt ngày xác định giá trị DN đến ngày công bố thường kéo dài từ 04 đến 06 tháng cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn.

Ngoài ra, có một trên thực tế là việc thoái vốn hiện nay có vẻ như là thoái vốn để cắt lỗ, nghĩa là những khoản đầu tư ngoài ngành nào chưa lỗ thì chưa bán, thậm chí ưu tiên bán khoản lỗ, khoản xấu trước. Thậm chí, ngay chuyện cắt lỗ này cũng đòi hỏi phải bán được với giá cao. Theo như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam viện dẫn: Thoái vốn tại một số DN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của DN đó và gián tiếp ảnh hưởng đến công ăn, việc làm, đời sống của người lao động, tạo áp lực lên các vấn đề kinh tế xã hội khác. Do vậy, đại diện lãnh đạo Tập đoàn này đề nghị một số khoản thoái vốn nên chậm lại. Hoặc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su thì đề nghị kéo dài thời gian thoái vốn tại các công ty mà nơi này góp vốn đến sau năm 2015 với lý do DN chưa hoạt động ổn định, thời gian qua gặp khó khăn nên khó xây dựng phương án thoái vốn; Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam đề xuất: Trước khi giao phần vốn phải thoái về SCIC cần có lộ trình thoái vốn phù hợp hoặc giãn tiến độ (có thể tối đa năm 2017) với từng khoản đầu tư.

Trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước đã tiến hành tái cơ cấu 119 doanh nghiệp, thoái vốn đạt trên 3.500 tỷ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với 2013. Tính chung cả năm 2013 và 10 tháng đầu năm 2014 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái được trên 4.400 tỷ đồng trên tổng số hơn 21 nghìn tỷ đồng cần thoái.

Giải pháp đẩy mạnh thoái vốn

Thoái vốn là bài toán khó khi khối lượng vốn cần thoái khổng lồ lại bị ràng buộc bởi một loạt cơ chế, quy định về thoái vốn. Trước thực trạng trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP và Quyết định số 51/2014/QĐ - TTg về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN với hàng loạt giải pháp mang tính đột phá.

Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN và các quy định của pháp luật có liên quan đã đánh dấu bước đi quan trọng để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DNNN và góp phần đảm bảo thực hiện được kế hoạch cổ phần hóa DNNN mà Chính phủ đặt ra đến năm 2015. Nghị quyết đã làm rõ về lộ trình thoái vốn và các cách thức để thoái vốn ngoài ngành của DNNN. Theo đó, có ba cách thức để “thoái vốn”:

Cách thức thứ nhất: DNNN có thể tự tìm cách bán phần vốn ấy, thậm chí thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định;

Cách thức thứ hai: Việc thoái vốn tại các Công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, có thể giao các ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu.

Cách thức thứ ba: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu tại Nghị quyết này mà thoái vốn không thành công và các lĩnh vực khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Giá mua được xác định theo giá thị trường nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN có trách nhiệm thông báo cho SCIC xem xét mua lại các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực trên.

Quyết định số 51/2014/QĐ–TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục làm rõ hơn các vấn đề còn vướng mắc trong việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại DN. Theo đó, việc thoái vốn dưới mệnh giá phải dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất, đồng thời DN phải trích lập bổ sung cho đủ dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính. Quyết định cũng quy định mức điều chỉnh giảm giá bán tối đa để các DN chủ động trong quá trình thoái vốn. Cụ thể, đối với cổ phiếu đã niêm yết có thị giá dưới mệnh giá thì bán theo biên độ quy định trên sàn, nếu sau 3 tháng không bán hết thì giảm giá bán tối đa 10% so với bình quân giao dịch thành công của 15 ngày trước đó để bán thỏa thuận.

Đối với công ty chưa niêm yết được định giá thấp hơn mệnh giá thì tổ chức bán cổ phần công khai, nếu không thành công DN có thể bán thỏa thuận với giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất (trường hợp giá khởi điểm bán đấu giá lần đầu không thành công). Nếu nhà đầu tư bỏ cọc hoàn toàn thì giá thỏa thuận không thấp hơn giá đấu thấp nhất. Thời gian hoàn tất việc bán thỏa thuận tối đa là 60 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền mua cổ phần của cuộc đấu giá lần đầu. Trong trường hợp không thành công thì mức giá khởi điểm để bán lần 2 giảm tối đa không quá 10% so với giá khởi điểm lần đầu.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho phép NHNN và SCIC tham gia mua cổ phần. Theo đó, vốn nhà nước đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, SCIC có thể tham gia mua lại với giá không cao hơn giá khởi điểm khi bán thỏa thuận không thành công hoặc không cao hơn giá bán thỏa thuận thành công (trong trường hợp không bán hết); ngoài ra giá SCIC mua lại không cao hơn giá trị sổ sách trừ dự phòng đã trích lập đầy đủ. Đối với lĩnh vực khác, SCIC căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và nguyên tắc đầu tư vốn để xem xét mua lại với giá mua không cao hơn giá trị sổ sách trừ dự phòng đã trích lập đầy đủ.

Nếu như theo quy định cũ điều kiện bán chứng khoán ra công chúng thì hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi đồng thời không có lỗ lũy kế đến năm đăng ký chào bán. Tuy nhiên, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg cho phép đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước được chuyển nhượng vốn nhà nước tại các công ty có năm liền trước năm đăng ký chào bán có lỗ và có lỗ lũy kế đến năm chào bán, có lỗ nhưng không có lỗ lũy kế và có lãi nhưng có lỗ lũy kế. Quyết định 51/2014/ QĐ–TTg cũng yêu cầu các DN cổ phần hoá sau ngày 1/11/2014 phải có kế hoạch tham gia giao dịch tập trung trên thị trường đăng ký giao dịch (UpCom) hoặc niêm yết trong vòng 90 ngày/1 năm kể từ ngày có giấy chứng nhận kinh doanh. Đối với các DN đã CPH trước ngày 01/11/2014 phải có kế hoạch tham gia giao dịch tập trung trong vòng 1 năm kể từ ngày 1/11/2014.

Không dừng lại ở đó, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của DNNN và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Những động thái quyết liệt này được kỳ vọng sẽ đưa lộ trình tái cơ cấu DNNN đúng tiến độ, góp phần thực hiện thành công quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cần giải pháp mạnh

ThS. PHẠM THỊ PHƯƠNG ANH

(Tài chính) Thoái vốn là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Công việc này hiện diễn ra chậm với kết quả đạt được còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng trên cần có những giải pháp mạnh mẽ và đột phá.

Xem thêm

Video nổi bật