Thời điểm để quyết liệt triển khai tái cơ cấu kinh tế
(Tài chính) Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%, cao hơn so với mục tiêu 6,2%. Cơ quan này cho rằng đây là thời điểm tốt để quyết liệt triển khai tái cơ cấu kinh tế.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) mới công bố, mục tiêu lạm phát trong năm 2015 phụ thuộc chủ yếu vào việc điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản. CPI tháng 3/2015 mặc dù tăng 0,15% so với tháng trước, nhưng chỉ tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản mặc dù tăng nhẹ lên mức 2,48% trong tháng 3/2015 nhưng vẫn duy trì ở mức dưới 3% từ tháng 11/2014.
Dựa trên phân tích tổng cầu, UBGSTCQG dự báo lạm phát cơ bản năm 2015 vào khoảng 3,5%. Với dự báo trên, trong điều kiện giá lương thực và năng lượng thế giới được dự báo giảm trong năm 2015, khả năng đạt mục tiêu 5% về lạm phát tổng thể sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ điều chỉnh giá điện.
UBGSTCQG ước tính mức tăng giá điện bình quân 7,5% vào ngày 16/3 sẽ khiến cho lạm phát cả năm 2015 tăng thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm. Ở mức này, giá hàng hóa cơ bản vẫn còn dư địa điều chỉnh. Phân tích tính mùa vụ của CPI, UBGSTCQG nhận định tháng 5 là thời điểm thích hợp cho việc điều chỉnh này.
Lạm phát thấp tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể sẽ chịu áp lực từ việc gia tăng phát hành trái phiếu Chính phủ, nhất là khi trong năm 2015 việc phát hành TPCP sẽ chỉ thực hiện đối với kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
Theo kế hoạch, năm 2015 sẽ phát hành 232 nghìn tỷ đồng TPCP, tăng 7,7% so với năm 2014. Trên thực tế, lợi suất TPCP đã có dấu hiệu tăng lên trong tháng 3/2015. Ngoài ra, trong điều kiện USD lên giá so với các đồng tiền và xuất khẩu tăng chậm, lãi suất có thể phải duy trì để ổn định tâm lý thị trường.
Thanh khoản hệ thống được duy trì tốt. Lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng được duy trì ổn định. Xu hướng cắt giảm lãi suất huy động đã không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng (tính đến 24/2/2015 tăng 0,96% so với đầu năm).
UBGSTCQG đánh giá cao xu hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ. Các thương vụ sáp nhập thời gian tới kỳ vọng sẽ có nhiều điểm mới và kịch tính hơn; đồng thời làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng. Do quá trình tái cơ cấu, lợi nhuận hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm. Năm 2014, lợi nhuận bình quân hệ thống TCTD giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Về thị trường vốn, Thông tư 36 có hiệu lực đã không có ảnh hưởng lớn tới TTCK, một phần do ảnh hưởng này đã xảy ra từ trước khi Thông tư có hiệu lực. Từ đầu năm đến ngày 17/3/2015, VN Index tăng 6,62%; HNX Index tăng 2,87% và thị trường đã khôi phục lại mức 600 điểm. Từ nay đến cuối năm, dòng tiền trong nước sẽ chảy vào thị trường mạnh hơn nếu VN Index vượt 600 điểm.
Trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt, giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm, việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cũng như lãi suất và tỷ giá trong năm 2015 cần được xem xét trong dư địa cho phép của lạm phát.
Thời cơ để tái cơ cấu quyết liệt hơn
Việc đạt các chỉ số vĩ mô tốt là điều kiện thuận lợi để tái cơ cấu kinh tế quyết liệt hơn.
UBGSTCQG đánh giá cao việc ngay từ đầu năm 2015, Chính phủ đã chú trọng công tác cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp bằng những việc làm cụ thể như sự ra đời của Nghị quyết 19 mới hay chuẩn bị dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Đây là những bước đi cần thiết và đúng hướng. Việc đôn đốc, giám sát thực hiện Nghị quyết, sớm ban hành Luật và các văn bản dưới luật để đưa Nghị quyết, Luật vào cuộc sống là hết sức cần thiết”, Báo cáo của UBGSTCQG nhận định.
Theo kế hoạch sắp xếp, đổi mới, trong năm 2015 số doanh nghiệp Nhà nước cần cổ phần hóa là 432 (so với con số 143 năm 2014); số vốn đầu tư ngoài ngành cần thoái là gần 15 nghìn tỷ đồng (so với con số 6 nghìn tỷ đồng năm 2014).
Khả năng hoàn thành kế hoạch trên trước hết phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của thị trường vốn với sự tham gia tích cực của dòng tiền nội và ngoại. Tuy nhiên, dòng tiền trong nước chảy vào thị trường không được kỳ vọng cao. Do đó, cần có các chính sách thu hút dòng tiền ngoại vào thị trường.
Cụ thể, cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những ngành nghề không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh; nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách thủ tục, tăng cường sự minh bạch, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xếp hạng doanh nghiệp uy tín để thị trường vốn hoạt động hiệu quả hơn.
Cần nhanh chóng ban hành các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện các bộ Luật mới ban hành và sửa đổi trong năm 2014 và đặt trọng tâm 2015 là năm đẩy mạnh cải cách hành chính và thể chế. Điều này giúp tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực, tăng cường minh bạch thông tin nhằm giảm thiểu chi phí hành chính và chi phí cơ hội khác. Từ đó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung.