Thông điệp mới từ chỉ số lạm phát thấp

TS. NGUYỄN MINH PHONG

(Tài chính) Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 3 giảm 0,44% so với tháng 2. Ðây là mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm trở lại đây: tháng 3/2009 CPI cả nước giảm 0,17% so với tháng trước. Trước đó, chỉ số CPI tháng 1 tăng 0,69%, tháng 2 tăng 0,55% - mức tăng so với tháng trước thấp nhất trong vòng mười năm qua. Với kết quả này, CPI cả nước tháng 3 chỉ tăng 0,8% so với tháng 12/2013, mức tăng thấp nhất trong 13 năm qua và tăng 4,39% so với tháng 3/2013, tức thấp xa so với CPI bình quân tăng 3,26% cùng kỳ trong 12 năm trước.

Thông điệp mới từ chỉ số lạm phát thấp
Chỉ số CPI tháng 3 giảm 0,44% so với tháng 2. Nguồn: internet

Cũng theo Tổng cục Thống kê, GDP cả nước quý I/2014 tăng khoảng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013 và là mức tăng cao nhất cùng kỳ của ba năm trở lại đây, với cả ba khu vực (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ) đều đạt mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, mức tăng GDP khá cao này được ghi nhận trong khi vốn đầu tư của khu vực Nhà nước chỉ tăng 0,4%, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước đã thực hiện trong quý I/2014 thậm chí giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Ðộng thái GDP tăng, trong khi chỉ số CPI và đầu tư từ ngân sách nhà nước thấp là sự hội tụ những tín hiệu vui và hiếm gặp trong thực tiễn kinh tế nước ta. Thông thường, với "kịch bản truyền thống", Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng GDP cao khi chỉ số CPI và đầu tư công cũng tăng cao. Nhưng với động thái của các chỉ số như hiện nay, dường như "cặp bài trùng" đó đã không còn khăng khít nữa.

Cần khẳng định rằng, việc CPI tháng 3 giảm là phù hợp quy luật cung - cầu, nhưng chủ yếu không phải do giảm cầu tiêu dùng (vì tính chung ba tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước tính đạt 701,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 5,1%, tức cao hơn mức tăng của cùng kỳ hai năm trước); mặc dù số lượng các doanh nghiệp dừng hoạt động tiếp tục gia tăng 9,6% so cùng kỳ.

Trong khi đó, lượng cung tăng nhờ thời tiết thuận lợi cho phát triển rau xanh và lúa gạo được mùa; công tác dự trữ và lưu thông phân phối hàng hóa thị trường được cải thiện nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền và các cấp, ngành, cũng như nhờ sự năng động và tăng cường khuyến mại, cạnh tranh của các doanh nghiệp và sự phát triển mạnh hệ thống siêu thị, chợ dân sinh, chuỗi điểm bán hàng.

Ngoài ra, việc giảm thuế, lãi suất cho vay và các chi phí thể chế do cải thiện môi trường kinh doanh trong khuôn khổ hội nhập và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó của Nhà nuớc cũng đã và đang góp phần tích cực tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ.

Áp lực CPI cả năm 2014 sẽ tăng dần vào những tháng cuối năm, cả do độ trễ chính sách nới lỏng tiền tệ - tài chính và áp lực lạm phát ngoại nhập, cũng như gia tăng nhu cầu, hoạt động kinh tế cuối năm theo thông lệ. Song, chỉ số CPI khá thấp hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho giảm lãi suất cả huy động và cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời vẫn duy trì lượng tiền huy động qua ngân hàng.

Mức tăng tiền gửi năm 2011 cả nước là 12%, năm 2012 là 16% và năm 2013 là 20%, những tháng đầu năm nay tiếp tục tăng, dù trần lãi suất huy động ngắn hạn hạ còn 6%, cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm còn 8% và dư nợ tín dụng ngân hàng tính đến ngày 13/3/2014 giảm 1,05%; trong khi Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng một lượng tiền không nhỏ qua nghiệp vụ thị trường mở. Ðây còn được xem là biểu hiện thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, mở ra thời kỳ cho phép chúng ta có thể vừa đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, vừa duy trì được mức CPI và đầu tư từ NSNN thấp, tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện mức sống thực tế của người dân.

Thành quả mới này cần được duy trì như là nhiệm vụ và phương thức phát triển mới, là kỳ vọng và thông điệp mới của năm 2014.