Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Cuối năm, tín dụng sẽ đạt trên 10%
(Tài chính) Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành ngân hàng ngày 9/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, thừa nhận so với chỉ tiêu đặt ra thì con số 3,52% hết sức khiêm tốn, tuy nhiên, mục tiêu mà ngành ngân hàng đặt ra từ đầu năm có khả năng đạt được.
"Diễn biến nhiều năm qua cho thấy tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường tăng trưởng gấp đôi so với đầu năm. Và như vậy, với kết quả 6 tháng đầu năm nay vào khoảng 3,52%, nếu theo quy luật đó thì 6 tháng còn lại tín dụng sẽ tăng khoảng 7%, tính chung cả năm sẽ đạt trên 10%", Thống đốc cho biết.
Tăng tốc tín dụng
Theo NHNN, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do quy luật những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp (DN) vay vốn chưa được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, qua phân tích cũng thấy rằng tiêu dùng có cải thiện khá mạnh trong 6 tháng đầu năm. Đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi thông thường, khi tiêu dùng, đầu tư được cải thiện thì tín dụng ngân hàng sẽ tăng.
"Hy vọng nhu cầu đầu tư trong 6 tháng cuối năm cũng sẽ tăng lên để kích thích tăng trưởng tín dụng. Như vậy, có thể thấy khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra từ đầu năm là có nhưng có đạt được hay không lại phụ thuộc vào sự cố gắng, nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng. Do vậy, chúng ta phải nỗ lực trong 6 tháng cuối năm thì mới có thể đạt được mục tiêu này", Thống đốc nói.
Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm, NHNN cho biết đã chấp thuận cho một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt so với chỉ tiêu giao từ đầu năm; thực hiện cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và khả năng quản trị rủi ro; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các chương trình, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực, ngành kinh tế.
Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đang rất nỗ lực để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tính đến hết quý II/2014, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank khoảng 6,6%, TPBank là 8,8%... Ngoài ra, một số ngân hàng như BIDV, Sacombank, ACB, SeABank... không đưa ra con số cụ thể nhưng khẳng định tăng trưởng tín dụng khả quan hơn quý I và sẽ đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao.
Tuy vậy, NHNN cũng hiểu rằng việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nửa năm còn lại không đơn giản, bởi yếu tố căn bản là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã suy kiệt. Do vậy, để lưu thông dòng vốn tín dụng, thời gian tới đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm...
Rào cản nợ xấu và lãi suất
Theo NHNN, lãi suất không còn là rào cản với DN trong việc tiếp cận vốn, vì lãi suất đã ở mức thấp. Cụ thể, tín dụng có lãi suất dưới 10% chiếm tới 72%, tỷ trọng tín dụng có lãi suất trên 13%/năm chỉ còn 13%, trên 15%/năm là 5%, nằm giữa 13 - 15%/năm còn 10%.
Dù vậy, về phía DN vẫn có nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay nên giảm thêm nữa, bởi dù lãi suất cho vay giảm, nhưng với năng lực hấp thụ vốn đã cạn kiệt thì mức hiện tại vẫn là cao.
"Doanh nghiệp vẫn kêu lãi suất ngân hàng cao nên không thể tiếp cận và mở rộng sản xuất - kinh doanh. Song trong bối cảnh thị trường khó khăn, chúng ta cũng phải hiểu rõ vấn đề, không chỉ lãi suất làm khó DN. Lãi suất chỉ là một giọt nước làm tràn ly, chứ không hẳn là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn cho DN trước tình hình hiện nay", ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN, bình luận.
Cũng theo ông Thanh, không chỉ lãi suất giảm, mà tỷ lệ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đã dần thu hẹp, chỉ 1 - 2%. Trong khi đó, với hoạt động tín dụng, chênh lệch giữa huy động và cho vay phải từ 3% trở lên mới đủ để ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và kỳ vọng thu được lợi nhuận.
"Theo quy định, mỗi đồng vốn đi ra ngân hàng đã phải trích lập ngay 0,75% dự phòng chung, nhưng trong bối cảnh khó khăn, nợ xấu tăng hiện nay không chỉ với trích lập dự phòng chung mà đòi hỏi ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro riêng. Do đó, nếu chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ còn mức 1,5 - 2% thì dự phòng đã ăn hết lợi nhuận. Lợi nhuận của ngân hàng trong những năm qua sụt giảm khá mạnh, thậm chí không đủ để trích dự phòng rủi ro", ông Thanh phân tích.
Một rào cản nữa chính là nợ xấu. Hiện giải pháp xử lý nợ xấu là Công ty quản lý tài sản VAMC vẫn đang bế tắc trong việc bán nợ xấu, do khung pháp lý cho việc xử lý nợ xấu vẫn chưa hoàn thiện. Còn mua nợ xấu, 6 tháng đầu năm đã xử lý khá chậm. Nguyên do là công ty này vẫn đang mua nợ xấu theo kế hoạch bán nợ của các ngân hàng chứ không phải có kế hoạch chủ động. Với số lượng ít ỏi mà VAMC mua được, thì nợ xấu vẫn đang là thách thức lớn cho nhà điều hành chính sách.