Thống đốc nhìn lại điều hành tiền tệ

Theo VnEconomy

Tín dụng tăng 1,4%, cam kết ổn định tỷ giá với mức biến động không quá 2% cho cả năm, quản lý thị trường vàng theo hướng tăng cung và không để vàng tác động xấu đến tỷ giá, mở chính sách tín dụng nhà ở xã hội đối với người thu nhập thấp là những nét chính trong điều hành chính sách tiền tệ 4 tháng qua.

PV: Thị trường đang rất quan tâm đến vấn đề khôi phục tăng trưởng tín dụng, Thống đốc nói gì về vấn đề này?

Thống đốc nhìn lại điều hành tiền tệ

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Điểm trước tiên tôi muốn nói tới chính là huy động vốn tăng trở lại kể từ cuối tháng 1/2013 và tăng cao so với cùng kỳ của năm 2011 và 2012.

Tính đến ngày 23/4/2013, huy động vốn tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012 và gấp hơn 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011.

Tốc độ tăng huy động vốn bằng VND cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ là phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ và cho thấy niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng tăng lên.

Cùng đó, tín dụng sau khi giảm trong tháng 1/2013 đã tăng trở lại từ tháng 2/2013 và có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến ngày 23/4/2013, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012, cao hơn mức giảm 0,2% của 4 tháng đầu năm 2012.

Tiếp đó, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện: Trong 4 tháng đầu năm, vốn khả dụng bằng VND của các tổ chức tín dụng khá ổn định, dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc và nhu cầu thanh toán, nhu cầu vay vốn của các ngân hàng thương mại qua nghiệp vụ thị trường mở không lớn. Thanh khoản khả quan giúp lãi suất diễn biến tích cực.

Lãi suất thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp và giảm nhẹ so với đầu năm, đến ngày 23/04/2013, lãi suất qua đêm là 2-3%/năm, 1 tuần là 2,6- 3,2%/năm, 1 tháng là 4,3-5%/năm.

Chính nhờ thanh khoản ổn định mà các tổ chức tín dụng chủ động được nguồn để cấp vốn ra nền kinh tế.

Nhìn lại một năm trước, rất khó tin rằng lãi suất tiền gửi, tiền vay có thể giảm nhanh như vậy, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, những khoản vay lãi suất thấp không dành cho mọi đối tượng?

So với đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm khoảng 1-2%/năm, các ngân hàng thương mại đều tuân thủ nghiêm mức trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn bằng VND của NHNN.

Hiện lãi suất huy động của tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 1-2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6-7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 9-10,5%/năm.

Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-11%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 11-13%/năm ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước, 12-15%/năm ở khối ngân hàng thương mại cổ phần; trong đó, một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên, có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ từ 9-10%/năm.

Tất nhiên là lãi suất phản ánh mức độ rủi ro của từng dự án, dự án tốt và thuộc lĩnh vực ưu tiên thì luôn được hưởng lãi suất thấp.

Thưa ông, qua 4 tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn, điều hành chính sách tiền tệ đã làm những gì?

Với việc triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp ngay từ 4 tháng đầu năm, diễn biến tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng đã đạt được những kết quả nhất định, phù hợp với mục tiêu, định hướng điều hành của cả năm.

Trước hết, NHNN điều hành linh hoạt các kênh cung ứng tiền để kiểm soát tiền tệ hợp lý theo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong điều kiện mua một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Qua đó, hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá; điều hành linh hoạt thị trường mở thông qua việc duy trì thường xuyên chào mua giấy tờ có giá để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng một cách kịp thời, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán Quý Tỵ, khi mà nhu cầu rút tiền của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp tăng cao.

Tiếp đó, chúng tôi xác định tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 12% và phân bổ chỉ tiêu cho từng đơn vị nhưng phải theo hướng tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng.

Đồng thời, riết nóng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; ưu tiên tập trung vốn hỗ trợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các dự án có hiệu quả.

Thứ ba, NHNN điều chỉnh giảm 1%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND ở kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng; giảm 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về lãi suất của NHNN đối với các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm nhằm thiết lập kỷ cương trên thị trường.

Thứ tư, NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, công bố và xin ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp và người dân để hoàn thiện văn bản.

Chúng tôi dự kiến, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng, NHNN sẽ ban hành thông tư và triển khai quyết liệt, dành 30.000 tỷ đồng để tái cấp vốn với lãi suất và thời hạn hợp lý, hỗ trợ các ngân hàng thương mại của Nhà nước thực hiện cho vay.

Thứ năm, theo dõi sát tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng đặc biệt là các tổ chức tín dụng thuộc diện tái cơ cấu để có sự hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ổn định hệ thống; xây dựng và hoàn thiện đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, NHNN đang hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam; thành lập ban trù bị Công ty Quản lý tài sản Việt Nam để sẵn sàng triển khai sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.