Thông thoáng hơn cho khởi nghiệp

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Tại Hội thảo về Hệ sinh thái khởi nghiệp diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng startup Việt vẫn hoạt động rời rạc, thiếu cơ chế huy động, gặp nhiều khó khăn trong kêu gọi vốn đầu tư. Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị, Chính phủ cần tạo cơ chế vốn và tín dụng thông thoáng hơn cho hoạt động khởi nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khó gọi vốn đầu tư

Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Hoàng Xuân Hòa, chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp ở nước ta phát triển mạnh mẽ đến như vậy. Theo số liệu không chính thức, Việt Nam có khoảng 15 nghìn startup đang hoạt động tập trung chủ yếu tại hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều startup Việt đã gây tiếng vang lớn trên thị trường và chiến thắng các cuộc thi khởi nghiệp quốc tế, tham gia tranh tài với các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo đang được các bạn trẻ đón nhận và triển khai sôi động, tích cực trên cả nước. Năm “Quốc gia khởi nghiệp” 2016, chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 40 triệu USD.

Việt Nam có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hoạt động hỗ trợ phát triển năng lực cho khởi nghiệp cũng rất năng động với khoảng 20 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng, trên thực tế, hệ sinh thái khởi nghiệp chưa phát huy được tiềm năng, chủ yếu do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp hoạt động rời rạc.

Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam Thạch Lê Anh cho rằng, thị trường Việt Nam đã ghi nhận sự tham gia của một số quỹ đầu tư vào các startup như: Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate Venture (Singapore), IDG, 500 startup (Mỹ)...

Nguồn vốn đầu tư của các quỹ tương đối lớn nhưng startup Việt  lại không đủ khả năng đáp ứng các tiêu chí của các quỹ này. Theo bà Thạch Lê Anh, mặc dù có các kênh huy động vốn như trên nhưng Startup thường chỉ có thể gọi được vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm và Các quỹ đầu tư vốn giai đoạn đầu, ngoại trừ lợi nhuận khi bán cổ phần thì số tiền quản lý quỹ là rất nhỏ và thường không đủ để tạo quy mô xây dựng đội ngũ quản lý quỹ. Đây là hai nguyên nhân chính làm cho startup Việt  không có cơ hội phát triển.

Thay đổi cơ chế

Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Chính phủ các nước, bà Thạch Lê Anh cho biết, tất cả các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ... đều có sự tham gia của Chính phủ, không chỉ với vai trò là người đưa ra các chính sách mà còn đóng vai trò là nhà đầu tư cho các quỹ khởi nghiệp.

Nếu Việt Nam muốn tập trung phát triển khởi nghiệp để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là giai đoạn đầu.

Đồng thời thu hút khối tư nhân cùng đầu tư vào lĩnh vực này, giảm các thuế đầu tư vào giai đoạn gieo mầm cho khởi nghiệp. Thành lập Hiệp hội đầu tư mạo hiểm bởi đây là cầu nối giữa những nhà đầu tư tư nhân với các tổ chức đầu tư mạo hiểm, giúp cho việc lựa chọn đơn vị quản lý danh mục đầu tư được chuẩn xác hơn.

Với việc Chính phủ đề ra và kiên định mục tiêu kiến tạo, hành động, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, Chủ tịch LP Group, Luật sư Nguyễn Văn Lộc cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp đang “tràn đầy” cơ hội. Nếu cơ chế vốn và tín dụng thông thoáng hơn nữa, giao cho tư nhân, thì sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, những quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần sẽ có cơ hội hỗ trợ startup hơn rất nhiều.

Cố vấn Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss Entrepreneurship Program, SwissEP) Trần Trí Dũng nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam so với thế giới cũng có đầy đủ điều kiện. Vấn đề là liên kết và vận hành như thế nào cho hiệu quả.

Đổi mới, sáng tạo là kết quả của một khoảnh khắc nhưng để đi đến khoảnh khắc này có khi mất hàng chục năm, trong đó xây dựng niềm tin của các doanh nghiệp khởi nghiệp với đơn vị hỗ trợ, các nhà đầu tư nước ngoài là quá trình mất thời gian rất lâu.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (sYs) Đỗ Thị Tú Anh cho biết, Việt Nam chưa có bất kỳ một quỹ hỗ trợ đầu tư chính thức nào vì chưa có luật, những người khởi nghiệp rất “cô đơn”, không biết đi hướng nào. Để tránh đi vào “vết xe đổ”, cần có cơ chế để tập hợp các nguồn lực.

Cũng theo bà Tú Anh, bên cạnh nguồn vốn của doanh nhân, cần cung cấp cho các startup có những bài học kinh nghiệm từ thất bại. Đó mới chính là những câu chuyện “xương máu” mà startup cần biết để tránh. Và đó cũng chính là trách nhiệm xã hội của các doanh nhân đi trước, dạy cho các bạn trẻ cách đứng lên từ thất bại nhanh nhất, bà Tú Anh khẳng định.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Vietnam, Chủ tịch Hội Hóa chất Nông nghiệp Hà Nội, Cố vấn Chương trình Khởi nghiệp Đàm Quang Thắng cho biết, giải pháp tốt nhất hiện nay là khai thác nguồn lực rất lớn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tham gia vào hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bởi hiện có 98% doanh nghiệp là SME và họ có kinh nghiệm, có chỗ đứng trong ngành, nguồn lực tài chính ổn định, ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất.

“Để học hỏi kinh nghiệm, các startup tiếp cận SME sẽ dễ hơn rất nhiều so với các nhà đầu tư nước ngoài. Tạo cơ chế khuyến khích các SME tham gia, tôi chắc chắn họ rất muốn cống hiến để tạo giá trị cho cộng đồng”- ông Thắng nói.