Thu hút FDI giảm: Số liệu chưa nói lên điều gì

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm liên tiếp hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là tín hiệu xấu cho năm 2014 khi niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang được cải thiện rõ rệt.

Thu hút FDI giảm: Số liệu chưa nói lên điều gì
FDI đã giảm liên tiếp hai tháng đầu năm. Nguồn: internet

Số liệu thống kê mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, vốn đăng ký FDI trong 2 tháng vừa qua chỉ đạt 1,54 tỷ USD, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn trên được các nhà đầu tư cam kết đưa vào 122 dự án mới và 41 dự án đầu tư mở rộng.

Trong một bản báo cáo gửi Chính phủ cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, sự sụt giảm này là do hai tháng vừa qua không có các dự án FDI quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam như cùng thời điểm năm trước. Còn nhớ hai tháng đầu năm 2013, Tập đoàn Samsung đã đăng ký một dự án đầu tư lớn tại Thái Nguyên với tổng vốn là 2 tỷ USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư của dự án lọc dầu Nghi Sơn cũng đăng ký tăng vốn đầu tư thêm 2,8 tỷ USD nữa.

Mặc dù vốn đăng ký FDI giảm tới 2/3 so với cùng kỳ, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp FDI cho rằng, đây chưa phải là điều đáng lo ngại. “Tôi không ngạc nhiên về số vốn FDI đăng ký giảm thời gian qua. Bởi vì, chúng ta đã trải qua một thời gian nghỉ Tết khá dài”. Vị này cũng lưu ý thêm rằng, thường thì vốn FDI đăng ký sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm. “Nếu đến thời gian đó, vốn FDI vẫn tiếp tục giảm mạnh hoặc ta không thu hút được những dự án lớn giống như năm ngoái thì mới là điều lo ngại”, ông nói.

Cũng theo ông Mại, nếu các nhà đầu tư không tin tưởng vào thị trường Việt Nam, họ sẽ không giải ngân vốn vào đây. Tuy nhiên, trong khi vốn đăng ký giảm, vốn giải ngân trong hai tháng qua vẫn tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,12 tỷ USD.

Nhận xét trên hoàn toàn là có cơ sở khi thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá rằng môi trường đầu tư Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, nhờ vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, các chính sách ưu đãi được tăng cường và cơ sở hạ tầng cũng dần được cải thiện.

Gần đây nhất, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) công bố chỉ số niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam với mức tăng 9 điểm trong quý I/2014, mức tăng cao nhất kể từ giữa năm 2012 đến nay. Có tới 80% số doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết, họ sẽ tiếp tục duy trì hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Không chỉ các doanh nghiệp châu Âu, khảo sát của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) mới đây cũng cho biết, có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam được hỏi khẳng định sẽ tiếp tục coi Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn trong vài năm tới. Đây là tỷ lệ cao nhất so với mức độ đánh giá của các doanh nghiệp Nhật Bản tại các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cần nói rằng, không phải tự nhiên mà niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư Việt Nam tăng lên trong thời gian vừa qua. Ông Indronil Sengupta, Tổng giám đốc của Tata Sons Limited (Ấn Độ) tại Việt Nam cho biết, những cam kết của Chính phủ và những nỗ lực cụ thể đã cho thấy quyết tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Chính vì vậy, dù Tata Steel đã phải rút khỏi dự án thép tại Vũng Áng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhưng Tập đoàn Tata vẫn tin tưởng vào thị trường Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư tại đây. Hiện tại Tata Power, một công ty con khác của Tập đoàn Tata đang chuẩn bị đầu tư vào dự án nhiệt điện tại Sóc Trăng với tổng vốn dự kiến là 2 tỷ USD.

Ngoài nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô, các nhà đầu tư vẫn đánh giá cao những thuận lợi khác như chi phí nhân công rẻ, nguồn lao động dồi dào và đặc biệt là thị trường tiêu dùng ngày càng được mở rộng...