Thu hút FDI: Gỡ nút thắt, thanh lọc dự án

Theo Thời Báo Ngân Hàng

Thực tế, yêu cầu đổi mới công tác thu hút FDI đã được đặt ra mấy năm gần đây khi lĩnh vực này bắt đầu bộc lộ nhiều mặt trái.Trước thực trạng đó, những giải pháp nhằm thay đổi căn bản quản lý dòng vốn FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trình Chính phủ mới đây hứa hẹn sẽ tháo gỡ nút thắt cũng như thanh lọc đầu tư nước ngoài theo hướng thực chất hơn.

Thu hút FDI: Gỡ nút thắt, thanh lọc dự án
Ảnh minh họa.Nguồn:Internet
Cuộc đua ngày càng khốc liệt

“Thông tin về các dự án FDI đang có ý định vào Việt Nam cũng có thể được coi là bí mật quốc gia. Điều này là chưa từng có, nhưng hiện nay nó đã trở thành yêu cầu cần phải đặt ra”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ngỏ lời với báo chí sau cuộc họp báo được tổ chức sáng 4/1/2013 tại trụ sở bộ. Lưu ý của ông Vinh được đưa ra sau nhận định: thu hút FDI đã trở thành một cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cũng chỉ ra thực tế đó khi đánh giá nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của nhiều quốc gia phát triển có xu hướng suy giảm trong mấy năm gần đây, trong khi nhu cầu thu hút đầu tư của các nước đang phát triển ngày càng tăng lên. Ngay cả các nước láng giềng với Việt Nam như Lào, Campuchia hay gần đây là Myanmar… cũng ra sức “mời chào” đầu tư, khiến cho cuộc cạnh tranh trở nên quyết liệt chưa từng có giữa các quốc gia ngay trong khu vực ASEAN.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khắc họa rõ nét hơn “sức căng” đó. Trong năm 2012, vốn FDI giải ngân đạt 10,46 tỷ USD, chỉ bằng 95,1% năm 2011; tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,01 tỷ USD, thấp hơn con số đặt ra đầu năm là 15 tỷ USD; số dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm chỉ bằng 84,7% so với cùng kỳ 2011… Trong số các chỉ tiêu bề nổi này, một điểm sáng duy nhất là lượng vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đầu tư giai đoạn trước cao hơn 58,5% so với năm 2011.

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhận định, điều này chứng tỏ các nhà đầu tư đã làm ăn ở Việt Nam vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của nước ta cũng như triển vọng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng nhanh chóng thừa nhận, xét về lâu dài, cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư thời gian qua đã làm bật lên hạn chế của môi trường đầu tư trong nước. “Do đó, nhất định phải đổi mới!”, ông Hoàng cương quyết.

Thực tế, yêu cầu đổi mới công tác thu hút FDI đã được đặt ra mấy năm gần đây khi lĩnh vực này bắt đầu bộc lộ nhiều mặt trái. Những nút thắt mà đại diện Cục Đầu tư nước ngoài đặt ra chủ yếu xoay quanh các quy định quản lý hoạt động của khối doanh nghiệp (DN) này còn quá nhiều bất cập.

Muốn “phá” những hạn chế cũ

Ông Đỗ Nhất Hoàng thẳng thắn, công tác xúc tiến đầu tư thời gian vừa qua chưa hiệu quả. Theo đó, công tác này còn dàn trải, phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào các đối tác, lĩnh vực trọng điểm cũng chưa có sự thống nhất điều phối để thực hiện trúng mục tiêu.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề phân cấp phê duyệt và quản lý các dự án FDI lớn. Theo ông Vinh, các công trình, dự án lớn, có tầm lan tỏa toàn quốc đều do địa phương cấp phép là quá sức. “Trong khi ở Trung Quốc, dự án có quy mô từ 100 triệu USD trở lên đều phải do Nhà nước thẩm định và cấp phép”, ông Vinh lưu ý

Nộp ngân sách của khu vực FDI năm 2012 (chưa kể dầu thô) đạt 3,76 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2011 (3,5 tỷ USD) và tăng 23% so với năm 2010 (3,04 tỷ USD), chiếm 18,7% tổng thu nội địa.
Trước bất cập đó, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đang đề nghị Chính phủ thay đổi quản lý các dự án FDI lớn theo hướng có sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành, phối hợp với địa phương để thẩm định các dự án này.

“Cải tiến phải tạo thay đổi căn bản, tập trung hơn, không đua nhau đi xúc tiến đầu tư như hiện nay nữa”, ông Vinh khẳng định. Cũng trong tiến trình cải cách này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sẽ siết chặt, nhưng cũng sẽ có nới lỏng.

Chẳng hạn với định hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Trong năm vừa qua, dù lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều đầu tư nhất với vốn đăng ký chiếm 70% tổng vốn, song thu hút các dự án công nghệ cao lại chưa được như kỳ vọng.

Ông Đỗ Nhất Hoàng dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân: “Sẽ giảm thiểu các quy định về công nghệ cao cho các dự án FDI đáp ứng được với điều kiện ở Việt Nam”. Nếu vấn đề này được thực hiện, nhiều dự án FDI trước kia “hụt” so với diện này sẽ được hưởng các ưu đãi đối với dự án công nghệ cao, một điều chỉnh nới hơn trước cũng có ý nghĩa trong khuyến khích thu hút đầu tư công nghệ cao.

Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ sẽ được thắt chặt hơn theo cam kết của nhà đầu tư. Bởi lẽ, câu chuyện tranh thủ các dự án FDI để chuyển giao công nghệ dù đã được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư nước ngoài, song cho tới nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết.

Do hiện chuyển giao công nghệ đang được thực hiện theo cơ chế thỏa thuận nên rất khó buộc DN thực thi. Vì vậy, cần nghiên cứu thêm để đưa ra quy chế bắt buộc chuyển giao theo cam kết đối với các dự án đầu tư muốn vào Việt Nam. “Vấn đề này phải bổ sung vào luật”, ông Hoàng phát biểu.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tính chuyện bổ sung các quy định để thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vốn đang bị bỏ ngỏ nhiều năm qua. Với những quy định mới này, DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ nhận được hỗ trợ lớn của Nhà nước cũng như ưu đãi tín dụng từ phía ngân hàng.

Những giải pháp nhằm thay đổi căn bản quản lý dòng vốn FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hứa hẹn sẽ thanh lọc đầu tư nước ngoài theo hướng thực chất hơn. Song theo dự báo, nguồn vốn FDI chưa thể phục hồi mạnh trong năm tới. Do đó, việc thực hiện các giải pháp này nếu không khẩn trương và nhất quán, thì khó có thể đạt được mục tiêu vốn đầu tư đăng ký khoảng 13-14 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 10,5-11 tỷ USD trong năm 2013.

Ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Trong khó khăn hiện nay, thu hút đầu tư nước ngoài trở nên rất quan trọng, không chỉ vì nó mang nguồn vốn cho Việt Nam. Các DN FDI mang đến cho chúng ta kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ ở chừng mực nhất định, tạo công ăn việc làm, tạo ra giá trị xuất khẩu và rất nhiều chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Cho nên, Chính phủ khẳng định tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

Chính phủ vừa họp và thông qua một nghị quyết chuyên đề về vấn đề cải thiện, nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, trong đó đưa ra 8 giải pháp cơ bản. Điểm tôi quan tâm nhất là cải cách về mặt thể chế, làm sao để cơ chế chính sách của Việt Nam nhất quán, thông thoáng và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề này hiện vẫn đang bị cắt khúc, chồng chéo và ở một số văn bản đọc lên chưa hiểu là như thế nào. Cho nên cần phải minh bạch, rõ ràng hơn, dễ hiểu dễ thực thi hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Một hạn chế khác là kết cấu hạ tầng của Việt Nam còn đang rất yếu. Điện cũng thiếu, không ổn định, chất lượng điện thấp. Hạ tầng thông tin, giao thông còn nhiều hạn chế, cần đầu tư để cải thiện.

Ngoài ra, dù Việt Nam đang ở tháp dân số vàng, với lực lượng lao động khoảng 52 triệu người, trong đó chủ yếu là lao động trẻ, học hành tử tế nhưng đào tạo về trình độ chuyên môn, về nghề thấp. Cho nên, khi các dự án đầu tư nước ngoài cần tuyển cán bộ quản lý, các chuyên gia, kỹ sư có trình độ cao trong công nghệ, cũng như công nhân lành nghề thì chúng ta chưa đáp ứng được. Đó là những vấn đề then chốt mà Chính phủ xác định phải tháo gỡ…