Thu hút vốn FDI: Tại sao sụt giảm?

Theo Đại đoàn kết

Những số liệu thống kê mới nhất về tình hình thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 2 và 2 tháng đầu năm vừa được công bố, mang đến những tín hiệu không vui….

Thu hút vốn FDI: Tại sao sụt giảm?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Niềm vui ngắn

Cách đây một tháng, con số thống kê mở đầu cho năm 2013 đã mang đến những hy vọng khởi sắc cho việc thu hút FDI sau thời kỳ dài sụt giảm khi tổng lượng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 281,4 triệu USD, tăng gấp 74% so với cùng kỳ. Đi kèm đó, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 420 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ.

Thế nhưng, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm tháng 2 lại chỉ dừng ở mức 630,3 triệu USD, sụt giảm tới hơn 60%. Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, sở dĩ có sự sụt giảm nghiêm trọng này là do thiếu hụt những dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hầu như đều dừng lại dưới ngưỡng 100 triệu USD. Ngược trở lại năm 2012, hai tháng đầu lại ghi nhận những dự án với tổng vốn đầu tư lớn như dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 574 triệu USD, dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn Oshima Shipbuilding Việt Nam với 180 triệu USD… Cùng với đó, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cũng ảnh hưởng tới việc thu hút các dự án.

Điểm sáng duy nhất của tháng 2 chính là lượng vốn giải ngân vẫn duy trì ổn định với 1,05 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) dự kiến đạt 12,2 tỷ USD, tăng 27,3%, chiếm 64,34% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 11 tỷ USD, tăng 27,5%. Nhập khẩu của khu vực FDI đạt 9,24 tỷ USD, tăng 13%, chiếm hơn 53,41% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 2 tháng, khu vực FDI đã xuất siêu 2,96 tỷ USD, trong khi cả nước xuất siêu 1,67 tỷ USD.

14 ngành lĩnh vực đã nhận được ưu đãi đầu tư, thu hút sự quan tâm nhiều nhất vẫn là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 44 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 408,9 triệu USD, chiếm 64,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 2 tháng. Đáng chú ý, lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội đã vươn lên vị trí thứ 2 với tổng vốn 80 triệu USD. Nhật Bản tiếp tục giữ vững ngôi nhà đầu tư số một của mình với 258 triệu USD, chiếm tới 40,9% tổng vốn đăng ký vào Việt Nam. 

Kịch bản 2012 có lặp lại?

Tất nhiên con số 2 tháng đầu năm chưa thể phản ánh đúng về tình hình thu hút FDI cho cả năm 2013. Trong năm 2013, theo đánh giá của các chuyên gia từ Ngân hàng HSBC, tiếp tục có một cuộc chuyển dịch nguồn vốn FDI quốc tế vào các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Nếu tính tỷ lệ GDP, Việt Nam đang là nước lớn đứng thứ 2 khu vực về thu hút FDI tại Đông Nam Á với lợi thế về nguồn lao động giá rẻ, môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn so với Ấn Độ, Philippin, Indonesia.

Cùng với đó, Việt Nam vẫn là môi trường hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Bằng chứng là trong năm 2012, số vốn giải ngân tương đương năm 2011 cùng lượng vốn tăng thêm tăng mạnh là một điểm sáng đầy lạc quan. Các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn kỳ vọng vào Việt Nam với lợi thế chi phí sản xuất thấp, lực lượng lao động dồi dào và ổn định về chính trị. Các nhà đầu tư Mỹ cũng dự định tiếp tục tăng vốn đầu tư tại Việt Nam.

Những tồn đọng, bất cập trong chính sách thu hút nguồn vốn FDI cũng được Chính phủ và các cơ quan liên quan thẳng thắn nhìn nhận, đưa ra các nhóm giải pháp khắc phục. Sự ra đời của Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý nguồn vốn FDI đến năm 2020 trong thời gian tới cũng dự báo sẽ đem đến một bước chuyển mình cho khu vực FDI.

Song, cũng không thể tránh khỏi những nghi ngại. Bởi, những vấn đề nội tại liên quan tới cơ sở hạ tầng, nguyên vật liệu, các thủ tục hành chính, thuế, tham nhũng… không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, chúng ta vẫn tập trung hướng tới những nhà đầu tư quen thuộc, chủ yếu đến từ châu Á. Những địa phương thu hút nhiều FDI vẫn là những địa phương truyền thống và tiềm năng. Sự thiếu liên kết giữa khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp FDI đã hạn chế sự lan tỏa tích cực của FDI vào Việt Nam.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện những dự án lớn không tránh khỏi độ trễ thời gian nhất định, do đó, điểm nhấn đầu tiên chính là tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện hệ thống luật pháp và có những cam kết chính trị phù hợp hướng tới các dự án FDI có chất lượng, hiệu quả và bền vững. Nói cách khác, Việt Nam cần xác định rõ những vấn đề cụ thể nào có thể thực hiện ngay, đồng thời,  khâu thực thi phải có sự đồng bộ, quyết liệt và có những bước đột phá phù hợp. Nếu không, một kịch bản sụt giảm tương tự hoàn toàn có khả năng xảy ra.