Thu ngân sách của Hà Nội năm 2023 tăng cao
Sáng 5/12, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2026, đã khai mạc Kỳ họp thứ 14 để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố.
Tới dự có đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 14, thành phố sẽ xem xét 29 báo cáo và thông qua 35 nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; các nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô; Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Đề án Nâng cao năng lực về phòng cháy, chữa cháy….
Hội đồng nhân dân thành phố thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn; dự kiến hai nhóm vấn đề: Tái chất vấn kết quả thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của Hội đồng nhân dân thành phố đã đến thời hạn nhưng tiến độ còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn về nhóm vấn đề giao thông đô thị của thành phố.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố tiến hành hoạt động giám sát quan trọng là thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân thành phố bầu theo Quy định của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, kinh tế-xã hội năm 2023 của thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó ba chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Ước cả năm 2023, GRDP của thành phố tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra, nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng hơn 5%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm 2022 (trong đó, thu nội địa năm 2023 ước đạt 373,1 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 93,18%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2023 của thành phố còn một số hạn chế như: Một số chỉ tiêu chưa đạt; kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra; kỷ luật, kỷ cương đã được tăng cường, nhưng có nơi, có lúc còn chưa nghiêm. Bên cạnh đó, một số khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Vì thế, tại kỳ họp này, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, ngoài các nội dung đã được đề cập cụ thể trong các báo cáo, tờ trình của UBND thành phố về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, Hội đồng nhân dân thành phố cần tập trung đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để thảo luận kỹ lưỡng; từ đó phân tích, đặc biệt là dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2024 bảo đảm sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao.
Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu chú trọng lựa chọn những nhiệm vụ, đề án, dự án có trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2024.