Thu ngân sách từ doanh nghiệp vẫn tăng

Theo Báo Đầu tư

Năm 2013, Quốc hội giao ngành Thuế phải thu nội địa (không kể dầu thô và đất đai) tổng cộng 506.500 tỷ đồng, tăng gần 20% so với số thu ước thực hiện năm 2012. Ông Vũ Văn Trường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao đổi với phóng viên về các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu này.

Thưa ông, trước khi năm 2012 kết thúc, ít người nghĩ rằng ngành Thuế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Vậy kết quả cuối cùng thế nào?

Thu ngân sách từ doanh nghiệp vẫn tăng - Ảnh 1
Ông Vũ Văn Trường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Vào ngày 31/1/2013, Kho bạc Nhà nước mới có báo cáo quyết toán thuế năm 2012, vì thế, phải sau thời điểm này, mới có kết quả cuối cùng về thu ngân sách năm 2012. Tuy nhiên, dựa trên báo cáo của cơ quan Thuế các địa phương, ước tính, thu ngân sách năm 2012 do ngành Thuế quản lý đạt 607.844 tỷ đồng, bằng 104,5% dự toán và tăng 12,4% so với số thu đạt được năm 2011. Nếu loại trừ số thu từ dầu thô (140.107 tỷ đồng), thì thu nội địa vẫn tăng 8,6% so với năm 2011. Còn nếu không tính số thu từ tiền sử dụng đất và dầu thô, số thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng 11,3% so với năm 2011.

Điều đáng lưu ý là, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thanh khoản của nền kinh tế gặp khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp bị thua lỗ, phải hoạt động cầm chừng hoặc giải thể, sức mua thị trường giảm… nhưng vẫn có 7/14 khoản thu có mức tăng so với năm trước, đặc biệt là thu từ doanh nghiệp nhà nước tăng 13,6%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 6,9%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 7,3%; thuế thu nhập cá nhân tăng 17%; thuế bảo vệ môi trường tăng hơn 13%...

Kinh tế tăng trưởng chậm, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do thua lỗ. Vậy vì sao, kết quả thu ngân sách vẫn khả quan, thưa ông?

Có nhiều lý do khiến kết quả thu ngân sách vẫn khả quan, như GDP quý sau tăng cao hơn quý trước, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp dần được cải thiện… Riêng ngành Thuế năm vừa qua đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý thuế, đặc biệt là tập trung tăng cường chống thất thu, hạn chế nợ đọng nhằm ngăn chặn và phòng chống các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất-  kinh doanh, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế lại có xu hướng gia tăng?

Chúng tôi dự kiến tỷ lệ nợ đọng thuế/tổng thu ngân sách năm 2012 vào khoảng 8%, có tăng so với tỷ lệ nợ đọng/tổng thu ngân sách nhà nước vào cuối năm 2011. So với mục tiêu đặt ra là phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế/tổng thu ngân sách xuống tối đa 5%, thì việc kiểm soát nợ đọng thuế không đạt kế hoạch, nhưng tôi cho rằng, tỷ lệ nợ đọng thuế đã phản ánh là phù hợp với thực tiễn do tình hình kinh tế trong năm vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho tăng cao, hoạt động sản xuất - kinh doanh trì trệ.

Tuy nhiên, nếu so với năm 2008 (năm mà nền kinh tế gặp khó khăn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây), thì tỷ lệ nợ đọng thuế của năm 2012 đã có sự cải thiện đáng kể (năm 2008, tỷ lệ nợ đọng thuế lên đến 9,5%). Còn nếu xét trên yếu tố khác, mặc dù nợ đọng thuế trong năm vừa qua tăng, nhưng có thể nói là chấp nhận được vì so với năm 2011, nợ khó thu giảm 2%, nợ có khả năng thu giảm 4%; nợ khó thu giảm dần qua từng quý hoặc quý sau tăng chậm hơn quý trước. Cụ thể, so với quý trước, nợ đọng thuế của quý I/2012 tăng 28%; quý II/2012 tăng 12,5%; quý III/2012 giảm 5,4% và quý IV/2012 giảm 6,4%.

Thưa ông, năm 2013, Quốc hội giao thu nội địa (không kể dầu thô và đất đai) là 506.500 tỷ đồng, tăng gần 20% so với số thu ước thực hiện năm 2012. Ngành thuế có giải pháp gì để hoàn thành chỉ tiêu này?

Có thể nói, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn trong việc thu ngân sách do tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo chỉ khoảng 5,5%; hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi chậm; hàng loạt giải pháp giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm tiền thuê đất…, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 02/NQ-CP cũng ảnh hưởng mạnh đến công tác thu thuế.

Chính vì vậy, để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, chúng tôi đã đề ra 15 nhóm giải pháp, với 36 giải pháp cụ thể. Trong đó, cơ quan Thuế các cấp phải thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để phát hiện kịp thời trường hợp thực tế kinh doanh, nhưng không đăng ký thuế; giám sát và nắm bắt kịp thời số lượng doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, số doanh nghiệp ngừng hoạt động (bỏ trốn, giải thể, phá sản), số doanh nghiệp đang hoạt động…

Bên cạnh đó, cơ quan Thuế tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, mở rộng đối tượng và phạm vi thanh tra, kiểm tra. Trong đó, sẽ chú trọng thanh tra, kiểm tra đối với chuyên đề chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, hoàn thuế, hộ kinh doanh cá thể; tập trung thanh tra doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.