Thủ tướng Anh nên phá bỏ "những ranh giới đỏ"
Thủ tướng Anh Theresa May có thể loại bỏ những trở ngại để thỏa thuận đưa quốc gia này rời Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Anh Theresa May có thể loại bỏ những trở ngại để thỏa thuận đưa quốc gia này rời Liên minh châu Âu (EU)-hay còn gọi là Brexit, nhận được sự ủng hộ trong nước nếu xóa bỏ cam kết rời khỏi liên minh thuế quan EU.
Đây là nhận định của Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp Phil Hogan.
Chia sẻ trên báo Irish Independent, ông Phil Hogan, cựu thành viên Nội các CH Ireland và hiện là thành viên trong đảng cầm quyền của Thủ tướng CH Ireland Leo Varadkar kêu gọi những chính trị gia chủ đạo tại Anh tập trung vào những thực tế đơn giản, không màu mè.
Chỉ cần Thủ tướng May dỡ bỏ "giới hạn đỏ" mà bà đề ra về vấn đề Anh phải rời khỏi liên minh thuế quan EU hậu Brexit thì hầu hết các trở ngại lớn nhất với thỏa thuận sẽ được loại bỏ.
Ông Hogan cũng nhận định các cuộc tranh luận tại Hạ viện Anh vẫn rất thiếu thực tế trong khi còn quá ít thời gian để giải quyết những mâu thuẫn hiện nay, từ đó tìm ra một thỏa thuận có thể nhận được sự ủng hộ của đa số.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh thỏa thuận định hình "cuộc chia tay" mà Chính phủ Anh và EU đạt được hồi tháng 11/2018 bị Hạ viện Anh bác bỏ với số phiếu phản đối áp đảo trong cuộc bỏ phiếu hôm 15/1 mà lý do chủ yếu được cho là nằm ở điểm bất đồng giữa Thủ tướng May và lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn về việc Anh có nên ở lại liên minh thuế quan EU hay không sau khi rời khối.
Sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng May vẫn khẳng định sẽ duy trì chính sách ra khỏi liên minh thuế quan EU.
Các quan chức EU từng cho biết nếu Anh từ bỏ chính sách này thì EU cũng sẽ sẵn sàng đàm phán và có thể bớt khắt khe về vấn đề biên giới với Ireland, vấn đề gây cản trở lớn nhất trong đàm phán Brexit.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh John Major cũng kêu gọi bà May loại bỏ "những giới hạn đỏ" về vấn đề Brexit hoặc cho phép Quốc hội tự quyết một hướng đi mới nhằm tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận gây nhiều tổn hại vào tháng 3 tới.
Cựu Thủ tướng Anh trong giai đoạn 1990-1997 cho rằng thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May "đã chết" và sẽ không có thay đổi gì đáng kể nếu tiếp tục xoay quanh thỏa thuận này.
Ông Major cho rằng nếu Anh rời EU trong hỗn loạn và không có thỏa thuận nào thì đó sẽ là kết quả tồi tệ nhất vì vậy Thủ tướng May nên làm việc với những nghị sĩ trong đảng Bảo thủ luôn cho rằng sẵn sàng chấp nhận một Brexit không thỏa thuận, đồng thời thỏa hiệp trong những vấn đề đàm phán chính.
Ông cho rằng nếu Thủ tướng May không từ bỏ các chính sách như rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan thì bà nên để Quốc hội tự quyết hướng đi tiếp theo nhằm hóa giải những chia rẽ hiện tại.
Ông Major cho biết vấn nhận thấy những dấu hiệu Quốc hội Anh có thể tìm được tiếng nói chung. Nếu những lựa chọn này không được thực hiện thì một cuộc trưng cầu ý dân khác nên được tổ chức.
Tuy nhiên, với Thủ tướng May, việc lựa chọn một trong những hướng đi này sẽ là sự phản bội nguyện vọng của người dân trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 khi đa số người dân Anh lựa chon "ra đi".
Ngày 21/1 tới, bà May sẽ công bố "kế hoạch B" thay thế cho thỏa thuận đã bị từ chối , sau đó các nghị sĩ có thể đưa ra những lựa chọn để xem hướng tiếp cận nào sẽ nhận được sự ủng hộ của số đông.