Thực trạng hoạt động kế toán, kiểm toán Việt Nam

Sau hơn 20 năm hội nhập quốc tế, lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, thể hiện qua một số phương diện sau:

Về cơ chế chính sách: Trong những năm qua, lĩnh vực kế toán, kiểm toán, Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn như trong cải cách khung pháp lý cho phát triển ngành nghề và dịch vụ kế toán, kiểm toán. Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành khá đầy đủ và cập nhật kịp thời hệ thống pháp luật để chỉ đạo và phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán. Ngoài ra, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005, Luật Kiểm toán độc lập năm 2011, Luật Kế toán năm 2013 và nhiều văn bản dưới luật khác cũng đã được hoàn thiện. Đặc biệt, Bộ Tài chính còn công bố 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam phù hợp với Chuẩn mực kế toán quốc tế, kể cả Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Tháng 12/2012, Bộ Tài chính đã ban hành lại 37 Chuẩn mực kiểm toán (CMKiT) Việt Nam phù hợp với CMKiT mới nhất của quốc tế.

Có thể nói, đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán Việt Nam khá đầy đủ, phù hợp và cập nhật với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; Phù hợp với đặc thù nền kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam; Làm cơ sở thực hành công việc kế toán, lập báo cáo tài chính và thực hành kiểm tra, giám sát, kiểm toán báo cáo tài chính trong lĩnh vực doanh nghiệp cũng như Nhà nước; Là cơ sở nâng cao độ tin cậy của nhà đầu tư và xã hội vào sự công khai, minh bạch của thị trường tài chính Việt Nam.

Về phương pháp kế toán, kiểm toán căn bản: Việt Nam đã áp dụng gần đầy đủ chuẩn mực kế toán quốc tế, trừ nguyên tắc giá thị trường. Về CMKiT, Việt Nam đã áp dụng gần như đầy đủ chuẩn mực quốc tế có vận dụng phù hợp với pháp luật Việt Nam. Thậm chí, các công ty kiểm toán lớn đã áp dụng có tính cập nhật nhanh các chuẩn mực khi IFAC vừa công bố.

Về thực trạng hoạt động kế toán, kiểm toán: Trong hai thập kỷ qua, hoạt động kiểm toán độc lập đã phát triển đáng kể, từ chỗ chỉ có 2 công ty với 13 nhân viên làm việc vào ngày 13/5/1991, đến nay đã có 165 công ty kiểm toán, trong đó có mặt cả Big Four; Có 43 công ty đủ điều kiện kiểm toán doanh nghiệp niêm yết; 28 công ty là thành viên hãng kiểm toán quốc tế. Số liệu của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VAPCA) hiện có 11.000 người làm việc, có 2.800 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam, 500 người có chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế; Mỗi năm cung cấp trên 20 loại dịch vụ cho 33.000 khách hàng, tổng doanh thu đạt 3.800 tỷ đồng, nộp ngân sách 587 tỷ đồng.

Đề xuất, kiến nghị

Cùng với những thành công trong quá trình hội nhập quốc tế, hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam còn bộc lộ không ít tồn tại, khó khăn trong quá trình hội nhập. Nhằm thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế về kiểm toán, kế toán ở Việt Nam, trong thời gian tới cần chú ý vào những nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật do Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính công bố trên cơ sở phù hợp hơn với chuẩn mực và thông lệ quốc tế phổ biến. Các cơ quan chức năng cần xây dựng bổ sung một số chuẩn mực kế toán phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế. Để thực hiện được điều này, các chuyên gia kế toán hàng đầu của Việt Nam từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, hội nghề nghiệp đến các công ty dịch vụ kế toán - kiểm toán, các trường đại học… cần phải hợp tác về mặt chuyên môn nhằm xây dựng chuẩn mực kế toán chất lượng cao.

Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán Việt Nam khá đầy đủ, phù hợp và cập nhật với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; Phù hợp với đặc thù nền kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam; Làm cơ sở thực hành công việc kế toán, lập báo cáo tài chính và thực hành kiểm tra, giám sát, kiểm toán báo cáo tài chính trong lĩnh vực doanh nghiệp cũng như Nhà nước.

Thứ hai, củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán, vừa đảm bảo chức năng hoạch định chính sách vừa quản lý, giám sát thực thi kế toán, kiểm toán. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế về kiểm toán, kế toán tại Việt Nam.

Thứ ba, tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện, trong đó tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ hiện có cũng như thực hiện đào tạo mới và đào tạo nâng cao trong các trường đại học, các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế. Nhiều ý kiến cũng khuyến nghị rằng, các trung tâm đào tạo cần nghiên cứu chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn hành nghề, cập nhật những đổi mới, tích cực trong quá trình xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, tích cực trao đổi và tiếp thu kinh nghiệm từ các học viên ở những quốc gia có hệ thống kế toán phát triển cũng như các tổ chức ban hành chuẩn mực quốc tế. Các trường đại học cần thúc đẩy các nhóm nghiên cứu khoa học về những lĩnh vực kế toán, kiểm toán nêu trên, các sản phẩm cần được phát hành và phổ biến để làm nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, chuẩn mực, chế độ kế toán, từ việc hoàn thiện các quy chế kiểm tra định kỳ, đột xuất, tự kiểm tra, kiểm tra từ bên ngoài, đặc biệt là kiểm tra của các hội nghề nghiệp, theo đó là xử lý các sai phạm để duy trì chất lượng dịch vụ đồng đều, giảm thiểu mức chênh lệch về chất lượng dịch vụ như hiện nay.

Thứ năm, phát triển hơn nữa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tập trung đào tạo và tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề kế toán; Đào tạo và nâng cao yêu cầu thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên (CPA Việt Nam) sao cho tăng nhanh hơn về số lượng (đến năm 2020 đạt 7000 người được cấp CPA Việt Nam) và nâng cao chất lượng của chứng chỉ, trước mắt được ASEAN thừa nhận (ACPA); Mở rộng quy mô và chất lượng doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, xây dựng 1 - 2 công ty kiểm toán Việt Nam có quy mô tương đương với Big Four tại Việt Nam. Phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp.

Thứ sáu, đẩy mạnh sự phát triển của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán thành tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, độc lập và tự quản trên cơ sở chuyển giao tiếp các việc, hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc duy trì và phát triển nghề nghiệp theo hướng xã hội hóa một phần các dịch vụ xã hội về kế toán, kiểm toán.

Thứ bảy, tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của kế toán, kiểm toán Việt Nam thông qua các quan hệ hợp tác, hoạt động kinh nghiệp của quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Kế toán năm 2003;

2. Luật Kiểm toán độc lập năm 2011;

3. Nghị định 72/2012/NĐ – CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập;

4. Các hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam;

5. Website: www.kiemtoannn.gov.vn.

Thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam

NGUYỄN THỊ NGUYỆT - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

(Tài chính) Hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam đã và đang được đổi mới căn bản, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Đó là hệ thống chuẩn mực kế toán do Liên đoàn Kế toán quốc tế công bố áp dụng cho tất cả các nước theo cơ chế thị trường. Đây là cơ hội để hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Xem thêm

Video nổi bật