Thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam bằng thương mại điện tử

Theo dangcongsan.vn

(Tài chính) Ngày 23/12, tại Hà Nội, Hội Siêu thị thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam bằng thương mại điện tử”.

Thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam bằng thương mại điện tử
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện đang có khoảng 70 siêu thị, 15 trung tâm thương mại và khoảng 400 chợ truyền thống vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Bên cạnh đó, ngoài phương thức bán hàng trực tiếp còn có thêm các phương thức bán hàng khác như: bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, truyền hình…

Chính sự xuất hiện của các hình thức bán hàng trên đã đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, tăng doanh số bán hàng, góp phần thúc đẩy sản xuất và phục vụ tiêu dùng xã hội ngày càng văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các hình thức bán hàng này cũng tồn tại nhiều mặt trái trong sự phát triển của thương mại điện tử.

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Thư ký hội truyền thông số Việt Nam, nền kinh tế internet đang phát triển rất lớn, sự xuất hiện và phát triển của công nghệ đang từng ngày, từng giờ làm thay đổi cách thức vận hành của nhiều ngành, nghề. Với sự phát triển mạnh mẽ của máy tính, thuê bao 3G, internet đang trở nên ngày càng phổ biến đã làm thay đổi cách thức mua sắm của người dân thông qua các trang mua sắm điện tử.

Liên quan đến hoạt động mua sắm trên mạng ở Việt Nam, theo ông Thanh, hiện có khoảng 40% tổng doanh thu đến từ các sản phẩm thời trang và 60% tìm hiểu, mua sắm các loại mặt hàng như điện thoại, thiết bị dân dụng, thực phẩm… Khách hàng chủ yếu của loại hình mua sắm này thường tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với tuổi đời từ 22-40. Trong đó, hình thức thanh toán, thanh toán sau khi nhận hàng chiếm 90% tổng doanh thu. Thanh toán qua Internetbanking/thẻ tín dụng/thẻ ATM chiếm 15%. Phương pháp giao hàng phổ biến nhất hiện nay vẫn bằng phương tiện xe máy.

Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều đại biểu nhận định rằng, hiện Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến mô hình bán lẻ trên mạng internet, thị trường bán lẻ trực tuyến còn đang bỏ ngỏ, trong khi các doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có hơn 1.000 địa chỉ mua sắm ngành hàng bán lẻ. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều các địa chỉ bán lẻ  chưa số hóa được các sản phẩm, giá cả, dịch vụ của mình…

Về giải pháp thương mại điện tử thúc đẩy ngành bán lẻ, theo ông Vũ Vinh Phú, điều đầu tiên là sự minh bạch về giá bởi trong cơ chế thị trường, với một sản phẩm sẽ có rất nhiều mức giá khác nhau nhưng sự chênh lệch cần phải hợp lý để người mua hàng có thể chấp nhận được.

Còn theo ông Nguyễn Lâm Thanh, bản chất mô hình kinh doanh trực tuyến là sử dụng các website để làm trung gian, kết nối giữa người  mua hàng và bán hàng  cùng  các dịch vụ hậu mãi. Do đó, người cung cấp sản phẩm phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Thêm nữa là phải làm thế nào để người mua hàng nhận được giá trị thực trong hình ảnh và chất lượng của sản phẩm đã đăng trên website.

Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu là đại diện của các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội cũng cho rằng, nhằm tạo minh bạch và giải quyết những vướng mắc của người tiêu dùng, việc để số điện thoại của đơn vị cung cấp sản phẩm lên bao bì sản phẩm là điều cần thiết để khách hàng có thể gọi đến kiểm định hàng hóa đã mua./.