Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Cụ thể hóa các nhóm giải pháp
(Tài chính) Để sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng đạt kế hoạch đề ra, tại buổi giao ban thường kỳ tháng 4 của Bộ Công Thương vào sáng 5/5, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã đề nghị các đơn vị trong ngành cần cụ thể hóa hơn nữa các nhóm giải pháp của Chính phủ.
Mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,6% của 4 tháng đầu năm được xem là con số đáng mừng, bởi giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thời gian qua luôn bị giảm. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cần lưu ý về tỷ lệ xuất khẩu hàng công nghiệp có xu hướng giảm so với những tháng đầu năm. “Các ngành công nghiệp vẫn phải theo dõi những diễn biến thị trường, những khó khăn để có giải pháp tốt hơn trong việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu”- bà Hà nói.
Một trong những vấn đề trọng tâm được Cục Xuất nhập khẩu thực hiện trong thời gian qua và sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong tháng 5 chính là tăng cường tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng gạo. Được biết, trong tháng 5 sẽ diễn ra một cuộc làm việc giữa các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội liên quan vấn đề xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang
Bà Phan Thị Diệu Hà cho biết, hiện nay cơ cấu xuất khẩu gạo đang có nhiều dịch chuyển, cụ thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 46%, sang Philipines khoảng 22%, thị trường châu Phi chiếm khoảng 9%...
Thực tế thời gian qua, việc xuất khẩu gạo đã góp phần tiêu thụ gạo trong nông dân, tuy nhiên, theo bà Hà: “Thị trường xuất khẩu vẫn là vấn đề khó khăn trong thời gian tới”. Vì thế, bên cạnh việc tổng hợp ý kiến về xây dựng vùng nguyên liệu gạo. Cục Xuất nhập khẩu đang triển khai nghiên cứu, lên phương án để xuất khẩu gạo sang Trung Quốc qua các cửa khẩu, lối phụ, lối mở.
Bên cạnh đó, Cục còn triển khai các giải pháp về cơ chế điều hành đối với thị trường tập trung, với thị trường như Philippines, đặc biệt là phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tăng cường giao thương và xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cụ thể hóa các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu
Sau 3 tháng tăng trưởng âm, từ tháng 4 xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh đã tăng trở lại. Để nối tiếp đà tăng trưởng này, theo ông Nguyễn Phương Đông- Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Địa phương sẽ tích cực triển khai các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu; đẩy mạnh chương trình bình ổn giá; mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng để tạo nguồn vốn cho sản xuất.
Đối với Hà Nội, tốc độ tăng trưởng của tháng 4 năm nay thuận lợi hơn so với cùng kỳ, đây là kết quả của việc tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Ông Phạm Đức Tiến- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, hoạt động xuất khẩu của thủ đô tăng cao là do công tác xúc tiến thương mại được chú trọng, đặc biệt là việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới như Brazil.
Dự kiến năm 2014, Hà Nội sẽ chi khoảng 40 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Ngoài ra, thành phố cũng dành 80 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho doanh nghiệp. Trước những vướng mắc của doanh nghiệp khó tiếp cận vốn bởi cơ chế của lãi suất sau đầu tư hơi “chặt”, ông Tiến chia sẻ: “Sở Công Thương đang đề xuất với thành phố có chính sách “mềm mại” hơn để hỗ trợ doanh nghiệp”.