Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước:

Thúc đẩy thị trường chứng khoán tiếp tục trở thành kênh huy động vốn tích cực cho nền kinh tế (*)

PV.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, triển vọng kinh tế toàn cầu khó dự đoán sẽ tác động tới định hướng chính sách phát triển kinh tế nói chung và TTCK nói riêng trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành Chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp. Qua đó thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, tiếp tục trở thành kênh huy động vốn tích cực cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán thế giới nói riêng. Khi đại dịch Covid -19 bùng phát trên toàn thế giới, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đã sụt giảm nhanh và mạnh, trong đó có nhiều thị trường (Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Philipines…) phải kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch.

Trong bối cảnh đó, TTCK Việt Nam cũng chịu nhiều tác động nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ đã giúp TTCK Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi tích cực.

Tính chung cả năm 2020, giá trị giao dịch bình quân đạt 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với năm ngoái. Thị trường chứng khoán tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn tích cực cho nền kinh tế với tổng mức huy động trên TTCK năm 2020 ước đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong giai đoạn 2016-2020, quy mô huy động vốn qua TTCK ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp gần 1,3 lần so với giai đoạn 2011-2015, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, triển vọng kinh tế toàn cầu khó dự đoán sẽ tác động tới định hướng chính sách phát triển kinh tế nói chung và TTCK nói riêng trong năm 2020 và những năm tiếp theo, cơ quan quản lý TTCK sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, triển khai thực hiện Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 từ ngày 1/1/2021; đồng thời, ban hành các quy chế, quy trình liên quan đảm bảo triển khai thực thi hiệu quả Luật Chứng khoán.

Hai là, xây dựng Đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu cơ cấu lại toàn diện để TTCK; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.

Ba là, tham gia tổ chức, xây dựng kế hoạch phân định, lộ trình sắp xếp lại các khu vực TTCK tại các Sở Giao dịch Chứng khoán trên cơ sở sắp xếp các thị trường theo hướng phân định rõ 3 khu vực thị trường gồm: Giao dịch cổ phiếu, giao dịch trái phiếu và TTCK phái sinh nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động của TTCK.

Bốn là, chỉ đạo hoàn thiện và sớm vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới tại 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam để hiện đại hóa hạ tầng công nghệ phục vụ quản lý, giám sát giao dịch, thanh toán bù trừ cho toàn thị trường, triển khai các sản phẩm mới.

Năm là, tham gia chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội xây dựng đề án xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Dự kiến, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tổ chức riêng có thể bao gồm 2 phân hệ Trái phiếu niêm yết (không hạn chế nhà đầu tư); và Trái phiếu phát hành riêng lẻ (cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược).   

(*) Trích lược từ bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1+2/2021.