Thị trường chứng khoán Việt Nam khẳng định kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện, khẳng định là kênh dẫn vốn quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bước sang tuổi 20, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam, nhưng với những nỗ lực từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý, với sự tích lũy nội tại qua 20 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì hoạt động ổn định và phục hồi nhanh, tích cực.
Thị trường chứng khoán vượt qua thách thức, ghi dấu mốc son 20 năm hoạt động
Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán thế giới nói riêng. Khi đại dịch Covid -19 bùng phát trên toàn thế giới, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đã sụt giảm nhanh và mạnh, trong đó có nhiều thị trường (Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Philipines…) phải kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch. Trong bối cảnh đó, TTCK Việt Nam cũng chịu nhiều tác động nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ đã giúp TTCK Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi tích cực.
Trên thị trường cổ phiếu, mặc dù kết thúc quý I/2020, chỉ số VN-Index giảm 33% so với giá trị cuối năm 2019, tuy nhiên, từ quý II/2020, TTCK Việt Nam vẫn có sự hồi phục tích cực. Đến ngày 31/12, chỉ số VN-Index đạt 1103,87 điểm, tăng 14,9% so với cuối năm 2019; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 203,12 điểm, tăng 98,1% điểm so với cuối năm 2019. Quy mô vốn hóa thị trường tăng 20,8% so với năm 2019, đạt 5.294 nghìn tỷ đồng, tương đương 87,7% GDP năm 2019 và 84,1%GDP năm 2020. Thanh khoản của thị trường luôn được duy trì ở mức khá cao ngay cả khi dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên thế giới và Việt Nam. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với năm ngoái. Riêng quý IV/2020, thanh khoản thị trường tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân đạt 11.593 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp 2,5 lần so với cuối năm 2019.
Thị trường trái phiếu phát triển ổn định, ghi nhận đà tăng trưởng cả về quy mô và thanh khoản. Quy mô niêm yết trái phiếu trên 2 sở giao dịch chứng khoán (GDCK) đạt gần 1.388 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2019 (tương đương 23% GDP), giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10.393 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với năm trước.
Trên TTCK phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân đạt 156.852 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với năm trước, khối lượng mở OI toàn thị trường đạt 40.339 hợp đồng, tăng 143% so với cuối năm 2019. Có thể thấy TTCK phái sinh Việt Nam dù mới ra đời 3 năm nhưng đã hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ phát triển tương đối tốt, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động mạnh, là một công cụ phòng ngừa rủi ro đối với danh mục chứng khoán cơ sở và là giải pháp hữu hiệu để giữ chân dòng vốn ở lại thị trường những khi thị trường cơ sở sụt giảm mạnh.
Hoạt động của nhà đầu tư diễn ra sôi nổi. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trên thị trường Việt Nam đạt 393.659 tài khoản, tăng 94% so với số lượng tài khoản mở mới trong năm năm 2019, khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản. Tính chung trong năm 2020, tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt gần 2,77 triệu tài khoản. Sự gia tăng mạnh số lượng tài khoản nhà đầu tư đã chứng minh sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán đối với nhà đầu tư; góp phần quan trọng giúp TTCK Việt Nam hồi phục mạnh mẽ.
Thị trường chứng khoán tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn tích cực cho nền kinh tế với tổng mức huy động trên TTCK năm 2020 ước đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong giai đoạn 2016-2020, quy mô huy động vốn qua TTCK ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp gần 1,3 lần so với giai đoạn 2011-2015, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội.
Về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết 9 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt được kết quả khả quan, theo báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận được, có 86% doanh nghiệp báo cáo có lãi. Đặc biệt, trong năm 2020, lần đầu tiên, Việt Nam có doanh nghiệp lọt vào Top 100 doanh nghiệp ASEAN có điểm quản trị công ty tốt nhất và có một công ty chứng khoán được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động" thời kỳ đổi mới.
Năm 2020, TTCK Việt Nam dù gặp nhiều thách thức nhưng đã nỗ lực để ghi dấu ấn mốc son 20 hoạt động bằng việc tiếp tục phát triển cả về quy mô lẫn thanh khoản và chứng tỏ là môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút nguồn vốn trong nước và nước ngoài hiệu quả. Kết quả này là cộng hưởng của những thành tựu và động lực tích lũy từ 20 năm hoạt động của TTCK Việt Nam và của sự thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 của Chính phủ; các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những cải cách cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ; sự đồng lòng, chung sức quyết tâm của cơ quan quản lý, thành viên thị trường, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cơ quan quản lý tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường trong ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và các nhiệm vụ trọng tâm
Với mục tiêu phải duy trì hoạt động TTCK an toàn, ổn định trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vừa đảm bảo triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, giám sát và phát triển TTCK, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành, chủ động triển khai các giải pháp phát triển thị trường mang lại hiệu quả tích cực.
Cụ thể, để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên TTCK, UBCKNN tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ TTCK như cắt giảm các thủ tục hành chính; hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến; chỉ đạo 02 Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán xây dựng các kịch bản điều hành TTCK trong mọi tình huống. Nhờ đó, TTCK duy trì hoạt động ổn định, thanh khoản trên thị trường ngày càng được cải thiện.
Song song với các giải pháp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, UBCKNN đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã chủ trì xây dựng 03 Nghị định, 11 Thông tư quy định chi tiết Luật Chứng khoán. Đến nay, toàn bộ 3 Nghị định và 11 Thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán đã được ký ban hành.
Công tác quản lý và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục được thực hiện theo chiều hướng tích cực và đúng lộ trình. Tính đến nay, có 74 công ty chứng khoán (CTCK) là thành viên của Sở GDCK và 44 công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường. Các CTCK đã nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tuân thủ pháp luật trên thị trường ngày càng tốt hơn, hoạt động chăm sóc khách hàng ngày càng được cải thiện.
Nhờ có sự kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, TTCK hoạt động có phần sôi động từ quý II/2020 trở đi, tình hình hoạt động kinh doanh của các CTCK đều có sự tăng trưởng mạnh. Doanh thu hoạt động và doanh thu tài chính của các CTCK trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2020 của các CTCK cũng tăng 40,64% so với cùng kỳ năm 2019. Tình hình hoạt động của các công ty quản lý quỹ về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định và có tăng trưởng. Tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) tại các công ty quản lý quỹ tính đến 31/10/2020 tăng gần 24% so với thời điểm cuối năm 2019 và tăng gấp 3 lần so với cuối năm 2015. Đến thời điểm tháng 12/2020, tổng số quỹ đầu tư đã được cấp phép tại Việt Nam là 54 quỹ, tăng 7 quỹ so với thời điểm cuối năm 2019. Tính đến cuối tháng 10/2020, tổng NAV của các quỹ tăng gần 40% so với thời điểm cuối năm 2019.
Hoạt động quản lý công ty đại chúng, tạo hàng hoá cho thị trường; huy động vốn qua TTCK, xem xét hoạt động kiểm toán ngày càng được nâng cao. Công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm cũng được tăng cường, đảm bảo thị trường hoạt động được ổn định. Nhờ đó, các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK được xử lý nghiêm minh và kịp thời.
Triển vọng thị trường chứng khoán năm 2021
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, triển vọng kinh tế toàn cầu khó dự đoán sẽ tác động tới định hướng chính sách phát triển kinh tế nói chung và TTCK nói riêng trong năm 2020 và những năm tiếp theo, cơ quan quản lý TTCK sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Triển khai thực hiện Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 từ ngày 1/1/2021; đồng thời, ban hành các quy chế, quy trình liên quan đảm bảo triển khai thực thi hiệu quả Luật Chứng khoán.
- Xây dựng Đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu cơ cấu lại toàn diện để TTCK; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.
- Tham gia tổ chức, xây dựng kế hoạch phân định, lộ trình sắp xếp lại các khu vực TTCK tại các Sở GDCK trên cơ sở sắp xếp các thị trường theo hướng phân định rõ 3 khu vực thị trường gồm: Giao dịch cổ phiếu, giao dịch trái phiếu và TTCK phái sinh nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động của TTCK.
- Chỉ đạo hoàn thiện và sớm vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới tại 2 Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam để hiện đại hóa hạ tầng công nghệ phục vụ quản lý, giám sát giao dịch, thanh toán bù trừ cho toàn thị trường, triển khai các sản phẩm mới.
- Tham gia chỉ đạo Sở GDCK Hà Nội xây dựng đề án xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Dự kiến, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tổ chức riêng có thể bao gồm 2 phân hệ Trái phiếu niêm yết (không hạn chế nhà đầu tư); và Trái phiếu phát hành riêng lẻ (cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược).