Thúc đẩy tốc độ xử lý nợ xấu

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Sự ra đời của Nghị định 34 cùng với những điểm sửa đổi bổ sung khá quan trọng lần này đã phần nào xoa dịu bớt đi nỗi lo của cả VAMC lẫn các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu.

Thúc đẩy tốc độ xử lý nợ xấu
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 7/4 NHNN đã có văn bản hợp nhất số 04/VBHN - NHNN về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam

Mở nhưng không cào bằng

Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC vừa chính thức được ban hành. Đây là Nghị định được dư luận quan tâm từ khi còn là dự thảo và thị trường đã ngóng chờ sau một thời gian tương đối dài. Vì sao cần thiết phải có Nghị định 34?

Mặc dù, kể từ khi Nghị định 53 được ban hành và đi vào hoạt động đến nay, nó đã hỗ trợ tương đối tích cực VAMC trong việc mua – bán và xử lý nợ xấu. VAMC đã mua hơn 123 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD và đã bán, xử lý được hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là con số có ý nghĩa quan trọng nhưng trong bối cảnh nợ xấu còn lớn, thì chừng đó vẫn chưa đủ. Việc VAMC không thể xử lý nợ xấu được như kỳ vọng ban đầu có nhiều nguyên nhân.

Đơn cử, do quá trình xử lý nợ xấu diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang rơi vào giai đoạn khó khăn, trong khi đó tiềm lực tài chính, cũng như quyền trao cho VAMC chưa đủ mạnh để có thể xử lý nhanh được nợ xấu. Rõ ràng, với số vốn vẻn vẹn 500 tỷ đồng là quá ít ỏi cho một công ty chuyên trách xử lý nợ xấu quốc gia như VAMC. Nhất là cơ chế xử lý tài sản đảm bảo của VAMC chưa đủ để giải quyết vấn đề nan giải này. Cùng với đó, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cao, thời gian ngắn cũng là một lực cản các NH bán nợ xấu cho VAMC.

Với những bất cập nói trên, nên dù có hơi chậm, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia NH, sự ra đời của Nghị định 34 cùng với những điểm sửa đổi bổ sung khá quan trọng lần này đã phần nào xoa dịu bớt đi nỗi lo của cả VAMC lẫn các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu.

Theo Nghị định sửa đổi, VAMC sẽ được phép phát hành TPĐB để mua nợ xấu theo giá trị thị trường, trong khi trái phiếu này, theo Nghị định 53, TCTD chỉ được đem đến NHNN để tái cấp vốn, thì nay nó có thể dùng tham gia nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Quy định này sẽ làm tăng tính thanh khoản đối với TPĐB, giúp các TCTD có nhiều cơ hội tiếp cận dòng tiền mới.

 Một quy định mới nữa có thể tháo gỡ “nút thắt” tâm lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD thực hiện tái cơ cấu hoạt động, đó là nếu như theo Nghị định 53, các TCTD bị “chốt cứng” bởi quy định: khi bán nợ cho VAMC để nhận TPĐB sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% trong vòng 5 năm, thì nay, quy định mới khá “mềm”. Nghị định 34 cho phép TPĐB được phát hành bằng đồng Việt Nam có lãi suất 0% và có thời hạn tối đa 5 năm. Tuy nhiên, nếu VAMC phát hành TPĐB để mua nợ xấu của các TCTD đang tái cơ cấu hoặc đang khó khăn về tài chính thì thời hạn của trái phiếu tối đa 10 năm.

Ngoài ra, thay vì yêu cầu TCTD sở hữu TPĐB phải trích lập dự phòng rủi ro hàng năm này theo tỷ lệ không thấp hơn 20% mệnh giá trái phiếu, thì Nghị định mới chỉ đưa ra yêu cầu các TCTD chỉ cần trích lập dự phòng rủi ro hàng năm đối với TPĐB và tính vào chi phí hoạt động trong thời hạn của TPĐB để tạo nguồn xử lý nợ xấu, khi mua lại các khoản nợ xấu từ VAMC theo quy định.

Theo nhận định của Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng, các quy định trên khá mở, linh hoạt nhưng không cào bằng như Nghị định cũ.. “Với những NH yếu kém thì mức trích lập dự phòng rủi ro 20% là quá sức đối với họ, và thời gian 5 năm chưa thể đủ để TCTD thực hiện tái cơ cấu lại mình”, TS Nguyễn Quốc Hùng bình luận thêm.

Tăng quyền chủ động mua – bán và xử lý nợ

Không chỉ hỗ trợ tích cực cho các TCTD, Nghị định 34 cũng đã trao thêm quyền năng, tạo điều kiện thuận lợi cho VAMC trong quá trình mua bán – xử lý nợ xấu. Trước hết, VAMC được nâng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ tăng lên gấp 4 lần, theo lãnh đạo của VAMC, đã nâng vị thế tài chính cho công ty khi làm việc với các tổ chức tài chính trong nước cũng như quốc tế.

Đồng thời, tạo điều kiện VAMC chủ động trong mua bán nợ theo giá thị trường tương đối dễ dàng hơn. Một quy định bổ sung nữa, theo đánh giá của ông Hùng rất quan trọng đó là cho phép VAMC được kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của TCTD bán nợ bao gồm cả quyền và nghĩa vụ tố tụng trong việc khởi kiện khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm tại Tòa án.

VAMC cũng sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của TCTD bán nợ trong quá trình thi hành án. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho VAMC trong quá trình xử lý các món nợ đã mua. Vì trước đây, có những khoản nợ bán cho VAMC, TCTD vẫn đang trong thời gian khởi kiện con nợ. Nếu như trường hợp không được kế thừa thì VAMC phải khởi kiện lại, thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.

Một vấn đề nữa cũng khá quan trọng, bảo đảm tính pháp lý cho VAMC đó là công ty này không phải đăng ký thay đổi với bên nhận bảo đảm trong hợp đồng đảm bảo.

Theo đó, VAMC sẽ không phải mất thời gian xác nhận lại công chứng hợp đồng, tiếp tục tổ chức thực hiện như thống nhất ban đầu với bên mua. Xử lý tài sản đảm bảo thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài… luôn là vấn đề nan giải đối với các chủ nợ tạo áp lực rất lớn cho VAMC trong thời gian qua. Do đó, tại Nghị định mới quy định sau 1 lần bán đấu giá tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu không thành, thì VAMC được tiếp tục bán tài sản đó thông qua bán đấu giá hoặc bán tài sản đó trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua, nhưng thông báo cho bên bảo đảm biết. Với quy định trên, thời gian đấu giá tài sản cũng đã rút ngắn tương đối nhiều.

“Việc giảm bớt các thủ tục hành chính nhất là liên quan đến đăng ký tài sản đảm bảo vốn dĩ mất nhiều thời gian giúp NH đẩy nhanh tốc độ xử lý tài sản đảm bảo nói riêng, nợ xấu nói chung” - một chuyên gia bình luận.

Để tạo động lực, khuyến khích VAMC trong quá trình mua – bán, xử lý nợ, Nghị định 34 quy định: VAMC được hưởng một số tiền theo một tỷ lệ do NHNN quy định, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính trên số tiền thu hồi của khoản nợ xấu được VAMC mua bằng TPĐB trừ đi số tiền tương ứng VAMC đã thu theo quy định.

Bên cạnh đó, VAMC còn được thu một số tiền theo một tỷ lệ do NHNN quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tính trên số dư còn lại cuối kỳ của khoản nợ mà VAMC mua bằng TPĐB. Số tiền TCTD trả cho VAMC theo quy định này được hạch toán vào chi phí của TCTD. Theo đó, tạo cơ chế tài chính, nguồn thu ổn định cho VAMC chi trả lương cán bộ nhân viên, giúp có thêm tiêu chí tạo động lực cho cán bộ VAMC phấn đấu trong mua – bán, xử lý nợ. Với quy định mới, VAMC có thể chủ động tạo nguồn doanh thu dựa trên căn cứ vào kết quả hoạt động thông qua mua - bán xử lý nợ.

Những thay đổi trong Nghị định 34 sẽ giúp các TCTD nâng cao tiềm lực tài chính đồng thời có thêm thời gian khắc phục tình trạng yếu kém trước đây, phục hồi hoạt động kinh doanh.           


Thay đổi để tăng khả năng xử lý nợ xấu

Theo quy định tại điểm c, d khoản 3 Điều 7 Nghị định 53, khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường phải được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu, đồng thời phải có tài sản bảo đảm có khả năng phát mại và khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ. Thực tiễn cho thấy chỉ cần khoản nợ đáp ứng một trong hai tiêu chí: tài sản bảo đảm có khả năng phát mại; hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ và khoản nợ xấu được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu là đã đảm bảo hạn chế rủi ro cho VAMC vì VAMC có thể bán tài sản bảo đảm để thu hồi số tiền thu hồi nợ hoặc khách hàng vay có khả năng phục hồi sẽ có nguồn trả nợ cho VAMC.

Để khắc phục bất cập này, Nghị định 34/2015/NĐ-CP đã sửa đổi điều kiện mua nợ xấu theo hướng khoản nợ được mua theo giá trị thị trường chỉ cần đáp ứng một trong hai điều kiện “Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại” hoặc “khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ” thay vì phải đáp ứng đồng thời cả 2 điều kiện này như quy định tại Nghị định 53.