Thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm
Dù hoạt động xuất khẩu đã tăng tốc mạnh trong nửa đầu năm, nhìn về 6 tháng cuối năm 2010 và những năm tiếp theo, vẫn có thể thấy không ít khó khăn cùng hàng loạt rào cản…
Nửa đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đã tăng tốc mạnh mẽ, đạt 32,13 tỷ USD, bằng 52,7% kế hoạch cả năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009.
Hai tháng liên tiếp gần đây, kim ngạch xuất khẩu đều vượt ngưỡng 6 tỷ USD, trong đó kim ngạch tháng 6 ước tăng tới 26,6% so với cùng kỳ 2009. Tiếp tục các định hướng lớn Kết quả trên đạt được là do có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và nỗ lực của các doanh nghiệp. Có thể thấy, các biện pháp nhằm khuyến khích xuất khẩu, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực. Bên cạnh đó, những thuận lợi do kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng trưởng đã giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có điều kiện tăng mạnh. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong năm 2010, Bộ Công thương đã và đang thực hiện một số giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt chú ý đến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, tập trung khai thác theo chiều sâu, chiều rộng đối với các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường xuất khẩu trọng điểm, đi đôi với việc phát triển các thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam thông qua việc xem xét điều chỉnh những quy định không phù hợp hạn chế xuất khẩu thời gian qua. Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) đã ký kết và tận dụng lợi thế từ FTA đem lại, phối hợp với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng tổ chức phổ biến rộng rãi cho các doanh nghiệp nội dung FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tận dụng lợi thế các FTA. Thứ tư, Bộ Công Thương sẽ phối hợp tổ chức các hội nghị giao ban xuất khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, trong hoạt động xuất khẩu, bàn biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu cho từng ngành hàng, mặt hàng. Trong đó, tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hải quan; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa đồng tiền thanh toán và phòng ngừa rủi ro về tỷ giá; phát triển sản xuất các loại nguyên liệu, các mặt hàng phụ trợ cho sản xuất hàng trong nước và xuất khẩu. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh Trong thực tế, doanh nghiệp hàng ngày đang đối mặt với tình trạng thiếu điện, thiếu vốn sản xuất. Để giải tỏa hai khó khăn, ách tắc này, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu để góp phần thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm. Do phối hợp được với NHNN cùng với Hiệp hội ngân hàng, bắt đầu từ 1/7 lãi suất cho vay đã giảm xuống còn từ 11-12%. Các ngân hàng cũng ưu tiên cho các doanh nghiệp vay vốn cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký, các dự án cấp bách được phê duyệt trước đó. Về lĩnh vực điện, theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo cung cấp điện, Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung lực lượng, huy động tối đa (trong điều kiện kỹ thuật cho phép) các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia để nâng cao khả năng cung ứng điện cho sản xuất và đời sống nhân dân. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Than và Khoáng sản Việt Nam, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, ổn định và cung ứng điện. Về biện pháp hạn chế nhập siêu, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị rà soát những mặt hàng mà Việt Nam đã sản xuất tốt để phối hợp với Bộ Tài chính có cơ chế thuế suất đúng mức, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt. Cục Xúc tiến thương mại và Cục quản lý cạnh tranh cũng tăng cường phối hợp quảng bá thương mại, tham gia đàm phán các hiệp định và rỡ bỏ những hàng rào để hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường mới cũng như chiếm lĩnh những thị trường truyền thống với các mặt hàng có thế mạnh. Việc EU dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam từ 15/7 là một minh chứng cho nỗ lực ấy.