Từ những chuyển biến tích cực

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế, khối lượng giao dịch hàng hóa gia tăng mạnh mẽ, khiến cho các phương thức quản lý hải quan thủ công không thể đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết vấn đề này, mô hình “hệ thống một cửa” và "hải quan điện tử" là giải pháp hiệu quả, hữu ích nhất.

Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm và vận hành cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo Quyết định số 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/08/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Theo “Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và tham gia cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2008-2012”, mô hình cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam là một hệ thống liên kết giữa sáu thành phần chính trong hoạt động vận tải và thương mại quốc tế, bao gồm: Cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm về thông quan và giải phóng hàng hóa xuất khẩu/ nhập khẩu/quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh/ nhập cảnh/quá cảnh; Các cơ quan Chính phủ tham gia quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, thương mại quốc tế; Các thể chế tài chính, ngân hàng, cơ quan bảo hiểm; Cộng đồng vận tải, giao nhận; Cộng đồng DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu...; Các thành viên ASEAN và các đối tác thương mại khác trên toàn cầu.

Để thực hiện cơ chế hải quan một cửa, Tổng cục Hải quan đã rà soát, hệ thống hoá và công khai 239 thủ tục hành chính (TTHC), đưa ra phương án sửa đổi, bổ sung 127 TTHC. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá TTHC, ngành Hải quan đã tham mưu, trình cấp thẩm quyền sửa đổi, ban hành mới 23 văn bản quy phạm pháp luật trong tổng số 24 văn bản quy định TTHC về hải quan; Đã thực thi phương án đơn giản hoá 125/135 thủ tục. Trong năm 2012, Tổng cục Hải quan đã tiến hành rà soát, kiến nghị đơn giản hóa 10 TTHC trong tổng số 28 TTHC được rà soát, giúp giảm 31% chi phí tuân thủ TTHC. Đến cuối năm 2012, còn 178 bộ TTHC trong lĩnh vực hải quan, giảm 61 thủ tục so với giữa năm 2009 - thời điểm Bộ Tài chính công bố bộ TTHC trong lĩnh vực Hải quan. Năm 2013, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa TTHC thông qua thực thi phương án đơn giản hóa 135 TTHC, đảm bảo việc đưa các TTHC này đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Hồ sơ hải quan được đơn giản hoá, giảm bớt giấy tờ không cần thiết, như: Hợp đồng đối với hàng xuất khẩu; Chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với nhóm hàng được hưởng thuế suất ưu đãi; Giấy thông báo thuế. Chứng từ thuộc Hồ sơ hải quan được giảm thiểu tối đa, đơn giản hoá các hình thức trình, nộp chứng từ; Nhiều chứng từ trước đây phải nộp, trình bản chính, nay được trình hoặc nộp bản sao hoặc bản phô tô…

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong việc cải cách TTHC áp dụng cơ chế một cửa thì không thể thiếu được vai trò của việc áp dụng Thủ tục hải quan điện tử. Thủ tục hải quan điện tử đã được thực hiện thí điểm từ năm 2005 theo Quyết định 149/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 và tiếp tục mở rộng thí điểm theo Quyết định 103/2009/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 sửa đổi, bổ sung Quyết định 149/2005/QĐ-TTg. Trong giai đoạn này, hải quan điện tử mới chỉ thực hiện cơ chế


thí điểm với giới hạn các loại hình áp dụng tại 20/33 Cục Hải quan, nhưng đã thu hút được 46.919 DN tự nguyện tham gia, chiếm 86,25% DN thực hiện Thủ tục hải quan trên các địa bàn đang triển khai Thủ tục hải quan điện tử. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, đến tháng 10/2011, lượng tờ khai qua thực hiện Thủ tục hải quan điện tử đã lên đến 94,7% so với tổng số tờ khai hải quan cùng loại hình thực hiện; Kim ngạch qua Thủ tục hải quan điện tử cũng chiếm 95,27% so với tổng kim ngạch thực hiện TTHQ cùng loại hình tại các địa bàn đang triển khai Thủ tục hải quan điện tử.

Như vậy, các nội dung thí điểm Thủ tục hải quan điện tử đã được ứng dụng thành công và hiệu quả mà Thủ tục hải quan điện tử mang lại cho cộng đồng DN và ngành Hải quan cũng như hiệu ứng xã hội là một thực tế đã được ghi nhận. Để tăng cường hơn nữa hiệu quả việc áp dụng, từ năm 2013, Thủ tục hải quan điện tử được chính thức áp dụng trên toàn bộ 34 cục hải quan tỉnh, thành phố; Thực hiện rộng rãi khai hải quan qua mạng; từng bước trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, tiên tiến trong kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, công tác cải cách, đơn giản hóa TTHQ cũng được tiến hành triệt để, bỏ bớt khâu trung gian, công tác kiểm tra hải quan được thực hiện theo phương châm: Giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm. Tiêu chí xác định hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa trên cơ sở phân tích rủi ro dựa trên dữ liệu điện tử về quá trình chấp hành pháp luật của người khai hải quan và các tiêu chí liên quan đến mặt hàng. Kiểm tra thực tế hàng hoá có trọng điểm, mở rộng diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra xác suất; Bãi bỏ việc kiểm tra tràn lan. Tỷ lệ phần trăm các lô hàng chịu sự kiểm tra thực tế đã giảm xuống gần tiêu chí theo kế hoạch đặt ra. Cụ thể, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá trước năm 2000 là 100%, đến 2012 còn khoảng 11,46%, giảm 88,54% so với năm 2000. Qua đó, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh qua các năm .

Thực hiện cơ chế hải quan một cửa và hải quan điện tử: Những chuyển biến mạnh mẽ - Ảnh 1

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu trong giai đoạn này cũng tăng khoảng 3 lần.

Đi cùng với đó là số lượng tờ khai xuất khẩu nhập khẩu tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2006-2012, số lượng tờ khai xuất, nhập khẩu đã tăng hơn 2 lần đạt 2.592.301 tờ nhập khẩu và 2.496.799 tờ xuất khẩu. Mặc dù, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều so với trước nhưng nhờ áp dụng hải quan điện tử và cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan mà so với trước đây thời gian thông quan đã được cải thiện hơn rất nhiều. Thời gian thông quan đối với các lô hàng thuộc diện được thông quan trên cơ sở tờ khai điện tử hoặc chứng từ điện tử bổ sung là 3-15 phút; đối với các lô hàng phải kiểm tra hồ sơ từ 10-60 phút; đối với các lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa phụ thuộc vào thời gian kiểm tra hàng hóa.

Thêm vào đó, quy trình thông quan hàng hóa đã có sự thay đổi rất lớn kể từ ngày 1/4/2014 khi ngành hải quan triển khai áp dụng hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS do Nhật Bản tài trợ. Tính đến 30/6/2014 có 34/34 cục hải quan đã hoàn thành việc triển khai áp dụng tới 195 chi cục. Theo thống kê, có 508.825 tờ khai luồng xanh (51%), 389.511 tờ khai luồng vàng (39%) và 95.462 tờ khai luồng đỏ (10%) với tổng số 30.183 DN tham gia theo hệ thống mới. Thời gian xử lý thông quan trung bình đối với hàng luồng xanh của Hệ thống không quá 3 giây bởi VNACCS/VCIS hỗ trợ khai tự động rất nhiều chỉ tiêu như tự xác định thuế suất, tự tính thuế, phân tích tính toán giá trị hàng hóa, tự động thanh toán thuế và thông quan. Các nghiệp vụ khai báo, chế độ quản lý hải quan dựa theo tiêu chuẩn hơn 100 loại hình xuất, nhập khẩu trước đây được thay thế bằng 40 mã được chuẩn hóa trên hệ thống… và hạn chế được sai sót trong quá trình nhập dữ liệu nên không phải khai đi khai lại nhiều lần. Cả DN và cơ quan hải quan đã giảm được việc phụ thuộc vào văn bản, giấy tờ vì nhiều văn bản đã được mã hóa, cập nhật vào hệ thống, ví dụ như biểu thuế xuất, nhập khẩu...

Bên cạnh đó, ngành Hải quan đã tiến hành nhiều biện pháp cải tiến thủ tục hải quan, quy trình nghiệp vụ, theo hướng đơn giản, chuẩn hóa; Áp dụng tối đa công nghệ thông tin dựa trên phương pháp quản lý rủi ro; Đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan nên vừa giảm tải áp lực công việc cho cán bộ, công chức, vừa hỗ trợ tối đa công tác giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu... Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người khai hải quan; Phân định rõ trách nhiệm giữa người khai hải quan và công chức hải quan ở từng khâu của quy trình thủ tục, tạo cơ chế khuyến khích tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Việc áp dụng cơ chế một cửa và Thủ tục hải quan điện tử đã giúp cho việc quản lý nhà nước của hải quan dễ dàng, minh bạch, hiệu quả, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan với người khai hải quan, góp phần ngăn chặn tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.

Theo tính toán chi phí sơ bộ của Tổng cục Hải quan khi thực hiện một TTHC thuộc lĩnh vực hải quan trước và sau khi thực hiện Thủ tục hải quan điện tử cho thấy tổng chi phí hàng năm mà các cá nhân, tổ chức tiết kiệm được trung bình trên 20% với việc giảm chi phí chuẩn bị bộ hồ sơ giấy (hồ sơ hải quan được giảm thiếu tối đa), chi phí nhân lực, chi phí đi lại khi thực hiện khai báo qua Internet...

Tiếp tục khắc phục những tồn tại

Bên cạnh những chuyển biến mạnh mẽ từ cơ chế hải quan một cửa và hải quan điện tử, thực tiễn hoạt động cũng bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục để phát huy hơn nữa hiệu quả trong cải cách TTHC và hiện đại hóa hải quan. Cụ thể:

Đến cuối năm 2012, còn 178 bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, giảm 61 thủ tục so với giữa năm 2009 - thời điểm Bộ Tài chính công bố bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan. Năm 2013, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua thực thi phương án đơn giản hóa 135 thủ tục hành chính.

Thứ nhất, Luật Hải quan (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 6/2014, tuy nhiên hệ thống các văn bản triển khai vẫn còn trong quá trình soạn thảo. Bởi vậy, những nội dung về đơn giản hóa TTHC về hải quan trong Luật Hải quan sửa đổi như: Giảm các chứng từ tại bộ hồ sơ hải quan, quy định rõ thời hạn làm thủ tục hải quan, giảm thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan, chế độ ưu tiên, tạo thuận lợi về TTHQ cho DN... cần phải nhanh chóng cụ thể hóa mới đem lại hiệu quả trong thực tiễn. Khung pháp lý về cơ chế hải quan một cửa quốc gia cần phải sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở rà soát, đánh giá quy trình hoạt động của các các bên liên quan trong cơ chế một cửa, tìm ra những điểm bất hợp lý hoặc phát sinh không cần thiết do sự chồng chéo, thiếu trao đổi thông tin hoặc thiếu tính đồng bộ của các TTHC gây ra. Từ đó đưa ra các chỉ tiêu tiêu chuẩn hóa và hài hóa yêu cầu thông tin, chứng từ, tạo ra một hệ thống các chỉ tiêu thông tin và thông điệp chuẩn được sử dụng trong quá trình trao đổi thông tin của hoaṭ động thương mại xuất nhập̣ khẩu vàquá cảnh, đáp ứng được các yêu cầu thông tin của các bộ, ngành, các cơ quan chính phủ liên quan.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng về vật chất và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Theo đó, hệ thống công nghệ thông tin hải quan tích hợp đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ và thực hiện Thủ tục hải quan điện tử theo hướng xử lý dữ liệu điện tử tập trung theo mô hình cơ chế hải quan một cửa còn chưa hoàn chỉnh cụ thể đó là hạ tầng truyền thông, kết nối các đơn vị trong ngành hải quan và với các cơ quan có liên quan chưa đảm bảo thông suốt, trung tâm xử lý tập trung dữ liệu điện tử hải quan đang trong quá trình xây dựng.

Thứ ba, cơ chế vận hành và phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị có liên quan trong triển khai cơ chế hải quan một cửa chưa có sự đồng bộ và thống nhất. Do đó, cần đẩy mạnh sự phối kết hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan. Xác định các đầu mối tại các bộ, ngành để đảm bảo sự tham gia xuyên suốt, thống nhất trong quá trình cải cách; Có cơ chế phối hợp cũng như cơ chế tài chính để động viên sự tham gia của nguồn lực này; Tăng cường sự trao đổi trực tiếp, tháo gỡ vướng mắc; Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan chính phủ tham gia Cơ chế một cửa Chuyên nghiệp hóa quy trình quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin: Chuẩn hóa quy trình quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn ISO; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị, giám sát hệ thống. Hình thành bộ phận riêng để hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho các đối tượng sử dụng hệ thống VNACCS/VCIS, Single Windows và các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi khác của ngành. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, phối hợp trao đổi thông tin kịp thời với các đơn vị liên quan trong quá trình làm thủ tục (ngân hàng, kho bạc, DN...).

Thứ tư, là sự chủ động, nhận thức và hiểu biết cũng như việc phối hợp giữa DN và cơ quan hải quan trong việc áp dụng Thủ tục hải quan điện tử theo cơ chế một cửa vẫn còn hạn chế. Điều này đòi hỏi ngành hải quan cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, đào tạo cho người khai hải quan về chính sách pháp luật hải quan, quy định Thủ tục hải quan điện tử, cơ chế một cửa để nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng cải cách TTHC.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật Hải quan sửa đổi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 khóa XIII;

2. Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hải quan 2002-2013 của Tổng cục Hải quan;

3. Số liệu thống kê xuất, nhập khẩu từ website Tổng cục Hải quan;

4. Tạp chí Tài chính; Báo Hải quan.

Thực hiện cơ chế hải quan một cửa và hải quan điện tử: Những chuyển biến mạnh mẽ

ThS. NGUYỄN HOÀNG TUẤN - Học viện Tài chính

(Tài chính) Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan ngày càng bức thiết. Trước đòi hỏi đó, Hải quan Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về đơn giản hoá và hài hoà hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; đồng thời, tích cực triển khai cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN… Để thực hiện các yêu cầu trên đạt hiệu quả cao thì hải quan điện tử là nền tảng căn bản tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu.

Xem thêm

Video nổi bật