Thực hiện TPP: Sức ép lớn cho tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam
(Tài chính) Dự kiến những thỏa thuận cơ bản của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đạt được vào tháng 10/2013, tiến tới ký kết thỏa thuận tổng thể vào cuối năm nay. Những nội dung dự thảo của TPP đang đặt ra cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam những thách thức và cơ hội không nhỏ. Phóng viên có cuộc phỏng vấn TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, thành viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về vận hội mới này của DN Việt Nam.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa: Một trong những điểm khá rõ trong nội dung đàm phán là quy tắc về ưu đãi xuất xứ. Đó là khi quốc gia thành viên của TPP sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu (NK) từ các quốc gia nội khối TPP sẽ được hưởng ưu đãi về xuất xứ. Quy định này chủ yếu liên quan đến việc xuất nhập khẩu (XNK) các nguyên phụ liệu và các ngành dệt may, da giày. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cũng liên quan nhất định đến công nghệ và thiết bị mà DN đang sử dụng hoặc sẽ sử dụng trong tương lai.
Điều này đặt ra vấn đề, khi DN mua và sử dụng công nghệ, thiết bị, máy móc của các nước nội khối TPP đòi hỏi DN phải có khoản tiền chuyển đổi thích hợp, trong khi hiện nay vốn trung và dài hạn đang là một vấn đề nan giải đối với phần lớn DN Việt Nam. Hiện tại Việt Nam chỉ có hai ngành bao bì và nhựa là đang sử dụng nguyên nhiên vật liệu được NK từ nội khối TPP nên đây là hai ngành có nhiều khả năng thích ứng nhanh nhất và được hưởng lợi khi hội nhập cùng TPP. Đối với những ngành nghề, lĩnh vực hoạt động còn lại của các DN Việt Nam hiện nay đang sử dụng phổ biến nguyên vật liệu của Trung Quốc, nếu không có sự chuyển đổi thị trường NK nguyên liệu sẽ không cạnh tranh lâu dài được với các DN của các quốc gia nội khối TPP khác.
Ở một góc nhìn khác, có thể thấy đây là cơ hội để DN Việt Nam cạnh tranh và giành lợi thế đối với hàng Trung Quốc cũng như những DN thuộc quốc gia ngoại khối TPP. Ông thấy sao về điều này?
Lâu nay hàng hóa Việt Nam bị cạnh tranh bởi hàng Trung Quốc. TPP là cơ hội lớn cho DN Việt Nam bởi Trung Quốc không phải là thành viên của Hiệp định này nên không được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu vào TPP. Không những thế, Việt Nam cũng có những mặt hàng vốn có lợi thế hơn Trung Quốc, nay cộng thêm những ưu đãi của TPP. Do đó nếu DN Việt Nam nhanh chóng chuyển đổi công nghệ thiết bị và xuất xứ của nguyên phụ liệu NK sẽ không chỉ giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc mà còn giúp tăng tích lũy, đầu tư thêm công nghệ hiện đại để cạnh tranh với các DN ngoại khối khác.
Trên đây là những vấn đề cần quan tâm chung của DN, còn đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói riêng thì sao, thưa ông?
Có thể nói TPP có những quy định khắt khe đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). TPP yêu cầu DNNN cũng phải bình đẳng với các DN khác về khía cạnh cạnh tranh và thương mại vì DNNN sử dụng nguồn vốn công hay nói cách khác là tiền thuế của dân. Trong quá trình đàm phán, dự thảo của TPP yêu cầu DNNN phải công khai và minh bạch tuyệt đối trong sử dụng ngân sách, trong đó có quy định công khai và minh bạch giao dịch và tài chính của DNNN. Đối với DNNN Việt Nam, việc công khai tài chính đã là một việc khó, công khai, minh bạch giao dịch quả là một việc phức tạp. Giao dịch được hiểu là những hoạt động mua, bán, ký kết, đàm phán đều phải công khai. Có thể nói đây là một quy định nghiêm minh và khắt khe.
Quan điểm của ông về quy định này như thế nào?
Tôi chưa biết kết quả đàm phán như thế nào nhưng trong dự thảo lần cuối tính đến thời điểm này đã dùng chữ “minh bạch tuyệt đối”. Có thể dự đoán, nếu DNNN bắt buộc phải công khai và minh bạch tuyệt đối toàn bộ tài chính và giao dịch thì sẽ có DN xin ra khỏi khu vực DNNN. Tuy nhiên, theo tôi chính quy định này sẽ tạo sức ép quan trọng đối với quá trình tái cấu trúc DNNN. Đây là quy định của TPP nhưng cần thiết và phù hợp với mục tiêu chuyển đổi DNNN của chúng ta hiện nay.
Vậy theo ông, DN có còn đủ thời gian để chuẩn bị cho những thách thức mà TPP đặt ra?
DN Việt Nam lâu nay ỷ vào chính sách. Khi gặp thời cuộc khó khăn phần đông DN đổ lỗi cho chính sách. Khi có thị trường, DN làm ăn. Khi không có thị trường, DN tạm thời ngưng lại. Đó là cách tư duy tiểu nông hay còn có thể nói là lối làm ăn chụp giật. Trong bất kỳ một giai đoạn hay cơ hội nào, nếu DN chuẩn bị tốt thì hiệu quả của việc gia nhập là tốt còn nếu không thì có khi còn gặp phải kết cục tệ hại.
Những quy định dự kiến của TPP là khá mới mẻ. Vậy những nội dung này sẽ tác động như thế nào đối với hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay. Sẽ có nhiều văn bản luật cần được chỉnh sửa không, thưa ông?
Những quy định dự thảo đối với khu vực DNNN đã đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật DN hoặc cần có bộ luật riêng về DNNN. Hai là với những quy định khắt khe về lao động và lao động trẻ em cũng cần xây dựng tiêu chuẩn sử dụng lao động trong DN. Hoặc đối với một lĩnh vực khác như dịch vụ truyền thông, lâu nay chúng ta quy định hoạt động, dịch vụ truyền thông hoạt động tại Việt Nam phải có máy chủ đặt tại Việt Nam, nếu không phải được bảo vệ bởi hàng rào lửa nhưng theo TPP, máy chủ có thể được đặt bất cứ đâu, giao dịch hoàn toàn tự do. Điểm này mâu thuẫn ngay cả với nghị định ban hành mới nhất của Chính phủ về lĩnh vực giao dịch số nên sẽ cần nghiên cứu và điều chỉnh. Một lĩnh vực khác là sở hữu trí tuệ. Quy định của TPP dài 80 trang về vấn đề này, quy định chi tiết về nội dung, chế tài, giám sát sở hữu trí tuệ, đụng chạm khá nhiều đến một số luật nên văn bản pháp luật trong vấn đề này sẽ cần được điều chỉnh.
Xin cảm ơn ông!
Đối với lộ trình cắt giảm thuế quan của TPP không ảnh hưởng nhiều đến DN, bởi trong quá trình hội nhập ASEAN và ASEAN+ 1 Việt Nam cũng đã và đang phải thực hiện lộ trình giảm thuế. Nhiều khả năng TPP sẽ được thực hiện sớm hơn ASEAN và ASEAN+ 1, với lộ trình sớm cắt giảm thuế quan của nhiều dòng hàng về 0% và chúng ta thực hiện NK thiết bị, công nghệ từ nội khối TPP sẽ khiến DN được hưởng lợi từ việc NK thiết bị, nguyên vật liệu giá rẻ từ nội khối. Đây không chỉ là lợi thế của DN trong việc cạnh tranh mà còn mang lại lợi thế về mặt cạnh tranh quốc gia so với những quốc gia ngoại khối TPP.