Thuế chống phá giá cá tra Việt Nam không công bằng
Tại cuộc họp ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14-9, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến, xuất khẩu Việt nam (VASEP) cho biết theo kết quả của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) lần thứ 6 (POR6), một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ có thể phải chịu mức thuế chống bán phá giá lên tới 130%.
Đây là mức giá cao nhất trong sáu lần xem xét hành chính của DOC kể từ năm 2003. Mức thuế này áp dụng cho cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2008 đến 31/7/2009. VASEP khẳng định: việc DOC xem xét và đưa ra kết luận sơ bộ lần này hoàn toàn không công bằng với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo VASEP, trong những lần xem xét trước, DOC thường lấy Bangladesh làm quốc gia để so sánh biên độ phá giá cá tra Việt Nam, tuy nhiên lần này DOC đã lấy Philippines làm quốc gia thay thế. Việc thay đổi này hoàn toàn không phù hợp và so sánh này là khập khiễng vì giá thức ăn cho cá tại Việt Nam khoảng 0,5 USD/kg trong khi tại Philippines tới gần 2 USD/kg, phí lao động, phí quản lý doanh nghiệp tại nước này cũng cao hơn hẳn Việt Nam...
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP nhận định cũng có thể DOC đã nhầm lẫn giữa giá mua sỉ cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam tại nơi sản xuất với giá mua lẻ trên thị trường để cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã bán phá giá.
Luật sư Andrew B.Schroth, đến từ một công ty luật của Mỹ cho biết nếu kết quả sơ bộ này thành hiện thực vào tháng 3/2011, sẽ có khoảng 5-6 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao ngất này. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam còn ba tháng để kháng lại quyết định POR6.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết trong đợt xem xét hành chính lần thứ 5, Vĩnh Hoàn đã nhận được mức thuế chống bán phá giá 0%. Điều này đã minh chứng rằng Vĩnh Hoàn không bán phá giá các sản phẩm của công ty tại thị trường Mỹ.
Trong lần xem xét lần thứ 6 này, với mức giá bán dao động không đáng kể, nhưng mức thuế phá giá sơ bộ đã bị thay đổi đột ngột chỉ bởi việc dùng các giá trị thay thế từ Philippines. Philippines hoàn toàn không thích hợp để trở thành một quốc gia thay thế và DOC nên sử dụng lại Bangladesh.
Bà Tâm tin rằng Vĩnh Hoàn với sự hỗ trợ đắc lực của các luật sư và VASEP cam kết nỗ lực hết mình nhằm thuyết phục DOC thay đổi phán quyết hiện thời, dùng những nguồn dữ liệu thay thế thật sự hợp lý...