Tại Việt Nam, thuế giá trị gia tăng (GTGT) được nghiên cứu từ khi tiến hành cải cách thuế bước 1 (năm 1990), áp dụng thử nghiệm năm 1993 ở 11 đơn vị (ngành đường, dệt, xi măng). Qua một thời gian thực hiện thử nghiệm, Luật Thuế GTGT số 57/1997/L-CTN lần đầu tiên được ban hành vào ngày 10/5/1997, chính thức đưa vào áp dụng từ 1/1/1999 thay thế cho thuế doanh thu. Ngày 6/3/2008, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH ra đời thay thế cho Luật Thuế GTGT 57/1997/L-CTN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT số 07/2003/QH11; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế GTGT số 57/2005/QH11. Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH ra đời đã đánh dấu sự phát triển mới về chính sách thuế GTGT của nước ta và điều chỉnh bao quát, đầy đủ lĩnh vực thuế GTGT, nhất là trong mặt quản lý thuế.
Những kết quả nổi bật
- Đối với lưu thông hàng hóa: Theo nghiên cứu và thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phần lớn các nước trong đó có Việt Nam, sau khi áp dụng thuế GTGT, giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ đều không thay đổi hay chỉ thay đổi một tỷ lệ không đáng kể, mức sản xuất của các DN, mức tiêu dùng của dân chúng không sút giảm hoặc sút giảm không nhiều. Thuế GTGT góp phần ổn định giá cả, mở rộng lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu;
- Về thuế suất: Trước đây, với thuế doanh thu, có tới 10 thuế suất dao động từ 1% - 40% được ban hành vào năm 1990 và 58 nhóm thuế suất nếu xét theo ngành nghề. Biểu thuế doanh thu năm 1991 còn chi tiết hơn, có tới 16 thuế suất khác nhau từ 0%, 0,5% đến 40%. Nếu xét theo ngành nghề hoạt động kinh doanh thì có tới 61 nhóm thuế suất. Năm 1993 sau khi bổ sung, chỉnh sửa, thuế doanh thu được chi tiết hóa tới 17 thuế suất khác nhau từ 0%, 0,5% đến 40%. Năm 1994, sau khi bổ sung chỉnh sửa, biểu thuế doanh thu có 18 thuế suất khác nhau và 61 nhóm thuế suất nếu xét theo ngành nghề. Biểu thuế doanh thu năm 1995 sau khi được bổ sung, chỉnh sửa còn lại 11 thuế suất từ 0%; 0,5% đến 30% và 56 nhóm thuế suất theo ngành nghề. Việc quy định nhiều mức thuế suất như trên đã có tác động không tốt cho quá trình phân công lao động xã hội và phân bổ vốn, đồng thời cũng gây khó khăn nhất định cho công tác quản lý thu, nộp thuế, tạo kẽ hở cho việc trốn thuế.
Với thuế GTGT, theo Luật thuế GTGT năm 1997, có bốn mức thuế suất được quy định là 0%, 5%, 10% và 20% nhưng đến năm 2008 đã rút gọn lại còn ba mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Việc quy định ít mức thuế suất giúp cho việc quản lý của Nhà nước nói chung và ngành Thuế nói riêng đạt được hiệu quả tốt hơn, giảm bớt được các hiện tượng gian lận về thuế.
- Về thu ngân sách: Thuế GTGT được áp dụng rộng rãi với mọi tổ chức, cá nhân có tiêu dùng sản phẩm hàng hóa hoặc được cung ứng dịch vụ, đã góp phần tạo nguồn thu lớn và tương đối ổn định cho ngân sách nhà nước (NSNN). Thuế GTGT chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sắc thuế – khoảng 20% tổng số thu NSNN.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu: Theo quy định thuế suất thuế GTGT hàng xuất khẩu là 0%, nghĩa là doanh nghiệp (DN) xuất khẩu được hoàn lại toàn bộ số thuế GTGT đã nộp ở đầu vào, việc này thực chất là hình thức trợ giá của Nhà nước cho hàng hóa xuất khẩu, điều này đã giúp các DN tập trung được nguồn hàng trong nước để xuất khẩu và có điều kiện cạnh tranh được với hàng hóa trên thị trường quốc tế.
- Thuế GTGT góp phần hạn chế nhập khẩu: Thuế GTGT hàng nhập khẩu do được tính trên giá mua (đã có thuế nhập khẩu) nên làm cho phần chi trả của DN cao hơn nhiều so với cùng loại hàng mua trong nước. Vì vậy thuế GTGT có tác dụng hạn chế nhập khẩu, tích cực bảo hộ sản xuất kinh doanh hàng nội địa.
- Chống thất thu thuế: Khi thuế GTGT được áp dụng tính theo phương pháp khấu trừ, việc khấu trừ thuế được thực hiện căn cứ trên hóa đơn mua vào, điều này thúc đẩy người mua đòi hỏi người bán phải phát hành hóa đơn hợp pháp, khắc phục được tình trạng thông đồng giữa người mua và người bán để trốn lậu thuế.
- Thuế GTGT có tính trung lập cao: Thuế GTGT không bị ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế, không phải là yếu tố của chi phí mà chỉ đơn thuần là một khoản được cộng thêm vào giá bán của người cung cấp hàng hóa, dịch vụ, vì vậy sắc thuế này không ảnh hưởng lớn đến mục tiêu khuyến khích hay hạn chế sản xuất, kinh doanh theo các ngành nghề cụ thể.
- Tác động đến công tác quản lý DN: Thuế GTGT góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chế độ chứng từ trong công tác kế toán với việc phải hoàn thiện đầy đủ các hóa đơn mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Do yêu cầu của việc kê khai thuế GTGT, khấu trừ thuế GTGT đầu vào, các DN đã rất chú trọng đến công tác kế toán, đặc biệt là kế toán thuế nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ về mặt hóa đơn. Sự chuyển biến này thể hiện rõ rệt hơn cả trong các DN nhỏ và vừa.
Một số tồn tại...
Những ưu điểm trên có thể khẳng định việc đưa thuế GTGT vào áp dụng ở Việt Nam là định hướng đúng đắn, là bước đột phá lớn trong công cuộc cải cách tài chính công. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, một số tồn tại cũng đã xuất hiện và chủ yếu nảy sinh từ các hành vi gian lận thuế GTGT.
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ không xuất hóa đơn GTGT
Hoạt động này làm lợi cho đối tượng nộp thuế một lượng thuế GTGT ở đầu ra tương ứng với số hàng hóa, dịch vụ bán ra không xuất hóa đơn. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 15, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ban hành ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, “khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán phải lập hóa đơn”. Cũng theo Nghị định này, tại điểm 1, điều 1, “bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn”. Việc người bán không xuất hóa đơn không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế mà còn tạo kẽ hở cho hàng lậu được lưu thông trên thị trường. Đối với rất nhiều công ty, cửa hàng, đặc biệt là các loại dịch vụ liên quan đến ăn uống, vui chơi, giải trí như quán nhậu, karaoke… thì kể cả những giao dịch có giá trị từ 200.000 đồng trở lên, việc xuất hóa đơn của bên cung cấp cũng chỉ được thực hiện khi bên mua có yêu cầu. Tại đây, nếu khách hàng muốn có hóa đơn GTGT sẽ phải thanh toán thêm tiền thuế GTGT. Tuy nhiên, hóa đơn GTGT không phải lúc nào cũng được giao ngay khi kết thúc dịch vụ, mà chủ quán thường hẹn khách vài ngày, hoặc vào một khung giờ nhất định trong ngày mới được nhận hóa đơn. Điều này gây rất nhiều trở ngại cho các khách hàng ở tỉnh khác, đành bỏ còn hơn là mất thêm chi phí đi lại để lấy hóa đơn.
- Số tiền thanh toán trên hóa đơn cao hơn so với giá trị giao dịch thực tế
Theo Khoản 2, Điều 14, Nghị định 51/2010/ NĐ-CP: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh khi lập hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung và đúng thực tế nghiệp vụ kinh tế phát sinh”. Việc gian lận xuất hóa đơn GTGT với số tiền trên hóa đơn cao hơn số tiền thực tế thanh toán của giao dịch giữa các bên là việc làm không quá phức tạp, nhất là với các cơ sở kinh doanh dịch vụ không có hàng tồn kho. Thủ đoạn này nhằm làm lợi cho người mua được hưởng một khoản khấu trừ lậu lớn hơn số thuế đầu vào thực tế mà vẫn không ảnh hưởng đến tổng số thuế đầu ra người bán phải kê khai và nộp. Cũng có rất nhiều trường hợp để có được hóa đơn đầu vào cao hơn giá trị mua hàng thực, người mua phải trả cho người bán khoản thuế GTGT chênh lệch cộng thêm “phí” cho việc viết chênh lệch. Điều này cũng làm lợi cho người mua khi tăng được khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN cao hơn thực tế.
- Mua, bán trái phép hóa đơn GTGT
Theo điểm a, Khoản 1, Điều 12, Luật thuế GTGT năm 2008, điều kiện đầu tiên để thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là “có hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ”. Điều này thúc đẩy người mua muốn được khấu trừ thuế phải đòi hỏi người bán phát hành hóa đơn hợp pháp. Đối với những người tiêu dùng cuối cùng, do không có thuế GTGT đầu ra để bù đắp thuế GTGT đầu vào nên không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, vì vậy hóa đơn GTGT không phải là vấn đề thiết yếu khi mua hàng. Do vậy, rất nhiều cửa hàng bán lẻ hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng là các thể nhân không xuất hóa đơn cho các đối tượng này. Đây chính là một nguồn cung cấp dồi dào hóa đơn cho những cơ sở kinh doanh muốn gian lận tăng thuế GTGT đầu vào. Việc gian lận thường xảy ra đối với các loại dịch vụ (như các nhà hàng ăn uống, dịch vụ vận chuyển …).
- Gian lận liên quan thuế GTGT hàng xuất khẩu
Do thuế suất thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu bằng 0% nên các DN khi có hàng hóa xuất khẩu sẽ được hoàn lại tiền thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, quy định này cũng bị lợi dụng khi có những DN lập hồ sơ khống cho hàng xuất khẩu nhằm rút ruột ngân sách, và các gian lận này chủ yếu liên quan đến các DN xuất khẩu qua biên giới đất liền.
- Gian lận định mức khi kê khai khấu trừ thuế GTGT
Gian lận định mức được coi là một trong những kiểu gian lận tinh vi nhất. Theo Khoản 1, Điều 14, Thông tư 06/2012/TT-BTC, “Trường hợp hàng hóa có hao hụt tự nhiên do tính chất lý hóa trong quá trình vận chuyển, bơm rót như xăng, dầu… thì được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa thực tế hao hụt tự nhiên không vượt quá định mức hao hụt theo quy định. Số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa hao hụt vượt định mức không được khấu trừ, hoàn thuế”. Gian lận được thực hiện là kê khai định mức cao hơn cho phép, trong khi việc thẩm tra định mức bị hạn chế bởi việc phụ thuộc vào tính chuyên môn kỹ thuật, tính chất lý hóa của hàng hóa, đòi hỏi phải có chuyên gia lĩnh vực liên quan.
- Kê khai thuế GTGT cho các mặt hàng không tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh chịu thuế GTGT
Theo Khoản 2, Điều 14, Thông tư 06/2012/TT-BTC: “Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT”. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều DN kê khai thuế GTGT được khấu trừ bao gồm cả số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu thuế và không chịu thuế GTGT. Gian lận thường được thực hiện với những loại hàng hóa, dịch vụ dùng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế GTGT. Khi mua hàng hóa, dịch vụ chưa tách riêng được dùng cho hoạt động chịu thuế hay không chịu thuế, thuế GTGT được hạch toán toàn bộ để khấu trừ nhưng đến cuối kỳ DN không thực hiện tách phần thuế GTGT không được khấu trừ ra khỏi tổng thuế GTGT đầu vào.
Khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn GTGT đầu vào để thực hiện gian lận khi sao chụp lại liên gốc của bên bán
Theo Khoản 2, Điều 22, Thông tư 153/2010/ TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/ NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trường hợp người mua đánh mất, cháy, hỏng hóa đơn liên 2 bản gốc thì người bán và người mua lập biên bản nêu rõ sự việc và người mua được sử dụng bản sao liên 1 của hóa đơn có xác nhận và dấu của người bán làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Tuy nhiên, một hình thức gian lận đã nảy sinh từ vấn đề này. Nhiều DN đã báo mất, cháy, hỏng hóa đơn liên 2 bản gốc, thực hiện kê khai thuế theo bản sao liên 1 của người bán nhưng chỉnh sửa, tẩy xóa nội dung nhằm kê khai thuế khống so với thực tế.
Nguyên nhân của các gian lận thuế GTGT kể trên chủ yếu là do:
- Sự thiếu hiểu biết của người nộp thuế về nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập vào ngân sách chung của quốc gia. Ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế của các đối tượng này còn rất kém, bản chất của thuế GTGT là thuế gián thu không được hiểu đúng rằng số tiền thuế doanh nghiệp phải nộp chỉ là khoản thu hộ Nhà nước thông qua giá bán hàng hóa, dịch vụ mà thường được hiểu là một sự giảm lợi ích của doanh nghiệp;
- Cơ chế quản lý thuế đã và đang thay đổi theo hướng hiện đại, đặc biệt là cơ chế cho phép các doanh nghiệp tự in hóa đơn, giãn thời gian lập và nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn từ tháng thành quý. Việc thay đổi này đòi hỏi tính tự giác tuân thủ luật pháp của Nhà nước rất cao của người nộp thuế, tuy nhiên điều này quả thực rất khó đối với một bộ phận không nhỏ người nộp thuế ở nước ta.
Để khắc phục tình trạng trên, cần tăng mạnh chế tài, mức xử phạt; tăng cường hiệu lực thanh tra, kiểm tra, chú trọng hậu kiểm; kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận; quy định cụ thể về điều kiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt... Được biết Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT sẽ được xem xét, bổ sung trong thời gian tới, hy vọng rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên sẽ được khắc phục và xử lý triệt để.
Bài đăng Tạp chí Tài chính số 10 - 2012
Thuế giá trị gia tăng: Những vấn đề cần trao đổi
(Tài chính) Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH ra đời đã đánh dấu sự phát triển mới về chính sách thuế giá trị gia tăng của Việt Nam. Thuế giá trị gia tăng đã trở thành một sắc thuế tiên tiến góp phần làm cho hệ thống thuế của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với sự vận động và phát triển của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, cũng còn những tồn tại cần khắc phục.
Xem thêm