Thuế GTGT với xuất, nhập khẩu dịch vụ: Xu hướng quốc tế và quá trình phát triển ở Việt Nam

Phan Đức Huy (Tạp chí Thuế)

Trên thế giới, hệ thống thuế giá trị gia tăng (GTGT) của mỗi quốc gia đều có quy tắc riêng đối với dịch vụ xuất, nhập khẩu. Do đó, khi các dịch vụ được trao đổi qua biên giới thường dễ xảy ra xung đột pháp lý, nếu nước xuất khẩu và nước nhập khẩu dịch vụ có quy tắc thu thuế GTGT đối với từng loại dịch vụ. Giải quyết xung đột này, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Newzealand đã có cách tiếp cận khá tích cực, với những quy định hiện hành về thuế GTGT Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới.

Thuế GTGT với xuất, nhập khẩu dịch vụ: Xu hướng quốc tế và quá trình phát triển ở Việt Nam
Hướng tới thông lệ chung 
 
Luật Thuế GTGT của các nước đều xây dựng theo nguyên tắc điểm đến (hành vi tiêu dùng thực hiện ở đâu thì chịu thuế ở đó). Đối với hàng hoá, việc đánh thuế theo điểm đến hầu như không gặp trở ngại, do hàng hóa về cơ bản được tiêu dùng tại nơi nó hiện diện. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu sẽ được miễn thuế hoặc áp dụng thuế suất 0%; hàng hóa nhập khẩu sẽ chịu thuế tại khâu nhập khẩu của nước nhập để đảm bảo hàng nội địa và hàng nhập khẩu trên cùng một mặt bằng cạnh tranh. Việc thu thuế GTGT đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu theo nguyên tắc điểm đến được vận hành khá trôi chảy, do hàng hoá có tính chất hữu hình và có sự kiểm soát của cơ quan hải quan tại cửa khẩu.

Thế nhưng, áp dụng nguyên tắc điểm đến đối với dịch vụ trao đổi qua biên giới lại không hề đơn giản, vì dịch vụ có tính chất vô hình, có khi lại được cung cấp qua mạng internet, không chịu kiểm soát của cơ quan hải quan, nên khó xác định được hành vi tiêu dùng thực sự diễn ra ở đâu. Ngày nay, toàn cầu hóa phát triển với sự trợ giúp của Internet làm tách biệt về không gian và thời gian của quá trình cung cấp và tiêu dùng dịch vụ, làm cho việc triển khai thực hiện nguyên tắc đánh thuế tiêu dùng (tiêu dùng ở đâu thì chịu thuế ở đó) trên thực tiễn càng trở nên khó khăn hơn nhiều lần. Do đó câu hỏi, làm thế nào để tìm ra những tiêu chí (dấu hiệu nhận biết) thuận lợi cho quản lý thuế để xác định địa điểm diễn ra hành vi tiêu dùng là vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
 
Mô hình các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)
 
Theo quy định trước đây (từ 1977), các nước EU đánh thuế GTGT đối với dịch vụ theo nguyên tắc xuất xứ, tức là địa điểm của người cung cấp ở nước nào thì nước đó có quyền thu thuế GTGT. Lý do áp dụng nguyên tắc xuất xứ là vì, trước đây dịch vụ thường ít có trao đổi qua biên giới mà chỉ diễn ra chủ yếu trong phạm vi một quốc gia. Ngoài ra, một số trường hợp đặc thù, tiêu chí được dùng để xác định địa điểm chịu thuế GTGT đối với dịch vụ như: địa điểm của bất động sản; nơi thực hiện dịch vụ, địa điểm của người tiêu dùng, địa điểm sử dụng hoặc tiêu dùng dịch việc áp dụng quy tắc này cũng chỉ được EU đưa ra trong một vài trường hợp cụ thể.
 
Từ 2010, thuế GTGT ở EU đối với dịch vụ được phân chia làm 2 lĩnh vực. Với trường hợp dịch vụ trao đổi giữa hai người nộp thuế với nhau thì địa điểm cung cấp dịch vụ được thực hiện tại một nước (chịu thuế tại một nước) nếu người mua dịch vụ có trụ sở kinh doanh chính (hoặc cơ sở thường trú, hoặc nơi cư trú) tại nước đó. Trường hợp dịch vụ được cung cấp cho người không phải là đối tượng nộp thuế GTGT (người tiêu dùng) thì người cung cấp ở đâu thì dịch vụ chịu thuế tại đó. Đồng nghĩa với EU đã chuyển từ nguyên tắc đánh thuế theo xuất xứ sang đánh thuế theo điểm đến đối với dịch vụ. Có rất ít trường hợp dịch vụ được áp dụng thuế suất 0%, trừ các dịch vụ: vận tải quốc tế (hàng hóa, hành khách bằng các phương tiện khác nhau), dịch vụ liên quan trực tiếp đến vận tải quốc tế, phương tiện vận tải quốc tế; dịch vụ môi giới thương mại thực hiện ở nước ngoài; dịch vụ tổ chức du lịch quốc tế; dịch vụ gắn với các công việc thực hiện đối với hàng hóa vận chuyển ở nước ngoài.
 
Tại Newzealand, chính sách chung có phân biệt địa điểm chịu thuế GTGT theo hai đối tượng. Nếu địa điểm cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ thì chịu thuế GTGT còn nếu là dịch vụ xuất khẩu thì địa điểm cung cấp là bên ngoài Newzealand sẽ áp mức thuế suất 0%. Hai mô hình trên đều sử dụng hệ thống các tiêu chí để xác định địa điểm tiêu dùng dịch vụ và sự khác biệt nằm trong sự phối hợp giữa các tiêu chí, thứ tự áp dụng các tiêu chí đó. Các tiêu chí chung là: địa điểm kinh doanh hoặc cư trú của người cung cấp dịch vụ; địa điểm mà dịch vụ được thực hiện; địa điểm kinh doanh hoặc cư trú của người mua; địa điểm kinh doanh hoặc cư trú của người tiêu dùng dịch vụ; địa điểm thụ hưởng hoặc sử dụng dịch vụ thực tế.
 
Tuy nhiên, xung quanh các tiêu chí xác đinh địa điểm thu thuế đối với dịch vụ, Ủy ban các vấn đề về thuế (thuộc OECD) đã chỉ ra 8 vấn đề nảy sinh đó là: thu trùng thuế, thiếu hiệu quả của chuỗi cung ứng, hạn chế gia nhập thị trường, bóp méo cạnh tranh, chi phí tuân thủ cao và thiếu rõ ràng. Để giải quyết các vấn đề trên thì các nước cần thống nhất với nhau một nguyên tắc chung về quy tắc đánh thuế GTGT đối với dịch vụ trao đổi quốc tế.
 
Sự phát triển về thuế GTGT đối với dịch vụ ở Việt Nam
 
Về tiêu chí xác định đối tượng chịu thuế GTGT: Luật Thuế GTGT năm 1997 quy định “Hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT”. Theo đó, tiêu chí đối tượng chịu thuế GTGT bao gồm 2 điều kiện, một là mục đích (dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng), hai là, lãnh thổ tiêu dùng (ở Việt Nam).
 
Về thuế suất 0% và điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ: các văn bản hướng dẫn Luật Thuế GTGT năm 1997 chưa đề cập đến nhập khẩu dịch vụ, mà chỉ quy định về hàng hoá xuất, nhập khẩu. Đối với một số dịch vụ vận tải quốc tế đã lựa chọn giải pháp đưa vào diện không chịu thuế, do thời điểm đó Việt Nam chưa có đội tàu để vận chuyển hàng hóa quốc tế, chủ yếu là nhập khẩu hàng hóa theo giá CIF. Để đơn giản trong quản lý, do vận chuyển quốc tế không chịu thuế nên các dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tàu biển, máy bay, tàu hoả vận tải quốc tế như: cung ứng xăng, dầu, nước và các loại thực phẩm, sửa chữa, làm vệ sinh, cũng được xếp vào diện không chịu thuế GTGT.
 
Vài năm sau, cùng với sự phát triển của đội tàu trong nước có khả năng vận tải quốc tế nên từ 2009 trở lại đây, Luật Thuế GTGT đã mở rộng tối đa phạm vi dịch vụ được áp dụng thuế suất 0% (đến 2012 áp dụng đối với hầu hết tất cả dịch vụ xuất khẩu).
 
Điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ được củng cố theo hướng chặt chẽ hơn. Năm 2001, một số dịch vụ được áp dụng thuế suất 0% phải đáp ứng điều kiện như hàng hóa xuất khẩu (có hợp đồng mua bán, hóa đơn bán hàng); đến năm 2004, có bổ sung thêm điều kiện dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ đã được cung cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định hiện hành, điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ, ngoài quy định như trước còn phải có “có cam kết của tổ chức ở nước ngoài là tổ chức không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, không phải là người nộp thuế GTGT tại Việt Nam”.
 
Như vậy, nếu so sánh thuế GTGT của Việt Nam với mô hình hình thuế GTGT của EU và Newzealand vẫn còn nhiều sự khác biệt.

Một là, mô hình thuế GTGT của Việt Nam dựa trên nguyên tắc điểm đến, giống như hầu hết các nước áp dụng thuế GTGT khác. Tuy nhiên, tiêu chí xác định đối tượng chịu thuế GTGT mang tính tổng quát, dù đúng về lý thuyết, đảm bảo thu thuế đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam, song lại thiếu tiêu chí cụ thể về quản lý thu để xác định như thế nào là hành vi tiêu dùng thực hiện ở Việt Nam. Điều này có thể dẫn tới khó khăn cho cơ quan thuế và DN trong quá trình thực hiện, do không biết chắc chắn có chịu thuế hay không, nhất là các dịch vụ mới phát sinh.
 
Hai là, tiêu chí xác định địa điểm tiêu dùng dịch vụ của Việt Nam mang tính ngầm định, dựa vào sự hiện diện của hoạt động sản xuất, kinh doanh của đối tượng nộp thuế tại Việt Nam.
 
Ba là, Luật Thuế GTGT của Việt Nam sử dụng tiêu chí nơi thực hiện dịch vụ để xác định đối tượng chịu thuế GTGT. Đối với các dịch vụ được kể tên cụ thể do tổ chức, cá nhân nước ngoài không là đối tượng cư trú cung cấp vào Việt Nam, bao gồm: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài đều thuộc diện chịu thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các dịch vụ này thực hiện ở ngoài Việt Nam thì không phải chịu thuế GTGT.
 
Bốn là, đối với dịch vụ do nước ngoài cung cấp cho cá nhân tiêu dùng ở Việt Nam, tuy rằng phải chịu thuế GTGT theo luật, song trên thực tế rất khó khả thi, do chưa có cơ chế ràng buộc người tiêu dùng phải báo với cơ quan thuế giống như DN phải khai báo, nộp thay thuế GTGT, trong khi việc thanh toán được thực hiện qua mạng internet, nhất là đối với các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh, sách điện tử, phầm mềm máy tính...
 
Rõ ràng, vấn đề xác định quy tắc đánh thuế GTGT đối với dịch vụ xuất, nhập khẩu đã và đang đặt ra thách thức phải giải quyết trên phạm vi quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ thông tin, nhằm cân bằng giữa hai mục tiêu đánh thuế theo nơi tiêu dùng và khả năng quản lý. Các nước phát triển đã có những bước đi và thử nghiệm áp dụng để giải quyết vấn đề, nên thiết nghĩ, hệ thống thuế GTGT nước ta cũng cần có những điều chỉnh để bắt nhịp với xu hướng quốc tế và quá trình hội kinh tế thế giới.