Thuế quan Hoa Kỳ: Tiến triển các cuộc đàm phán
Ấn Độ có thể trở thành quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ để tránh bị Washington áp thuế đối ứng.

Trả lời phóng viên tại Washington hôm 23/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ đang sắp đạt được đột phá giúp quốc gia tỷ dân này không phải chịu thuế quan cao.
Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán với Ấn Độ diễn ra dễ dàng hơn vì rào cản thương mại của quốc gia Nam Á này chủ yếu là thuế quan cao, "không thao túng tiền tệ" và ít rào cản thương mại phi thuế quan phức tạp hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rõ rằng ông muốn chính phủ nước ngoài cắt giảm các hạn chế thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ và giúp giảm thâm hụt thương mại của nước này.
Ấn Độ là một trong 15 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ mà chính quyền Tổng thống Donald Trump ưu tiên đàm phán nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Theo chính sách thuế mới được Tổng thống Trump công bố hôm 2/4, hàng hóa của Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu thuế đối ứng 26% từ ngày 9/4. Ông Trump sau đó bất ngờ hoãn áp dụng chính sách thuế đối ứng này đến 8/7 nhằm giúp các quốc gia, trong đó có Ấn Độ, có thời gian để đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ. Do đó, Ấn Độ hiện chỉ phải chịu mức thuế cơ sở 10% mà Mỹ áp dụng với hầu hết hàng hóa nhập khẩu.
Các nước đã nhanh chóng đề nghị đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump.
Thuế quan Hoa Kỳ: Nhật Bản công bố gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp
Theo hãng tin Kyodo, ngày 25/4, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói biện pháp kinh tế khẩn cấp nhằm đối phó với tác động tiêu cực từ việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu, trong bối cảnh vòng đàm phán song phương thứ 2 với Washington dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Gói hỗ trợ gồm 5 trụ cột chính, trong đó có các biện pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, với mục tiêu xoa dịu lo ngại rằng các mức thuế mới từ Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.
Phát biểu tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Shigeru Ishiba cam kết giảm giá xăng và dầu diesel 10 yen (0,07USD)/lít, bảo đảm trợ cấp chi phí năng lượng và mở rộng phạm vi cho vay lãi suất thấp dành cho doanh nghiệp nhỏ từ tháng tới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Ryosei Akazawa dự kiến có chuyến thăm 3 ngày đến Mỹ, bắt đầu từ ngày 30/4 tới, để tiếp tục đàm phán với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent - người phụ trách đàm phán về vấn đề thuế quan với Nhật Bản.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Ryosei Akazawa đến Mỹ này được xem là cơ hội để Nhật Bản thúc đẩy việc miễn trừ hoặc điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu do Tổng thống Donald Trump áp đặt, đặc biệt với ô tô - ngành công nghiệp chủ chốt của Nhật Bản.
Theo các nguồn tin thân cận, tùy vào kết quả của vòng đàm phán thứ hai, chính quyền Thủ tướng Shigeru Ishiba có thể triển khai thêm các biện pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm của ngành sản xuất trong nước và tránh tình trạng niềm tin tiêu dùng sụt giảm mạnh.
Trước đó, ngày 24/4, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Scott Bessent tại Washington bên lề Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Cuộc họp được cho là để thảo luận về chính sách tiền tệ, vốn là một nội dung được tách riêng khỏi vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tuần trước.
Trong cuộc họp báo với một nhóm phóng viên ngày 23/4, ông Bessent khẳng định Mỹ "hoàn toàn không đặt mục tiêu tiền tệ" trong đàm phán thương mại với Nhật Bản. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông có thể đã gây sức ép buộc Tokyo nâng giá đồng yen, nhằm góp phần thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ.
Pháp cảnh báo viễn cảnh xa vời trong việc đạt thỏa thuận giữa EU và Mỹ
Ngày 24/4, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Eric Lombard cho biết khả năng đạt được thỏa thuận về thuế quan giữa Liên minh châu Âu (EU) và Washington vẫn còn rất xa vời.
Trả lời phỏng vấn báo giới bên lề Hội nghị mùa Xuân, Bộ trưởng Lombard nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không che giấu sự thật rằng chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài mới đạt được thỏa thuận" và thừa nhận sẽ có "những thăng trầm" trong đàm phán.
Dù vậy, người đứng đầu Bộ Kinh tế Pháp khẳng định các cuộc đàm phán với phía Mỹ đang diễn ra "nồng ấm". Ông cho biết đã gặp Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Nhà Trắng Kevin Hassett, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent trong tuần này. Ông lưu ý giới chức Mỹ mong muốn đàm phán "tiến triển nhanh nhất có thể", đồng thời họ mô tả EU là "bạn bè và đồng minh".
Ngoài ra, Bộ trưởng Lombard cho biết cả hai bên đang tìm kiếm các lĩnh vực có thể đạt được tiến triển, nhấn mạnh các "luồng công việc" đã được thiết lập nhằm loại bỏ những rào cản đối với đàm phán. Thêm vào đó, với nhận định rằng các mức thuế quan mới của Tổng thống Trump đang gây áp lực đối với nền kinh tế Mỹ, ông Lombard hy vọng những tác động này sẽ thúc đẩy chính quyền Washington đưa ra những điều chỉnh phù hợp. EU cũng nêu mong muốn phía Mỹ đưa thuế quan trở lại mức như trước đây và thấp hơn nếu có thể.
Hàn Quốc và Mỹ nhất trí soạn thảo thỏa thuận gói thuế quan mới
Ngày 24/4, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok thông báo nước này và Mỹ đã nhất trí thực hiện các nỗ lực chung nhằm soạn thảo thỏa thuận gói thuế quan mới cùng các vấn đề hợp tác kinh tế và công nghiệp trước đầu tháng 7 tới, sau các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa 2 nước tại Washington DC.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông tin từ Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết trong các cuộc đàm phán, hai bên đã nhất trí theo đuổi thỏa thuận trước ngày 8/7 - thời điểm kết thúc 90 ngày lệnh tạm dừng áp dụng thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thoả thuận sẽ tập trung vào 4 hạng mục bao gồm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan; an ninh kinh tế; hợp tác đầu tư; và chính sách tiền tệ.
Động thái trên được đưa ra khi Bộ trưởng Choi Sang Mok và Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Ahn Duk Geun gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer trong cuộc tham vấn thương mại "2+2" diễn ra tại Bộ Tài chính Mỹ trong khoảng 85 phút.
Phát biểu với báo giới sau hội đàm, Bộ trưởng Choi Sang Mok cho biết để đạt được mục tiêu hoàn thành soạn thảo thỏa thuận kịp ngày 8/7, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ có kế hoạch bắt đầu các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào tuần tới, trong khi Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer dự kiến đến Hàn Quốc tham gia các cuộc đàm phán cấp cao bên lề Hội nghị cấp bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), khởi động vào ngày 15/5.
Trung Quốc bác thông tin đàm phán thuế quan với Mỹ
Ngày 24/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn (Guo Jiakun) cho biết nước này chưa tổ chức tham vấn hay đàm phán với Mỹ về vấn đề liên quan đến thuế quan.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Quách Gia Côn đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh xuất hiện những tin tức từ phía Mỹ gần đây cho rằng hai bên đang đàm phán và có thể sớm đạt được thỏa thuận về vấn đề liên quan đến thuế quan. Ông Quách Gia Côn khẳng định đây đều là những tin tức giả mạo, đồng thời nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Trung Quốc rằng Bắc Kinh chỉ tìm kiếm đối thoại và đàm phán dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Trước đó, ngày 23/4, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Phan Công Thắng (Pan Gongsheng) cũng khẳng định nước này sẽ kiên định ủng hộ các quy tắc thương mại tự do và hệ thống thương mại đa phương.
Hiện tổng thuế suất mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc là 145%, bao gồm 20% đã áp đặt trước đó và 125% nằm trong gói thuế đối ứng. Đáp lại, Bắc Kinh đã có các động thái tăng thuế tương tự, tuy nhiên đã tuyên bố không tiếp tục tăng thuế sau khi áp mức thuế bổ sung 125%. Ngày 16/4, Chính phủ Mỹ cho biết hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này có thể phải đối mặt với mức thuế quan lên đến 245% do các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh./.