Thương hiệu biển Việt Nam: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế biển

TS. Nguyễn Đăng Đạo

Thương hiệu biển được khẳng định sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của các ngành kinh tế biển theo hướng bền vững.

Thương hiệu biển Việt Nam: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế biển
Thương hiệu biển Việt Nam có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phát triển bền vững các ngành và lĩnh vực trong Chiến lược biển Việt Nam. Nguồn: Internet

Thương hiệu biển Việt Nam chính là sự hòa quyện giữa con người và các sản vật, sản phẩm biển, sản phẩm ngành hàng, sản phẩm của các doanh nghiệp (DN)…

Đặc biệt, hình ảnh các vùng bờ biển Việt Nam với các cảng nước sâu và khu kinh tế biển là hai yếu tố gắn kết trong tạo dựng thương hiệu của một vùng bờ biển nhất định, hiện có đến 50% các đô thị ven biển Việt Nam chứa đựng cả hai yếu tố này.

Xây dựng

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quản lý biển, đảo ở nước ta với mục tiêu: “…Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước…” .

Có thể thấy, thương hiệu biển Việt Nam là một cách làm độc đáo, một trong những phương thức khai thác tài nguyên kiểu mới, góp phần đưa các sản phẩm kinh tế, văn hóa, du lịch biển của chúng ta có sức cạnh tranh hơn khi hướng đến thị trường quốc tế rộng lớn. Thương hiệu biển Việt Nam phải góp phần tạo ra động lực tăng trưởng và liên kết các vùng kinh tế, ngành kinh tế của địa phương, của quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thương hiệu biển Việt Nam cần tạo nên yếu tố cảm xúc mạnh mẽ, được xem là động lực mới cho sự phát triển của đất nước; phản ánh xu thế phát triển và vị thế của quốc gia với bạn bè quốc tế và cần trở thành một phương pháp độc đáo để thu hút đầu tư và hợp tác phát triển địa phương và quốc tế.

Nếu như trước đây, khi hình dung đến tương lai phát triển kinh tế của đất nước, chúng ta thường liên hệ đến hình ảnh một đất nước Việt Nam chủ yếu mạnh về tài nguyên lục địa, thì ngày nay dân tộc Việt Nam đang khát vọng hướng đến một quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”. Tiềm năng biển Việt Nam rất lớn, là yếu tố tạo thành đòn bẩy để phát triển kinh tế của đất nước, tiến vững chắc vào thế kỷ 21, kinh tế biển sẽ là động lực vực dậy những ngành kinh tế chưa phát huy hết tiềm năng của nước ta hiện nay.

Thương hiệu biển Việt Nam đảm nhận vai trò quan trọng trong xu hướng thay đổi này. Nó biểu hiện cho hình ảnh một quốc gia không chỉ giàu về tài nguyên biển mà còn có lịch sử - văn hóa biển lâu đời, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trước cộng đồng quốc tế.

Chiến lược xây dựng thương hiệu biển Việt Nam góp phần xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả để phát triển kinh tế biển. Phát triển thương hiệu biển Việt Nam sẽ hỗ trợ để các địa phương, ngành kinh tế và DN cùng xây dựng thương hiệu của mình có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, ban ngành và các DN. Vấn đề phát triển thương hiệu biển Việt Nam cần phải được xem xét thấu đáo trong chiến lược biển, các chương trình, đề án phát triển liên quan đến tiềm năng biển. Bởi đây là một công cụ có khả năng liên kết những tiềm năng, lợi thế của các địa phương và DN, của Việt Nam với quốc tế.

Thương hiệu biển Việt Nam không chỉ là phương thức thu hút đầu tư và hợp tác phát triển kinh tế biển, mà còn là yếu tố đòn bẩy giúp các địa phương dễ dàng tiếp cận với thế giới bên ngoài, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu về Chiến lược biển đến năm 2020, để Việt Nam trở thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển” với 3 tiêu chí nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, nền khoa học - công nghệ biển hiện đại và phương thức quản lý biển tổng hợp thống nhất.

Trong quá trình xây dựng thương hiệu biển phải đặc biệt chú ý đến thương thương hiệu địa phương, địa danh, vùng miền  đặt ra như là mấu chốt  đem đến sự thành công cho các quốc gia, vùng lãnh thổ. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ gắn với biển, lợi thế về cảnh quan, tài nguyên không nhiều như Singapore, Hồng Kong, Thái lan, Thẩm Quyến…, nhưng nhờ quảng bá tốt hình ảnh của mình, biết liên kết những thế mạnh của mình với vùng lãnh thổ và quốc gia khác mà chiếm lĩnh được một thị trường rộng lớn, đều đã đạt được những bước phát triển thần kỳ.

Khai thác và quản lý Thương hiệu biển Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải xác lập những tiêu chuẩn mang tính khu vực và quốc tế. Điều này giúp khai thác và quản lý nguồn tài nguyên biển một cách hài hòa và bền vững hơn. Đây cũng chính là yếu tố để giữ gìn giá trị thương hiệu của mình.

Và gìn giữ

Thương hiệu biển Việt Nam có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phát triển bền vững các ngành và lĩnh vực trong Chiến lược biển Việt Nam. Vì vậy, thương hiệu biển Việt Nam phải làm cho mọi người dân, DN, các cấp, các ngành và bạn bè thế giới hiểu đầy đủ hơn về hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam, về hình ảnh đất nước đang vươn lên khẳng định vị thế và giá trị biển của mình và sự cần thiết phải giữ gìn thương hiệu trong quá trình khai thác, bảo vệ các nguồn lợi của biển.

Phải đặc biệt chú ý mục tiêu lâu dài là xây dựng bản chất văn hóa Việt Nam cho Thương hiệu biển Việt Nam. Xây dựng Thương hiệu biển Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, dung hòa 3 lĩnh vực chính: kinh tế - xã hội - môi trường; Giữ gìn và bảo tồn những cảnh quan văn hóa vừa mang tính thiên tạo lại vừa mang tính nhân tạo nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của dân nội địa lại vừa là nững nguồn lực để phát triển du lịch; Giữ gìn và bảo tồn những đặc trưng văn hóa được sản sinh ra từ các hoạt động của con người. Cần phải tập trung vào những biện pháp để nâng cao và giữ gìn được các thương hiệu đã có trong các ngành, lĩnh vực; trước hết là quảng bá, bảo vệ và nâng cao hiệu quả các thương hiệu sản phẩm của ngành du lịch, thủy sản, đóng tàu…đã có.

Có các định hướng cùng các giải pháp nhằm phát triển thương hiệu cho ngành, lĩnh vực mang tính đột phá về kinh tế biển mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển đã đề ra, đó là các ngành: Khai thác, chế biến dầu, khí; Kinh tế hàng hải; Khai thác và chế biến hải sản; Du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các nhu đô thị ven biển.

Tăng cường xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm, địa danh biển để làm tăng giá trị của nó, tạo nên những “điểm đến” hấp dẫn. Nghị quyết 4 (khóa X)  đã  định hướng chiến lược các vùng biển: Vân Đồn (Quảng Ninh) gắn với Hải Phòng ở vùng biển Đông Bắc, Vịnh Bắc Bộ; Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Vịnh Vân Phong vùng miền Trung và Đông Nam Bộ; Phú Quốc (Kiên Giang) vùng biển Tây Nam Bộ… Đây là những điểm mang tính chiến lược và là “bàn đạp” hướng ra biển của Việt Nam trong Chiến lược biển.

Xây dựng Thương hiệu biển Việt Nam - một thương hiệu mang tầm vóc quốc gia và là một thành tố quan trọng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam - phản ánh khát vọng vươn ra biển lớn, hướng đến một quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”, hội nhập cùng thế giới trong “Thế kỷ của đại dương” tức là góp phần quan trọng gánh vác sứ mệnh to lớn trong thời điểm hiện nay, để phát triển kinh tế theo chiều sâu, nhưng phải  đảm bảo nguyên tắc chính là phát triển một nền kinh tế xanh.