Thương mại bán lẻ đặt kỳ vọng vào năm 2015
(Tài chính) Năm 2014, thương mại bán lẻ Việt Nam (TMBL) đạt khá lớn khi tính theo giá thực tế đã khoảng 2,95 triệu tỷ đồng. Bình quân đầu người 1 tháng đạt mức khá cao khoảng 3,2 triệu đồng. TMBL/GDP cao hơn năm trước (75,1% so với 74,5%), chủ yếu do tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường tăng, tiêu dùng từ sản phẩm tự cấp tự túc giảm. Nếu tính bằng USD, thì TMBL năm 2014 ước đạt 140 tỷ USD, cao hơn mức kỷ lục 128 tỷ USD đã đạt vào năm 2013.
So với năm trước, TMBL tính theo giá thực tế tăng 11,1%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng thì tăng 6,5%. Con số này một mặt đã cao hơn hai năm trước (2012 tăng 4,3%, 2013 tăng 5,7%), nên đã góp phần làm cho GDP năm nay “thoát đáy” vượt dốc đi lên nhưng vẫn thấp hơn bình quân 2001- 2010 (13,8%), nên tăng trưởng GDP vẫn nằm trong “vùng đáy” tính từ năm 2000.
Cơ cấu TMBL chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước liên tục giảm xuống, năm nay chỉ còn 10,2%; tỷ trọng của khu vực ngoài nhà nước ngày càng gia tăng chiếm lĩnh thị phần, hiện đạt 86,5%, trong đó riêng của kinh tế tập thể giảm còn dưới 1%, còn của kinh tế tư nhân đã tăng lên và hiện đạt khoảng 1/3; tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện còn chiếm tỷ trọng nhỏ (3,3%), nhưng đang có tốc độ tăng cao (gấp đôi tốc độ tăng chung).
Cơ sở vật chất- kỹ thuật thương mại tăng so với trước, khi cả nước hiện có 8546 chợ, số cửa hàng tiện lợi tăng lên tương đối nhanh để thu hút khách; cả nước hiện có 132 trung tâm thương mại.
Đặc biệt, dung lượng thị trường tăng lên và đạt quy mô tương đối khá, do Việt Nam là thị trường đang phát triển; cơ cấu tiêu dùng thay đổi tương đối nhanh do cơ cấu dân số vàng, tỷ trọng bộ phận trung lưu ngày một lớn. Từ đầu năm đến 15/12 năm 2014, khi tổng cầu còn yếu, nhiều người tiêu dùng vẫn còn “thắt lưng buộc bụng”, nhưng nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu (bao gồm hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng trong nước đã sản xuất được...) vẫn đạt quy mô lớn và có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Để TMBL phát triển hơn nữa cần giải quyết nút thắt khi vẫn còn một số loại hàng hoá, dịch vụ chưa thực hiện theo giá thị trường, mỗi khi tăng hay giảm thường vấp phải sự phản ứng, nghi ngờ của dư luận.
Về lâu dài, cần đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cuộc vận động này phải được thực hiện ngay từ người bán, từ các nhà nhập khẩu, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ bán lẻ. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ người nông dân tiếp cận và làm quen với cơ chế thị trường, thông qua nơi gần nhất, ban đầu và đơn giản là chợ, rồi từ chợ tiến ra thị trường, cả trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, cần chú trọng việc quản lý giá, phương tiện cân đo đong đếm chính xác, công khai, minh bạch, bảo đảm nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm... tạo lập niềm tin đối với người tiêu dùng.
Đối với doanh nghiệp thương mại, cần tạo dựng nguồn hàng đầu vào, phát triển mạng lưới đầu ra, tăng cường quản trị; đặc biệt đề cao sự liên kết ở trong nước để tránh sự thôn tính các cơ sở, vị trí, thị phần với các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, đàm phán quốc tế, cấp phép đầu tư... cần rà soát các chính sách, biện pháp để bảo hộ có chọn lọc, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia và phát triển thị trường.