Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kiến tạo hệ sinh thái để bứt phá

Theo Quang Lộc/congthuong.vn

Theo các chuyên gia, "chiếc bánh" thương mại điện tử tuy lớn nhưng không phải vô hạn, lại càng không có chỗ đứng cho doanh nghiệp chậm chân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia, "chiếc bánh" thương mại điện tử tuy lớn nhưng không phải vô hạn, lại càng không có chỗ đứng cho doanh nghiệp chậm chân. Bởi vậy, việc tận dụng các nền tảng số một mặt giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, mặt khác đưa thương mại điện tử trở thành kênh quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong bối cảnh trên, sáng kiến "Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá" do Bộ Công Thương phối hợp với Amazon Golbal Selling Việt Nam triển khai có ý nghĩa lớn.

Sáng kiến với khoảng thời gian triển khai đáng kể là 5 năm, trong đó tập trung vào việc đưa doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với những vấn đề cốt lõi như thương mại điện tử xuyên biên giới, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quy trình bán hàng trên Amazon. Từ đó, doanh nghiệp có điều kiện cập nhật và trang bị kiến thức chuyên ngành về xuất nhập khẩu, nắm bắt thông tin thị trường, tạo sức bật nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đây cũng là cầu nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới.

Bên cạnh đó, Báo cáo "Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam" của Amazon công bố cho thấy: Doanh thu bán lẻ xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng hơn 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (3,3 tỷ USD) trong năm 2021 và dự kiến đạt 256,1 tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026.

Rõ ràng, tiềm năng là rất hứa hẹn nhưng để vươn tới mục tiêu trở thành ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới, doanh nghiệp Việt cần chủ động vào cuộc ngay từ bây giờ.

Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu cần khắc phục các "lỗ hổng" liên quan đến thông tin thị trường cũng như có sự chuẩn bị cần thiết để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài; rất cần sự chuyên nghiệp trong các kỹ năng, kiến thức về marketing trong thương mại điện tử xuyên biên giới; xây dựng chiến lược kinh doanh, bảo vệ thương hiệu... chứ không thể tham gia thị trường theo kiểu có gì bán nấy.

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tạo dựng chính sách, xây dựng "hệ sinh thái" cho xuất khẩu nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng, cùng doanh nghiệp Việt đi nhanh, đi xa và đem lại lợi ích cao nhất cho nền kinh tế.