Tích cực ngăn chặn trục lợi bảo hiểm xã hội
Ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2017 sẽ có hiệu lực, trong đó có một số tội danh liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT). Đây được kỳ vọng là biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về bảo hiểm xã hội (BHXH), để thực hiện hành vi chiếm đoạt, lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH với số tiền lớn trong thời gian qua.
Phương thức, thủ đoạn tinh vi
Thời gian qua, BHXH Việt Nam liên tiếp đưa ra thống kê về các biểu hiện của trục lợi bảo hiểm như đi khám nhiều lần ở nhiều cơ sở, cấp trùng thuốc... Cụ thể, qua kiểm soát từ Hệ thống thông tin giám định BHYT, phát hiện 1.580 bệnh nhân khám, chữa bệnh (KCB) bình quân từ 8 lần/tháng, KCB tại 3 cơ sở y tế trở lên. Cá biệt, có trường hợp bệnh nhân đi khám tới 17 lần/tháng.
Trong cùng 1 ngày, bệnh nhân này đi khám vừa ở bệnh viện, trạm y tế phường, vừa ở trung tâm y tế thành phố. Hàng chục lần bệnh nhân được cấp trùng thuốc, mỗi lần cấp thuốc chỉ cách nhau 1, 2 ngày khám. Chưa kể, không chỉ người tham gia, các bác sĩ, cơ sở KCB cũng có dấu hiệu trục lợi BHYT. Đối với các cơ sở y tế, có tình trạng ngày điều trị kéo dài, chỉ định một số loại xét nghiệm gia tăng đột biến, chia tách các dịch vụ kỹ thuật...
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam Trần Ðức Long, có rất nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt, trục lợi. Đơn cử, các tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về BHXH, BHYT để thực hiện những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là Quỹ Ốm đau - Thai sản.
Tình trạng thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH... Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp cố tình lập và sử dụng hai hệ thống thang bảng lương khác nhau gồm một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động; một hệ thống lương dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH.
Với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng một khoản tiền BHXH mà theo quy định pháp luật họ phải đóng cho cơ quan BHXH. Cán bộ, nhân viên tại một số cơ sở y tế đã lạm dụng sự thiếu hiểu biết của người dân khi cấp phát thuốc trong KCB để thực hiện thay đổi các loại thuốc có giá trị thấp hơn loại thuốc được bác sĩ kê đơn nhằm trục lợi...
Thêm biện pháp mạnh
Thời gian qua, dù đã được thông tin rộng rãi, nhưng các trường hợp có dấu hiệu trục lợi BHYT vẫn không giảm, theo các chuyên gia, nguyên nhân là do chưa có chế tài đủ sức răn đe.
Do đó, với một số điều luật về tội gian lận BHYT được quy định trong Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, với khung hình phạt nhẹ nhất là từ phạt tiền, cải tạo không giam giữ đến tù giam, với mức án cao nhất 10 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định liên quan đến bảo hiểm từ 1 - 5 năm. Đây được kỳ vọng là biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện những hành vi chiếm đoạt, lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, để chuẩn bị cho việc thực thi Bộ luật Hình sự 2017, mới đây, BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã thống nhất ban hành Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXH trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam.
Theo đó, thời gian tới BHXH Việt Nam sẽ thường xuyên cung cấp thông tin, hồ sơ để cơ quan cảnh sát để nắm bắt tình hình hoạt động liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Từ đó, cơ quan cảnh sát sẽ chủ động xác minh, điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.