Tiệc vui không dành cho tất cả nhà đầu tư trong ngày VN-Index chạm đỉnh lịch sử
VN-Index nhìn tổng thể đã tăng khá mạnh, chạm mốc đỉnh lịch sử 1.170 điểm trong ngày giao dịch 21/3, nhưng tiệc vui không dành cho tất cả…
Kết thúc phiên giao dịch 21/3, VN-Index đạt 1.169,36 điểm, áp sát đỉnh lịch sử 1.170 điểm . Đáng chú ý, VN-Index đã có hai lần vượt mốc 1.170 điểm trong phiên.
Nhìn tổng thể từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 17%. Trong hai tháng đầu năm, VN-Index tăng 14% và có tốc độ tăng điểm mạnh nhất trên thế giới.
Tuy vậy, tiệc vui không dành cho tất cả khi nhiều mã cổ phiếu ‘cơ bản’ từng có mức tăng trưởng, kết quả kinh doanh rất tốt đã giảm điểm khá mạnh và gây thiệt hại đến túi tiền nhà đầu tư.
Công ty CP Chiếu xạ An Phú (mã APC): Bất thường cổ đông chiến lược và con số trên báo cáo tài chính
APC là một mã cổ phiếu đáng chú ý trên sàn giao dịch chứng khoán. Sau khi sinh lời đến 4 lần vào nửa cuối năm 2017, mã cổ phiếu này đã giảm sàn 7 phiên liên tiếp (từ phiên giao dịch 7/3/2018 – 15/3/2018).
Trong hai phiên giao dịch gần đây (20/3-21/3), mã này tiếp tục giảm sàn. Tính ra, chỉ trong 3 tuần giao dịch, thị giá APC đã giảm gần 40%.
Đà giảm sàn của APC có thể hiểu được sau các ‘biến tấu’ số liệu trong các quý gần nhất. Trong đó, một trong các điểm bất thường là khoản tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp này. Số liệu ngày 30/9/2017 của APC ghi nhận hơn 67 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Tuy nhiên, ngày 30/12/2017 ghi nhận khoản này của APC chỉ còn chưa tới 15 tỷ đồng.
Các tờ trình ĐHĐCĐ thường niên của APC cũng khiến các cổ đông bất ngờ. Theo đó, doanh nghiệp dự tính phát hành tăng vốn gấp rưỡi với giá chỉ bằng ¼ lần so với giá thị trường.
Tuy tờ trình này đã không được cổ đông thông qua, nhưng việc bổ sung tờ trình phát hành 3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện 4:1 với giá chào bán 20.000 đồng/cổ phiếu và chào bán 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư với giá tối thiểu 20.000 đồng/cổ phiếu cũng bị coi là sự ‘biến tướng’.
Cùng với đó, tham vọng xây dựng nhà máy, trung tâm nghiên cứu mới hàng nghìn tỷ đồng cũng khiến cổ đông APC lo ngại.
Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã CTD): Giá thép tăng ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh
Nhìn chung, đà giảm của CTD đã bắt đầu từ nửa cuối năm tháng 1/2018.
Tính từ đầu năm 2018, cổ phiếu CTD đã giảm 24%. Đặc biệt, CTD đã giảm liên tục trong 6 phiên giao dịch gần đây (9/3-16/3).
Đà giảm của CTD có nguyên do.
Một số công ty chứng khoán trong các báo cáo nhận định đã đưa ra nhận định không mấy tích cực về CTD. ACBS trong một bản báo cáo đã hạ giá khuyến nghị CTD xuống 191.000 đồng/cổ phiếu. ACBS đánh giá, nguyên do đến từ biên lợi nhuận gộp CTD trong quý IV/2017 thấp kỷ lục chỉ đạt 6,4%.
VCSC đánh giá, giá thép tăng 5% trong quý IV/2017 và 20% tính chung cả năm khiến biên lợi nhuận quý IV/2017 giảm xuống 6,4%.
ACBS dự báo biên lợi nhuận gộp của CTD sẽ giảm về 7% năm 2018 và 6,7% vào năm 2019.
Công ty CP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA): Thông tin không thuê được mặt bằng kinh doanh ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp
Thông tin không thuê được mặt bằng kinh doanh bán hàng miễn thuế tại nhà ga hành khách quốc tế mới (T2) được cho là nguyên nhân trực tiếp khiến cổ phiếu CIA của Công ty CP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS) nhanh chóng giảm.
Thông tin này có lẽ đã được phản ánh từ trước trên thị trường. Bởi, tính từ phiên giao dịch 6/3/2018, CIA đã giảm điểm trong 8 phiên liên tục. Tính ra, vốn hóa thị trường CIA đã giảm gần 100 tỷ đồng.
Tính đến phiên 22/3, cổ phiếu CIA giảm 2,6% còn 37.600 đồng/cổ phiếu. Mức giá thấp nhất của mã này kể từ khi chào sàn HNX hồi tháng 11/2017.
Việc mất đi mảng kinh doanh bán hàng miễn thuế được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của CIA. Theo đó, mảng kinh doanh bán hàng miễn thuế đóng góp 79,67% tổng doanh thu Công ty mẹ trên BCTC riêng lẻ và 59,45% tổng doanh thu hợp nhất trên BCTC hợp nhất 2017.
Trước đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 và 2016, cơ cấu doanh thu thuần của CIA cho thấy mảng bán hàng miễn thuế chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, doanh thu mảng này năm 2015 đạt hơn 68 tỷ đồng, chiếm 51,1% tỷ trọng tổng doanh thu; trong năm 2016, mảng này đạt 182 tỷ đồng, chiếm 66,6% tổng doanh thu.
Một doanh nghiệp khác cùng mặt hàng miễn thuế là cổ phiếu AST của Công ty CP Dịch vụ hàng không Taseco. Trong phiên giao dịch 22/3, cổ phiếu AST đã giảm 6,7% còn 76.500 đồng/cổ phiếu.
AST giảm trong bối cảnh doanh thu thuần 2017 đạt hơn 659 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hơn 148 tỷ đồng. Tính ra, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đã lần lượt vượt 208% và 339% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty CP Mía đường Sơn La (mã SLS): Ảnh hưởng từ dự báo khó khăn của ngành mía đường khi thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
Thị giá cổ phiếu SLS từ đầu tháng 1 đã giảm 43% từ mức đỉnh 156.900 đồng/cp, xuống 90.000 đồng/cp trong phiên ngày 21/03.
CTCP Mía Đường Sơn La (mã SLS) gần đây đã có văn bản báo cáo hoạt động kinh doanh của công ty. Trong đó, SLS đề cập đến việc giá cổ phiếu trên thị trường giảm mạnh thời gian gần đây.
Theo nhận định của Mía đường Sơn La, giá cổ phiếu giảm là do giá đường trên thị trường xuống thấp. Cùng với đó, thời gian gần đây xuất hiện thông tin dự báo nhiều khó khăn của ngành mía đường khi thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 01/01, vì vậy đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.
SLS cho rằng, việc thay đổi giá cổ phiếu hoàn toàn do yếu tố bên ngoài tác động. Tuy giá đường hiện nay xuống thấp nhưng kết quả hoạt động của công ty vẫn đảm bảo.
Trong thời gian gần đây, SLS dự kiến chia cổ tức NDTC 2016-2017 tỷ lệ 80%, gồm 60% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Công ty cho biết đã và đang tiến hành theo đúng trình tự và thực hiện thanh toán cho cổ đông.