Tiềm năng kinh doanh từ tầng lớp trung lưu Việt Nam
Với 33 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2020 (theo dự báo của Ngân hàng HSBC), Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác.
Một nghiên cứu của Nielsen công bố ngày 10/1/2018 cho thấy, người Việt Nam sẵn sàng tăng chi tiêu nhiều hơn vào các khoản lớn để nâng cấp chất lượng cuộc sống của mình.
Cụ thể, sau khi chi trả cho các phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng 2 trong 5 người Việt sẵn sàng chi tiêu cho du lịch (44%), mua sắm quần áo mới (44%), các sản phẩm công nghệ mới (44%) , sửa chữa nhà cửa (37%) và các dịch vụ giải trí bên ngoài (38%).
Báo cáo cũng cho thấy 28% người tiêu dùng Việt Nam đã mua các gói bảo hiểm y tế cao cấp trong quý cuối năm 2017.
Người Việt xài sang
Mặc dù vẫn chưa thoát khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp nhưng số người xài sang ở Việt Nam vẫn vào hàng cao nhất của khu vực. Trong đó, các mặt hàng thời trang, công nghệ và hàng xa xỉ luôn có tỷ lệ tăng trưởng cao.
Báo cáo năm 2015 của Hãng nghiên cứu Knight Frank cho thấy, các thương hiệu thời trang cao cấp như Hermes, Cartier, Louis Vuiton... đã có mặt tại Việt Nam. Trong đó, thương hiệu túi xách Hermes (có mặt tại Việt Nam từ năm 2012) có mức tăng lợi nhuận bình quân hằng năm từ 20 - 30%.
Tương tự, Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Apple khi mà smartphone của thương hiệu này luôn gây "sốt" dù nằm trong top 10 sản phẩm có giá cao nhất.
Sự "cuồng hàng hiệu" của một bộ phận người tiêu dùng thấy rõ qua các sự kiện ra mắt của các nhãn hàng thời trang quốc tế thời gian qua. Cụ thể, sự kiện H&M - hãng thời trang đến từ Thụy Điển mở cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội trong năm 2017 đã thu hút hàng ngàn người xếp hàng để được vào mua sắm. Trước đó, thương hiệu thời trang đến từ Tây Ban Nha Zara cũng tạo nên cơn sốt mua sắm trong giới trẻ.
Cửa hàng đầu tiên của Zara tại TP.HCM đã đạt doanh thu lên đến 5,5 tỷ đồng trong ngày khai trương, phá kỷ lục cửa hàng Zara có doanh thu ngày khai trương cao nhất trên toàn thế giới. Thành công của Zara khiến Tập đoàn thời trang Inditex (sở hữu Zara, Bershka, Stradivarius, Massimo Dutti, Oysho...) nghĩ đến việc đưa các nhãn hàng còn lại của mình sang thị trường Việt Nam.
Leflair - trang bán hàng trực tuyến chuyên cung cấp các sản phẩm thời trang và mỹ phẩm hàng hiệu hoạt động hiệu quả cũng nhờ vào nhu cầu sử dụng hàng cao cấp của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam. Bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2015, Leflair Việt Nam đã cung cấp được 200.000 đơn hàng trên khắp cả nước, đưa sản phẩm tới tay hàng trăm nghìn khách hàng. Hiện tại, website của Leflair đã có 700.000 thành viên và vượt mốc 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Không những thế, Công ty có mức độ tăng trưởng vượt bậc, với doanh thu và số lượng khách hàng trung thành tăng gấp hai lần mỗi năm. Có đến 30% trong tổng số khách hàng của Leflair Việt Nam là khách hàng thân thiết, và chi tiêu bình quân khoảng 103 USD mỗi tháng, gần bằng với mức chi tiêu mua sắm tại trang bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon là 108 USD.
Ông Loic Gautier - nhà đồng sáng lập và là CEO của Leflair cho rằng, sức mua tại thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với khả năng cung ứng thương hiệu mới đến từ các nhà phân phối và bán lẻ. Sản phẩm của Furla, Valentino Creations, Micheal Kor, Yves Rocher... luôn nằm trong top những thương hiệu bán chạy nhất tại Leflair.
Cơ hội cho doanh nghiệp
Trước sức mua hàng hiệu tăng cao, Leflair đã tăng cường đầu tư, mở rộng phạm vi hoạt động. Công ty này gọi vốn đầu tư và mới đây đã được Capital Management Group (một quỹ đầu tư có trụ sở chính đặt tại Mahe, Seychelles) rót thêm 3 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư của công ty tới thời điểm hiện tại lên gần 5 triệu USD.
Ông Loic Gautier cho biết, với khoản đầu tư vừa nhận được, Leflair sẽ tiếp tục mang đến cho khách hàng các thương hiệu danh tiếng với mức giá tốt nhất.
"Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư phát triển nhằm mang đến cho thị trường Việt Nam nhiều hơn nữa các thương hiệu quốc tế thông qua các kho hàng tại nước ngoài. Chúng tôi cũng sẽ cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng thông qua việc nâng cấp nền tảng công nghệ và mở rộng quy mô đội ngũ lập trình viên và kỹ sư công nghệ. Song song đó, Leflair đầu tư vào cải tiến tổng thể quy trình hoạt động kho nhằm đáp ứng nhanh hơn nhu cầu của khách hàng trên cả nước", ông Gautier cho biết.
Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cuối năm 2016, tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, từ 12 triệu người năm 2012 sẽ lên 33 triệu người vào năm 2020. Còn theo Nielsen, Việt Nam đang đứng thứ ba trên thế giới về độ ưa chuộng hàng hiệu, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Hơn thế, đến 56% người tham gia khảo sát của Nielsen cho biết sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những sản phẩm có thương hiệu so với những sản phẩm không có thương hiệu nhưng cùng tính năng.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Hương Quỳnh - TGĐ Nielsen Việt Nam cho rằng: "Người tiêu dùng Việt liên tục thể hiện sự khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn và họ đang từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho điều này ngay từ bây giờ. Người Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các kỳ nghỉ, các hoạt động giải trí, nâng cấp các thiết bị công nghệ, sửa chữa, nâng cấp nhà cửa... Tất cả điều này đều thể hiện mong muốn được có một cuộc sống với chất lượng tốt hơn trong tương lai của người Việt".
Cũng nhận định tầng lớp trung lưu tăng nhanh trong những năm tới nên AIA xem Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của tập đoàn. Ông Wayne Besant - TGĐ Công ty AIA Việt Nam cho biết, hiện nay, phụ huynh thuộc phân khúc trung lưu đầu tư mạnh vào giáo dục cho con cái và nhu cầu đối với các dịch vụ tài chính của họ cũng tăng cao. Đây chính là cơ hội vàng cho ngành bảo hiểm.
"Để bắt nhịp với nền kinh tế tăng trưởng ổn định và sự lớn mạnh nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, AIA Việt Nam đang và sẽ giới thiệu đến người tiêu dùng nhiều sáng kiến của ngành bảo hiểm nhân thọ. Những sáng kiến này nhằm giúp người Việt Nam có thể sống lâu hơn, khỏe hơn và hạnh phúc hơn", ông Wayne Besant cho biết.