Chuyển đổi số ngân hàng: Vượt rủi ro và bài toán "hai ốc đảo"

Hương Dịu

Công nghệ đang tái định hình “sân chơi” của ngành Ngân hàng, mở ra những cơ hội chưa từng có về hiệu quả và tăng trưởng. Nhưng những rủi ro mới tiềm ẩn, rào cản pháp lý và thách thức về nhân lực chất lượng cao là những vấn đề quan trọng mà toàn ngành đang phải đối mặt.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Khi công nghệ giúp tái cấu trúc

Câu chuyện tái cấu trúc, cắt giảm nhân lực tại các ngân hàng là minh chứng rõ nét nhất cho sức tác động của công nghệ.

Chia sẻ tại một hội thảo gần đây về chuyển đổi số ngân hàng, ông Lưu Danh Đức - Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Khối Công nghệ thông tin của LPBank cho biết, từ cuối năm 2024, ngân hàng đã sắp xếp lại bộ máy, rút gọn từ 18 khối xuống chỉ còn 8 khối; trong đó Khối Công nghệ thông tin được sáp nhập từ các khối về dữ liệu, chuyển đổi số, ngân hàng số…

Động thái này cho thấy một sự thay đổi tư duy căn bản để công nghệ trở thành trung tâm của chiến lược phát triển. Hơn nữa, sự chuyển dịch này cũng mang đến nhiều yêu cầu mới về nhân sự tại các ngân hàng.

Về vấn đề này, ông Phạm Hà Duy - thành viên Ban Điều hành kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng số và Dữ liệu của ABBank cho rằng, công nghệ hiện nay là kỹ năng công nghệ.

"Khi tuyển dụng, ngân hàng mong muốn tuyển người có kinh nghiệm 5 năm, 10 năm làm ngân hàng, nhưng giờ cần người phải có công nghệ để thay vì dùng 10 người thì chỉ cần 5 người”, ông Phạm Hà Duy nhấn mạnh.

Hơn nữa, đại diện ABBank cho biết, những năm qua, ngân hàng đã có những vị trí công việc rất mới như trải nghiệm khách hàng, tăng trưởng số, kinh doanh số, marketing số, hợp tác số… nên cần có những con người mới, năng lực mới và cần nhiều kỹ năng tổng hòa trong một con người.

Thậm chí, trong lĩnh vực gai góc nhất là quản trị rủi ro, công nghệ cũng hứa hẹn mang lại những giải pháp ưu việt.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, công nghệ số, kỹ thuật số giúp quản lý rủi ro tốt hơn. Việc phân tích dữ liệu lớn có thể giúp ngân hàng nhận diện sớm các dấu hiệu bất thường, đánh giá tín dụng chính xác hơn và đưa ra các mô hình dự báo rủi ro hiệu quả.

Gỡ nút thắt rủi ro và nhân lực

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ không phải “cây đũa thần”. Thách thức lớn nhất và đáng lo ngại nhất đến từ chính bản chất của công nghệ khi tạo ra những loại rủi ro mới, phức tạp và khó lường hơn.

 

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, 10 năm tới, AI chưa thể thay thế con người. Những quyết định liên quan đến kiểm soát môi trường kinh doanh, kinh tế vĩ mô, luật pháp... cần có đạo đức kinh doanh, trí tuệ của con người để đi đến những quyết định tốt nhất cho ngành Ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, thế giới cũng chưa nắm bắt hết rủi ro về kỹ thuật số, công nghệ số, nên đừng “ảo tưởng” kỹ thuật số là giải pháp tốt nhất, bởi còn nhiều vụ lừa đảo, rò rỉ thông tin, thậm chí cán bộ ngân hàng là tội phạm, lừa đảo.

Hơn nữa, TS. Hiếu còn cho rằng, nếu các chuẩn mực Basel trước đây tập trung vào rủi ro tín dụng, thị trường, hoạt động… thì đến “Basel VI” trong tương lai rất có thể sẽ phải nói đến rủi ro về công nghệ.

Bên cạnh rủi ro, thách thức về triển khai thực tế cũng là một rào cản khổng lồ. Ông Lưu Danh Đức cho hay, muốn áp dụng công nghệ thì phải nhìn vào vấn đề hạ tầng, pháp luật, ý thức và sự tuân thủ của người dân, nên công cuộc chuyển đối số của các ngân hàng cũng sẽ như vậy. 

Ngoài ra, vấn đề nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyên sâu về công nghệ trong ngành Ngân hàng cũng là một nút thắt lớn, quyết định tốc độ và sự thành công của quá trình chuyển đổi. Bởi các ngân hàng đang đối mặt với “khó khăn kép” liên quan đến nhân lực vừa thiếu, vừa yếu.

Sự vênh nhau giữa tư duy công nghệ và nghiệp vụ ngân hàng được chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu ví von là “hai ốc đảo khác nhau”. Thực trạng này dẫn đến một cuộc cạnh tranh tuyển dụng khốc liệt giữa các ngân hàng.

Đại diện LPBank chia sẻ, khó khăn đầu tiên là thiếu nguồn lực và sự cạnh tranh cao trong tuyển dụng. Khó khăn thứ hai là chất lượng tuyển dụng kém do sức ép về thời gian và cạnh tranh. Nhưng khi đã tuyển dụng được người tài, thì việc giữ chân còn khó hơn, nhất là những lãnh đạo cao cấp.

Nhìn từ góc độ đào tạo, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính (Đại học Đại Nam) chỉ ra gốc rễ của vấn đề nằm ở hệ thống giáo dục. Việc mở một ngành học mới như công nghệ tài chính (Fintech) gặp nhiều rào cản về thủ tục hành chính, khiến các trường đại học chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội.

Rõ ràng, để làn sóng công nghệ thực sự tạo ra giá trị, ngành Ngân hàng cần nhiều hơn là các dự án đầu tư. Nên việc giải quyết những khó khăn nêu trên cần một hành lang pháp lý linh hoạt, khuyến khích đổi mới nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống.

Về vấn đề nhân lực, các chuyên gia cho rằng, cần chính sách đào tạo phù hợp, tăng cường hợp tác theo mô hình "3 nhà”: Ngân hàng Nhà nước - các cơ sở đào tạo - các cơ sở tài chính, khoa học công nghệ, để phá bỏ rào cản giữa “hai ốc đảo” công nghệ - nghiệp vụ.