Tiền ảo bitcoin -Thách thức cho chính sách tiền tệ
Thời gian qua, tiền ảo là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo (Ðề án). Thật ra, tiền ảo xuất hiện trên thế giới từ lâu nhưng với sự tăng giá đột biến gần đây của đồng bitcoin - đồng tiền ảo mạnh nhất hiện nay đã thật sự thu hút sự chú ý của dư luận.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, bitcoin là đồng tiền ảo được biết đến rộng rãi nhất hiện nay, được ra đời trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính (xuất phát từ cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ) đang bắt đầu lan rộng trên phạm vi toàn cầu vào năm 2008. Đầu tháng 11-2008, nhân vật có tên Satoshi Nakamoto đã đưa lên mạng ý tưởng về đồng tiền ảo bitcoin. Bitcoin được vận hành bởi một hệ thống máy tính ngang hàng (peer-to-peer) được lập nên bởi các máy tính của người dùng. Satoshi Nakamoto tự tạo ra 50 bitcoin đầu tiên vào ngày 3-1-2009. Mặc dù bitcoin thu hút được đông đảo mọi người quan tâm, theo dõi nhưng nó không phải là dạng tiền ảo duy nhất mà chỉ là một trong vô số các hệ thống tiền ảo đang nở rộ trong thời gian qua.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, phần lớn các nước đã có tuyên bố liên quan đến bitcoin hoặc tiền ảo đều gián tiếp hoặc trực tiếp không thừa nhận bitcoin và các đồng tiền ảo khác là phương tiện thanh toán hay đồng tiền pháp định của quốc gia mình. Các nước cũng đưa ra cảnh báo về sự rủi ro của các loại tiền ảo và khuyến nghị người dân không tham gia mua bán tiền ảo và không được Nhà nước bảo vệ đối với những rủi ro, tổn thất nếu xảy ra. Tại Việt Nam, đồng bitcoin được nhiều người quan tâm từ năm 2013 và rầm rộ hơn từ năm 2014 trở lại đây. Nhiều cuộc hội thảo đã được diễn ra nhằm lôi kéo mọi người bỏ tiền thật mua tiền ảo để trở thành "triệu phú, tỷ phú".
Ngay từ năm 2013, NHNN đã chủ động nghiên cứu, đồng thời khẳng định bitcoin, cũng như các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch... Mặt khác, giao dịch bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người vì nhanh chóng muốn làm giàu đã nhẹ dạ, cả tin vào lời hứa hẹn của những kẻ tổ chức đường dây mua bán tiền ảo bitcoin, onecoin mà phải tán gia bại sản.
Gần đây, tiền ảo đang có những biến tướng khá phức tạp khi mà nhiều người kinh doanh tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp dưới hình thức kêu gọi đầu tư. Tại Gia Lai vừa xảy ra vụ việc các đối tượng lạ mặt lừa đảo huy động tiền của người dân, thông qua kêu gọi đầu tư vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi là "ngân hàng cộng đồng bitcoin" với mức lợi nhuận khá hấp dẫn lôi kéo hàng trăm người tham gia đầu tư. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình này "biến mất" để lại khoản nợ nần cho những nhà đầu tư nông nổi "trót" nướng tiền thật vào tiền ảo. Khi sự việc vỡ lở, người dân trình báo cơ quan chức năng thì mọi chuyện đã quá muộn, vì các giao dịch mua bán tiền ảo đều không có bất kỳ văn bản nào có giá trị pháp lý để làm chứng cứ. Theo điều tra của Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50) - Công an TP. Hà Nội, hầu hết những người tham gia dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo vào đường dây này là do bị "đánh" vào lòng tham với tâm lý "không làm gì mà cũng có tiền". Đầu năm 2017, PC50 đã tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo của các cá nhân về việc họ bị chiếm đoạt khoảng 30 tỷ đồng vì tham gia đầu tư tiền ảo bitcoin. Cơ quan công an đã bắt một số đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới tiền ảo.
Công an tỉnh Gia Lai cũng đã tiếp nhận hàng trăm người đến trình báo về việc bị dụ dỗ tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Được biết, không chỉ tại địa bàn tỉnh Gia Lai, mà nhiều người dân tại địa bàn các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc và Đắc Nông, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Do không tuân theo các quy luật khách quan và không chịu ảnh hưởng từ thị trường thực tế nên số lượng nhà đầu tư bị thua lỗ do đầu cơ, mua bán tiền "ảo" luôn chiếm đa số. Hơn nữa, khả năng mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư có thể xảy ra nếu sàn giao dịch bị đánh sập, lúc này, việc đòi lại tài sản đã đầu tư là rất khó.
Cần sớm có biện pháp quản lý phù hợp
Với diễn biến và tính phức tạp của tiền ảo hiện nay, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án trên là rất cần thiết. Trong đó có việc rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam; kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam nhằm nhận diện và xác định thái độ của cơ quan nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan.
Thủ tướng giao NHNN trong tháng 8-2018 phải hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử. Cùng với đó, Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo. Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo...
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều này là cần thiết và kịp thời. Bởi xét ở góc độ nào đó một khi các loại tiền ảo tăng trưởng nhanh thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tổng phương tiện thanh toán quốc gia, qua đó cũng có tác động đến lãi suất thị trường, tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Đấy là chưa nói đến một số loại tội phạm thực hiện các giao dịch phi pháp khác... qua các hình thức tiền ảo này. Trả lời báo chí, NHNN cho biết bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. "Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ," lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.
Cũng theo NHNN, để hoàn thiện Đề án Chính phủ giao, NHNN sẽ tiến hành theo dõi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam đề xuất các biện pháp và chính sách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý đối với tiền điện tử cũng như phối hợp Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành để đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với tài sản ảo, tiền ảo trong thời gian tới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.