Tiền chạy ra… "sân sau"

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Hàng nghìn tỷ đồng đã được ngân hàng "rót" vào các công ty "sân sau", doanh nghiệp (DN) thân hữu. Những bí ẩn về dòng vốn chảy lòng vòng qua kênh tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu... chỉ dần hé lộ qua vụ án "Bầu Kiên".

 Tiền chạy ra… "sân sau"
Hàng nghìn tỷ đồng đã được ngân hàng "rót" vào các công ty "sân sau", DN thân hữu. Nguồn: internet

Câu hỏi đặt ra là, vì sao nhóm 6 công ty của "Bầu Kiên", nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, huy động được cả nghìn tỷ đồng của nhiều ngân hàng, gồm cả ACB? Có điều gì bất thường phía sau các thương vụ ngân hàng mua trái phiếu của nhóm công ty có liên quan đến cổ đông sở hữu nhà băng?

Vẽ giấy ra tiền!

Để hình dung được dòng tiền chảy từ ngân hàng vào nhóm 6 công ty của "Bầu Kiên", có thể xem cách huy động vốn tại Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI, vốn điều lệ 300 tỷ đồng) do ông Kiên làm Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật.

Năm 2008, Công ty ACBI phát hành 8 triệu trái phiếu DN (tương ứng giá trị 800 tỷ đồng) bán cho Ngân hàng ACB, tiền được dùng mua 9,67 triệu cổ phiếu Ngân hàng Techcombank (trị giá 699 tỷ đồng) và cổ phiếu Ngân hàng Eximbank (100 tỷ đồng).

Công ty thế chấp toàn bộ cổ phiếu Techcombank cho Ngân hàng ACB để bảo đảm cho việc phát hành 8 triệu trái phiếu, thực chất là khoản vay "lách" quy định cấp tín dụng. Hiểu một cách nôm na là, Ngân hàng ACB đã cho DN vay tiền đầu tư cổ phiếu, dùng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm vay vốn theo kiểu "mỡ nó rán nó".

Tương tự, năm 2010, Ngân hàng ACB đã cho Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á châu Hà Nội (Công ty ACI - Hà Nội) vay 650 tỷ đồng qua hợp đồng mua trái phiếu DN này, nhận thế chấp bằng nhiều cổ phiếu nhà băng khác (Kienlongbank, DaiAbank, Eximbank, Vietbank…).

Tiền huy động lại được quay vòng đầu tư cổ phiếu, cổ phần ngân hàng với tổng trị giá hơn 1.400 tỷ đồng. Hoạt động mua bán cổ phiếu ngân hàng của nhóm công ty của "Bầu Kiên" đã bị cáo buộc là đầu tư tài chính trái phép.

Cách huy động vốn qua kênh trái phiếu như kiểu "Bầu Kiên" không lạ, mà thực tế đã được nhiều DN vận dụng linh hoạt khi tín dụng bị siết chặt (từ năm 2011). Và, ngân hàng cũng "hào hứng" mua trái phiếu DN, coi như khoản đầu tư dài hạn, có hoặc không có tài sản bảo đảm. Đơn cử, Công ty Cổ phần tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) và nhóm công ty con đã huy động tới 2.900 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu DN cho các ngân hàng.

Trong số này, Công ty Cổ phần bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương đã bán được 1.200 tỷ đồng trái phiếu DN cho Tổng Công ty tài chính Cổ phần dầu khí (PVFC - nay là Ngân hàng PVcombank). Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu gồm: số cổ phần của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (sở hữu 44% vốn Ocean Group) tại 1 công ty, sàn thương mại dự án Starcity của 2 công ty liên quan đến tập đoàn…

Hai ngân hàng HDbank và Techcombank đã mua 700 tỷ đồng trái phiếu của Ocean Group, trong đó có 500 tỷ đồng trái phiếu được bảo đảm bằng 71 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần khách sạn và dịch vụ Đại Dương (công ty con của Ocean Group). Ngân hàng Maritimebank mua 500 triệu trái phiếu của Công ty Cổ phần dịch vụ hỗ trợ và phát triển đầu tư (công ty "cháu" của tập đoàn), không có tài sản bảo đảm.

Cho vay, góp vốn đầu tư

Ngoài cấp tín dụng và mua trái phiếu, ngân hàng còn "bơm" vốn thông qua hình thức góp vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Trong số này, có không ít DN có liên quan đến cổ đông sở hữu ngân hàng.

Đơn cử như trường hợp Ngân hàng Bắc Á, bà Thái Hương - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, nắm giữ tới 6,99% vốn điều lệ (năm 2012). Trong danh mục đầu tư dài hạn vào 20 DN, đơn vị, Ngân hàng Bắc Á đầu tư lớn nhất là hơn 253 tỷ đồng, tương ứng 6,66% vốn Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH (bà Thái Hương là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH). Từ năm 2011, Ngân hàng còn ứng vốn trước cho Công ty TH triển khai dự án với tổng số giải ngân hơn 162 tỷ đồng. Khoản này tiếp tục được ghi nhận là nợ phải thu trong năm 2012.

Như đã đề cập, Ngân hàng Oceanbank (có 20,66% vốn của Ocean Group) đã cho hàng loạt công ty con, cháu của Ocean Group vay vốn. Đơn cử, tính tới 6/2013, Công ty Cổ phần khách sạn và dịch vụ Đại Dương còn dư nợ 61,2 tỷ đồng, Công ty Cổ phần du lịch Khách sạn Suối Mơ nợ 13,8 tỷ đồng. Hay Công ty Cổ phần bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương được vay hơn 205 tỷ đồng, Công ty Cổ phần đầu tư THT Việt Nam vay 133 tỷ đồng... Trước đó, Công ty Cổ phần khách sạn và dịch vụ Đại Dương có khoản đầu tư hơn 43 tỷ đồng tại Oceanbank (tính đến thời điểm 31/12/2012) nhưng trong năm 2013 đã thoái vốn.

Theo một báo cáo công bố năm 2010, Oceanbank đã góp vốn đầu tư vào 3 công ty thuộc tập đoàn với tổng số vốn hơn 35,4 tỷ đồng, gồm Công ty Cổ phần chứng khoán Đại Dương, Công ty Cổ phần truyền thông Đại Dương, Công ty Cổ phần công nghệ Đại Dương. Tỷ lệ sở hữu tại đây từ 10 – 11% vốn. Đến năm 2012, các khoản góp vốn liên doanh, đầu tư dài hạn của ngân hàng lên tới gần 590 tỷ đồng. Hiện, ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính năm 2013 nên không rõ sự thay đổi dòng vốn đầu tư vào các công ty liên quan.