Tiền kỹ thuật số quốc gia: Kinh nghiệm tại một số nước

Nguyễn Đức Ngọc, Phạm Nguyệt Thảo, Nguyễn Thuỳ Dung - Trường Đại học Luật Hà Nội

Trong những năm trở lại đây, tiền kỹ thuật số quốc gia đã và có những bước phát triển vô cùng vượt trội. Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và một số đã chính thức phát hành, tạo động lực cho những quốc gia có nền kinh đang phát triển có những nghiên cứu bước đầu trong phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia cho riêng mình. Bài viết phân tích những vấn đề cơ bản về tiền kỹ thuật số quốc gia, nghiên cứu kinh nghiệm điều chỉnh từ các quốc gia trên thế giới bao gồm Thụy Điển, Trung Quốc và Bahamas, từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam.

Khái quát về tiền kỹ thuật số quốc gia

Khái niệm về tiền kỹ thuật số quốc gia

Sự phát triển không ngừng của giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt được coi là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy các quốc gia nghiên cứu, phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia. Sự suy giảm sử dụng tiền mặt trên thế giới diễn ra ở nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển. Theo một nghiên cứu của China Power (2019), tổng giá trị của tất cả các giao dịch điện tử ở Trung Quốc năm 2019 là 52 nghìn tỷ USD.

Do đó, phần lớn dân số Trung Quốc ngày càng quen với các giao dịch không dùng tiền mặt. Ở Thụy Điển, tỷ lệ sử dụng tiền mặt của quốc gia này giảm đáng kể trong những năm gần đây, cụ thể giảm từ gần 40% năm 2010 xuống chỉ còn chưa đầy 10% vào năm 2020 (Sveriges Riksbank, 2020). Chính vì vậy, nền kinh tế số hóa phát triển kéo theo sự suy giảm sử dụng tiền mặt là động lực để các quốc gia phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn từ đất nước và phù hợp với tiến trình phát triển của thế giới.

Hiện tại, trên thế giới chưa có tài liệu định nghĩa chính thức về tiền kỹ thuật số quốc gia. Tuy nhiên, với những đặc điểm được phân tích sau đây, có thể hiểu Tiền kỹ thuật số quốc gia là đồng tiền pháp định tồn tại dưới dạng kỹ thuật số, được phát hành, chịu sự quản lý, kiểm soát bởi Ngân hàng Trung ương (NHTW) hoặc cơ quan có chức năng phát hành tiền tệ của quốc gia. Tiền kỹ thuật số quốc gia ra đời với mục đích số hóa tiền mặt, cung cấp một phương tiện thanh toán nhanh chóng, hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế số, hướng tới nền tài chính toàn diện cho quốc gia.

Đặc điểm của tiền kỹ thuật số

Có thể nhận diện một số đặc điểm của tiền kỹ thuật số quốc gia như sau:

Thứ nhất, về hình thức, tiền kỹ thuật số quốc gia tồn tại dưới dạng số hóa. Công nghệ được sử dụng chủ yếu để xây dựng là công nghệ nền tảng Blockchain (PwC, 2021). Công nghệ Blockchain mang lại một số lợi ích, chẳng hạn: Giảm chi phí giao dịch; Cải thiện hiệu quả của thanh toán qua biên giới; Cải thiện tốc độ, hiệu quả giao dịch; Bảo mật dữ liệu, lịch sử giao dịch...

Với những lợi ích cơ bản đó, tiền kỹ thuật số quốc gia cũng theo xu hướng sử dụng công nghệ này để phát triển nhằm hoàn thiện tốt hơn về mặt kỹ thuật. Trong hệ thống tiền tệ hiện tại, tiền của các NHTW tồn tại ở dạng vật chất. Sự ra đời của tiền kỹ thuật số quốc gia sẽ tạo ra một hình thức tiền tệ mới cho NHTW, bổ sung cho tiền mặt pháp định vốn có, tạo ra một loại tiền tệ có chủ quyền được số hóa.

Thứ hai, tiền kỹ thuật số quốc gia là tiền tệ hợp pháp của quốc gia. Bản chất của tiền kỹ thuật số quốc gia là đồng tiền pháp định do NHTW phát hành. Do vậy, đây là loại tiền thuộc chủ quyền và chịu sự quản lý, kiểm soát của quốc gia. Tiền kỹ thuật số quốc gia khác với tiền kỹ thuật số tư nhân khác - những loại tiền do tổ chức tư nhân phát hành, không phải tiền tệ hợp pháp và không đại diện cho quốc gia.

Tiền kỹ thuật số quốc gia phát hành vào lưu thông là tài sản “nợ” đối với nền kinh tế. Đồng tiền này được pháp luật công nhận là phương tiện trao đổi để thanh toán hàng hoá, dịch vụ và thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Việc xác định tính chất pháp định của tiền kỹ thuật số quốc gia là một yếu tố quan trọng để tạo lòng tin và sự chấp nhận của công chúng trong việc sử dụng đồng tiền này. Đặc điểm này cũng đòi hỏi Nhà nước phải có các quy định để đảm bảo sự ổn định về mặt giá trị của tiền kỹ thuật số quốc gia.

Thứ ba, tiền kỹ thuật số quốc gia thúc đẩy hiệu quả giao dịch trên thị trường tài chính. Tiền kỹ thuật số quốc gia đã tạo ra một mô hình thanh toán và thanh toán liên ngân hàng hoàn toàn mới, có thể tối ưu hóa chức năng thanh toán nếu được tích hợp hiệu quả với các công cụ tài chính khác như thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa, thị trường vốn… Ngoài ra, tiền kỹ thuật số quốc gia giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả không chỉ đối với Nhà nước mà còn đối với các đơn vị trung gian thanh toán như ngân hàng, các tổ chức tín dụng… Trong một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF, 2020) đã chỉ ra rằng, sự ra đời của tiền kỹ thuật số quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải quyết các giao dịch tài chính xuyên biên giới nhanh chóng và ít tốn kém hơn.

Thứ tư, tiền kỹ thuật số quốc gia bảo đảm an toàn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu người dùng. Tiền kỹ thuật số quốc gia được thiết kế với mục tiêu bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng ở mức độ cao nhất để chống lại gian lận hoặc các cuộc tấn công mạng hơn so với một số hệ thống thanh toán hiện có. Tùy thuộc vào công nghệ được sử dụng khác nhau ở mỗi quốc gia, chẳng hạn đối với một số quốc gia lựa chọn công nghệ nền tảng Blockchain sẽ tạo ra mật mã được sử dụng để xác thực các giao dịch và ngăn chặn gian lận. Hồ sơ được lưu trữ thông qua công nghệ Blockchain. Việc sử dụng mã hoá mang lại cho tiền kỹ thuật số quốc gia mức độ riêng tư và sự an toàn về dữ liệu tương tự tiền mặt pháp định. Ngoài ra, về mặt pháp lý, khi ban hành tiền kỹ thuật số quốc gia, cần phải có các quy định rõ ràng về trách nhiệm giải quyết trong trường hợp gian lận thanh toán, các quy định về bảo đảm quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu người dùng, … để đảm bảo tính bảo mật của tiền kỹ thuật số quốc gia.

Kinh nghiệm trong thiết kế, vận hành tiền kỹ thuật số quốc gia

Bài viết sẽ lựa chọn ba quốc gia tiêu biểu bao gồm: Trung Quốc, Thụy Điển, Bahamas là những quốc gia tiên phong nghiên cứu về tiền kỹ thuật số quốc gia và đạt được những bước phát triển vượt trội. Trong đó, Bahamas là quốc gia đã chính thức phát hành tiền kỹ thuật số. Những nghiên cứu về các quốc gia này trên cơ sở tìm hiểu kinh nghiệm về mô hình vận hành và khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số quốc gia.

Về mô hình vận hành của tiền kỹ thuật số quốc gia

Qua nghiên cứu mô hình phát hành tiền kỹ thuật số tại các quốc gia trên thế giới có thể thấy, đa số các quốc gia lựa chọn mô hình vận hành thông qua trung gian.

Tại Trung Quốc, đồng e-CNY hoạt động với cấu trúc 2 cấp, bao gồm 2 lớp. Theo đó, ở lớp thứ nhất, thể hiện sự tương tác trực tiếp giữa các ngân hàng thương mại và PBOC. PBOC ở cấp cao nhất và đóng vai trò cấp cao. Để mở tài khoản e-CNY, người dùng cần đến một trong các tổ chức cấp 2 - Ngân hàng thương mại. Các tổ chức này cho đến hiện tại bao gồm bảy ngân hàng quốc doanh lớn nhất (gồm: Ngân hàng Công Thương Trung Quốc; Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc; Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc; Ngân hàng Giao thông; Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc; Ngân hàng Thương gia Trung Quốc) và hai ngân hàng trực tuyến (gồm WeBank và MYBank). Ở lớp thứ hai, thể hiện sự tương tác giữa các tổ chức trung gian và người dùng cuối (doanh nghiệp, công ty và người tiêu dùng). Họ có thể thực hiện thanh toán bằng ví e-CNY (thanh toán qua mã QR, NFC…) để mua hàng hóa và cũng ngang hàng nhau trong việc giao dịch chuyển tiền đồng e-CNY (Deutsche Bank, 2021).

Tại Thụy Điển, các mô hình được cân nhắc nhiều nhất là mô hình phân phối tập trung thông qua trung gian và phi tập trung thông qua trung gian. Trong mô hình phân phối tập trung thông qua trung gian, NHTW Thuỵ Điển (Riksbank) có hợp đồng trực tiếp với người dùng cuối và cung cấp một sổ cái chính, trong đó tất cả chủ sở hữu của e-Krona đều có tài khoản hoặc ví kỹ thuật số ghi lại tất cả các giao dịch. Mặc dù Riksbank có quan hệ hợp đồng với tất cả các chủ tài khoản, nhưng chính các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phải chịu trách nhiệm giúp chủ sở hữu e-Krona làm quen hoặc chấm dứt với tài khoản của họ, phân phối e-Krona và cung cấp cho chủ sở hữu các thiết bị cần thiết để truy cập và sử dụng e-Krona, các ứng dụng điện thoại hoặc giải pháp trực tuyến. Trong mô hình phân phối phi tập trung thông qua trung gian, e-Krona là cam kết trực tiếp đối với Riksbank và các tổ chức trung gian sẽ cung cấp e-Krona cho những người dùng cuối. Ở mô hình này chính các bên trung gian có mối quan hệ hợp đồng trực tiếp với những người dùng cuối. Mặt khác, thay vì chỉ có một sổ cái duy nhất của các giao dịch thuộc sở hữu của ngân hàng Riksbank như ở mô hình phân phối tập trung thông qua trung gian, ở mô hình này tất cả các bên trung gian đều có một sổ cái riêng.

Tại Bahamas, có 02 mô hình ví Sand Dollar được xác định như sau:

- Mô hình ví cấp I: Người dùng cấp một (là người dân) không bắt buộc phải xuất trình bất kỳ hình thức ID nào hoặc liên kết tài khoản ngân hàng để mở ví kỹ thuật số Sand Dollar, nhưng họ chỉ được phép giữ tối đa 500 Sand Dollars tại bất kỳ thời gian nhất định nào trong ví điện tử và được giới hạn ở khối lượng giao dịch hàng tháng là 1.500 Sand Dollars (Gabriel Soderberg, Marianne Bechara, Wouter Bossu và cộng sự, 2022).

- Mô hình ví cấp II: Người dùng cấp hai (chủ yếu là các doanh nghiệp) được yêu cầu xuất trình ID do Chính phủ cấp và phải liên kết tài khoản ngân hàng với ví của họ. Giới hạn nắm giữ có thể lên đến 8.000 Sand Dollars và giới hạn giao dịch hàng tháng là 10.000 Sand Dollars.

Tương tự Trung Quốc, đồng Sand Dollar vận hành qua trung gian ở Thụy Điển, được áp dụng cho cả ví cấp I và ví cấp II.

Về khung pháp lý điều chỉnh tiền kỹ thuật số quốc gia

Cho đến thời điểm hiện tại, Thụy Điển và Trung Quốc đang trong giai đoạn thí điểm, do vậy những vấn đề pháp lý về tiền kỹ thuật số quốc gia vẫn còn được cân nhắc, xem xét. Bahamas là quốc gia đã ban hành khung pháp lý riêng cho đồng Sand Dollar.

Tại Thụy Điển, đồng e-Krona được ban hành sẽ phải tuân theo pháp luật Thụy Điển: Hiến pháp Thụy Điển (SFS 1974:152), Luật Sveriges Riksbank (2022:1568), Đạo luật về các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố (SFS 2017: 630) và Đạo luật trừng phạt đối với tội rửa tiền (SFS 2014: 307), đồng thời chịu sự ràng buộc theo pháp luật của khu vực Liên minh châu Âu: Chỉ thị về Dịch vụ thanh toán 2; Chỉ thị 98/26/EC ngày 19/5/1998 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu....

Với Trung Quốc, đồng e-CNY chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật Trung Quốc, trong đó khung pháp lý nền tảng là Luật Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc năm 1995 (sửa đổi năm 2003), đồng thời phải tuân theo một số đạo luật có liên quan như: Luật Bảo vệ Thông tin cá nhân năm 2021; Luật An toàn không gian mạng năm 2017; Luật An toàn dữ liệu năm 2021; Luật phòng chống rửa tiền năm 2006; Luật chống khủng bố năm 2015.

Tại Bahamas, để phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia, nước này đã sửa đổi khung pháp lý, cụ thể là Đạo luật NHTW Bahamas vào năm 2020. Tiếp đó, tháng 8/2021, Quy chế pháp lý cho Sand Dollar cũng đã được NHTW Bahamas ban hành. Đây là các văn bản pháp lý điều chỉnh đồng Sand Dollar - tiền kỹ thuật số quốc gia Bahamas.

Như vậy, về cơ bản, nền tảng pháp lý điều chỉnh tiền kỹ thuật số quốc gia ở các nước trên đều đề cập đến một số nội dung trọng điểm:

- Xác định NHTW là cơ quan có thẩm quyền phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia.

- Quy định tiền kỹ thuật số quốc gia là tiền tệ hợp pháp, đại diện cho quốc gia.

- Xây dựng quy định về bảo đảm quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu người dùng.

- Tác động của tiền kỹ thuật số quốc gia đối với chính sách tiền tệ quốc gia.

- Các vấn đề pháp lý liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền, gian lận, trốn thuế, chống tài trợ khủng bố của tiền kỹ thuật số quốc gia.

Một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu việc phát hành tiền kỹ thuật số ở các quốc gia tiên phong như Thụy Điển, Trung Quốc và một quốc gia đã chính thức phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia như Bahamas, có thể gợi mở về mặt chính sách với Việt Nam như sau:

Thứ nhất, về xây dựng mô hình vận hành tiền kỹ thuật số quốc gia phù hợp.

Tương tự như mô hình vận hành tiền mặt pháp định truyền thống, mô hình vận hành tiền kỹ thuật số quốc gia mà các nước chủ yếu sử dụng là thông qua trung gian. Theo đó, NHTW nắm quyền phát hành tiền tệ trực tiếp nhưng phân phối tiền qua trung gian (có thể là các tổ chức tài chính, các ngân hàng thương mại hoặc các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán được cấp phép).

Chẳng hạn, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chịu trách nhiệm chính phát hành e-CNY, sau đó phối hợp với các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng trực tuyến phân bổ e-CNY đến công chúng. Với Bahamas, Sand Dollar vận hành qua trung gian tương tự Trung Quốc, được áp dụng cho cả ví cấp I và ví cấp II. Như vậy, trong quá trình nghiên cứu phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia, Việt Nam cần cân nhắc, thận trọng lựa chọn mô hình vận hành tiền số phù hợp, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên phong, có điểm tương đồng.

Thứ hai, về thẩm quyền phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia.

Khác với các loại tiền kỹ thuật số của tổ chức tài chính tư nhân phát hành, tiền kỹ thuật số quốc gia do NHTW của mỗi quốc gia phát hành. Việc trao thẩm quyền cho NHTW không chỉ khẳng định được tính hợp pháp của đồng tiền kỹ thuật số này mà còn làm nổi bật vai trò của NHTW trong quản lý, kiểm soát tiền tệ. Kinh nghiệm nghiên cứu, phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia ở các nước như Trung Quốc, Thụy Điển, Bahamas... đều chỉ ra NHTW cần thiết là cơ quan được thẩm quyền phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia.

Chính vì vậy, trong tương lai, nếu Việt Nam phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia thì cũng cần cân nhắc về việc trao thẩm quyền phát hành cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Từ đó, cơ quan này có thẩm quyền cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để tạo ra sự đồng bộ, đồng thời là cơ sở pháp lý vững chắc đảm bảo cho loại tiền kỹ thuật số. Cụ thể, nếu Việt Nam phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia thì quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 cần được sửa đổi theo hướng minh định việc Ngân hàng Nhà nước ngoài là cơ quan được phát hành tiền giấy, tiền kim loại thì còn được phát hành tiền kỹ thuật số của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, tại Mục 2 chương III Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần được sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tiền kỹ thuật số quốc gia.

Thứ ba, xác định tiền kỹ thuật số quốc gia là đồng tiền pháp định và là phương tiện thanh toán hợp pháp của quốc gia.

Ở hầu hết các quốc gia, trước khi phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia, điều quan trọng cần thực hiện là xây dựng quy chế pháp lý để đảm bảo sự tồn tại hợp pháp của tiền kỹ thuật số quốc gia. Có thể thấy, trong các quốc gia được nghiên cứu bao gồm Thụy Điển, Trung Quốc, Bahamas, Nhà nước đều thể hiện mối quan tâm rất lớn với loại tiền tệ mới này, do vậy, đều có những quan điểm rõ ràng trong việc công nhận sự hợp pháp của tiền kỹ thuật số quốc gia. Sự thể chế hóa các quan điểm đó ở thực tế được Bahamas thực hiện hiệu quả ở pháp luật quốc gia, theo đó quy định tiền kỹ thuật số quốc gia là tiền tệ hợp pháp, do NHTW phát hành, đại diện cho quốc gia. Dự thảo Luật về tiền kỹ thuật số quốc gia Bahamas năm 2021 định nghĩa tiền kỹ thuật số quốc gia Bahamas là phiên bản điện tử của đồng Đô la Bahamas, được phát hành bởi NHTW.

Do vậy, trên cơ sở kinh nghiệm các nước, Việt Nam khi phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia cần có các quy định nhằm xác định tính hợp pháp của loại tiền này. Cụ thể, tại một số quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng công nhận tiền kỹ thuật số quốc gia là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, từ đó sửa đổi các quy định có liên quan trong Bộ luật Dân sự năm 2015 về tài sản; cũng như điều chỉnh đảm bảo sự tương thích của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt, pháp luật về phòng, chống rửa tiền...

Thứ tư, quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân và bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng

Qua các nghiên cứu từ các quốc gia Trung Quốc, Thụy Điển và Bahamas, có thể thấy, quan điểm nghiên cứu của các nước đều chú trọng đến việc thiết lập các quy định liên quan đến bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người sử dụng. Chẳng hạn, tại Bahamas, vấn đề bảo mật được quy định tại Dự thảo Luật về tiền kỹ thuật số quốc gia Bahamas năm 2021, theo đó, cả NHTW và nhà cung cấp ví Sand Dollar phải chịu trách nhiệm về vấn đề bảo mật thông tin khách hàng. Ngoài ra, nhà cung cấp ví có nghĩa vụ phải thiết lập các biện pháp, cơ chế để quản lý rủi ro hoạt động và bảo mật liên quan đến các dịch vụ ví đã cung cấp. Các vi phạm về bảo mật có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù có thời hạn hoặc áp dụng cả hai hình thức tùy mức độ (Điều 11, Điều 20, Điều 27 Dự thảo Luật về tiền kỹ thuật số quốc gia Bahamas năm 2021).

Thực tế là, việc sử dụng ổn định một loại tiền tệ trong một thời gian lâu dài ở nước ta đã tạo niềm tin tuyệt đối vào hệ thống tiền tệ hiện tại cho người dân. Do vậy, khi một loại tiền mới xuất hiện trên thị trường thanh toán, sự nghi ngờ về tính an toàn của nó sẽ ngay lập tức được đặt ra, tạo ra sự xáo trộn không nhỏ trong phạm vi toàn quốc. Theo đó, Việt Nam cần thận trọng trong việc xác định tầm quan trọng của bảo mật dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của người dùng, từ đó có những thay đổi lập pháp phù hợp.

Thứ năm, quy định về rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố.

Về bản chất, tiền kỹ thuật số quốc gia là phiên bản số hóa của tiền mặt pháp định, được đảm bảo bởi NHTW và là tiền tệ hợp pháp được sử dụng song song với tiền mặt ở một số quốc gia. Tương tự tiền mặt, tiền kỹ thuật số quốc gia cũng có thể tồn tại nguy cơ bị rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Chính vì vậy, khi nghiên cứu phát hành, các quốc gia đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề này. Chẳng hạn, tại Thụy Điển, việc phát hành e-Krona phải tuân theo Đạo luật về các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố (SFS 2017: 630) và Đạo luật trừng phạt đối với tội rửa tiền (SFS 2014: 307). Trong đó, Luật về rửa tiền sẽ áp dụng cho e-Krona và trách nhiệm sẽ thuộc về những người tham gia trong mạng e-Krona, những người có vai trò phân phối và cung cấp khả năng nắm giữ e-Krona. Với Trung Quốc, e-CNY sẽ tuân theo Luật Quốc tế hiện hành và Luật của Trung Quốc về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố AML/CFT, cụ thể là Luật phòng chống rửa tiền của Trung Quốc năm 2006, Luật Chống khủng bố.

Do vậy, nếu ra mắt tiền kỹ thuật số quốc gia, Việt Nam cần ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này nếu cần, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về rửa tiền, cụ thể là Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 nhằm hạn chế nguy cơ rửa tiền và có cơ sở pháp lý vững chắc về vấn đề này, từ đó đảm bảo niềm tin của người dân về một loại tiền tệ mới với nhiều tính năng ưu việt.

Kết luận

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có nhiều tiềm năng cho việc nghiên cứu về một loại tiền tệ mới hợp pháp, phù hợp với sự năng động của nền kinh tế số. Những nội dung nghiên cứu trên đây góp phần gợi mở, thúc đẩy Việt Nam trong tiến trình nghiên cứu, phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia trong tương lai.

* Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của Trường Đại học luật Hà Nội “Tiền kỹ thuật số quốc gia - Kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở cho pháp luật Việt Nam”, Hà Nội, 2023.

Tài liệu tham khảo:

  1. Christian Barontini and Henry Holden (2019), Proceeding with Caution - A Survey on Central Bank Digital Currency, BIS Papers, No 101, https://www.bis.org/publ/bppdf/bispap101.pdf;
  2. China Power (2019), How will a Central bank digital currency advance China’s interests, https://chinapower.csis.org/china-digital-currency/;
  3. Chow, W, & Eckert, V. (2021), China and the race for the future of money- PwC Digital Disruption;
  4. Deutsche Bank (2021), Digital yuan: What is it and how does it work, https://www.db.com/news/detail/20210714-digital-yuan-what-is-it-and-how-does-it-work;
  5. Gabriel Soderberg, Marianne Bechara, Wouter Bossu và cộng sự (2022), Behind the Scenes of Central Bank Digital Currency- Emerging Trends, Insights, and Policy lessons, FINTECH NOTE, trang 15;
  6. IMF (2020), Digital money across borders: Macro- financial implications, Report staff, https://www.imf.org/en/Publications/Policy-Papers/Issues/2020/10/17/Digital-Money-Across-Borders-Macro-Financial-Implications-49823;
  7. Orla Ward Sabrina Rochemont (2019), Understanding Central Bank Digital Currencies (CBDC)- An addendum to “A Cashless Society- Benefít, Risks and Issues (Interim paper)”, https://taostartup.vn/wp-content/uploads/2020/07/Understanding-CBDCs-Final-disc.pdf;
  8. PwC (2021), Báo cáo Chỉ số phát triển: Cuộc đua tiền kỹ thuật số của NHTW (CBDC), https://www.pwc.com/vn/vn/publications/2021/210923-pwc-vietnam-cbdc-index-vn.pdf;
  9. Shobhit Seth (2023), What is a Central Bank Digital Currency (CBDC), https://www.investopedia.com/terms/c/central-bank-digital-currency-cbdc.asp.