Tiền polymer được in như thế nào?
Công nghệ in tiền là bí mật của mỗi quốc gia, song với tiền polymer, quy trình về cơ bản giống nhau ở 23 quốc gia sử dụng đồng tiền này, chỉ khác về họa tiết và yếu tố bảo an.
Theo nhận định của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, chi phí in tiền polymer đắt hơn nhiều so với tiền cotton. Nhưng bù lại, khả năng chống giả của tiền polymer cũng cao hơn, và độ bền tốt hơn tiền cotton. “Quan trọng là công năng và giá trị sử dụng của đồng tiền, phát huy được tối đa trong lưu thông”, nguyên lãnh đạo cấp cao nhất của Ngân hàng Nhà nước những năm 90 chia sẻ.
Hiện tại, việc in tiền là bí mật của từng quốc gia. Tuy nhiên, với tiền polymer, các thao tác về cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau đặc biệt về yếu tố bảo an gồm những hình chìm cũng như họa tiết in trên từng đồng tiền. Quy trình in tiền polymer xuất hiện đầu tiên năm 1988 tại Australia, sau đó nhiều quốc gia khác cũng sử dụng đồng tiền này trong lưu thông, như Bangladesh, Brazl, Nepal, Chile… và một số nước dùng tiền nhựa như loại tiền lưu niệm, trong đó có Thái Lan và Đài Loan. Việt Nam bắt đầu đưa vào lưu thông tiền polymer vào năm 2003, sau đó đến 2006 thì phát hành đầy đủ các mệnh giá.
Tiền nhựa thường có cấu tạo 3 lớp, gồm một lớp phim, sau đó tới lớp giấy nền, cuối cùng là phủ mờ và vecni. Theo từ điển bách khoa toàn thư mở, tại Australia, lớp phim của tiền polymer được chế tạo bằng cách làm nóng chảy chất nhựa tổng hợp có gốc dầu mỏ, thổi vào luồng khí nén có áp suất lớn và tạo ra màng nhựa dạng bong bóng.
Khi hút bỏ không khí, màng nhựa sẽ được cán phẳng trở thành phim trong suốt. Lớp nền sẽ được in trên phim, tạo thành nền giấy polymer có hoa văn, họa tiết được thiết kế riêng bởi từng quốc gia, sau đó tờ tiền được phủ một lớp mờ và vecni để bảo vệ phần mực đã in. Cho đến nay, polymer là loại tiền duy nhất có yếu tố chống giả đặc trưng là sử dụng công nghệ cao để cài đặt hình ẩn.
Clip quy trình in tiền nhựa