Tiến sâu vào ASEAN

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, các nước ASEAN sẽ phải xoá bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2015, riêng với 4 nước mới gia nhập ASEAN là Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar, 7% tổng số dòng thuế sẽ được cắt giảm vào năm 2018. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào để có thể tiến sâu hơn vào ASEAN?

Tiến sâu vào ASEAN
Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, các nước ASEAN sẽ phải xoá bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2015. Nguồn: internet

Thị trường quen

ASEAN vốn được xem là thị trường xuất khẩu truyền thống và giàu tiềm năng cho các DN Việt Nam. Theo số liệu thống kê năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN khoảng 18 tỷ USD, trong đó Malaysia là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch xấp xỉ 5 tỷ USD. Bên cạnh đó, tại những thị trường như Lào, Campuchia, hàng hóa Việt Nam cũng có những vị trí nhất định.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Campuchia trong năm 2013 là 2,87 tỷ USD và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, thời gian vừa qua các DN Việt Nam cũng đang triển khai nhiều chương trình đưa hàng sang những nước như Indonesia, Myanmar…

Là một DN sản xuất những mặt hàng thực phẩm như bánh phồng tôm, bánh tráng, bánh phở…Bích Chi được nhắc đến như một trong những điển hình trong quá trình thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN. Bà Bùi Thị Ngọc Tuyền, Phòng xuất nhập khẩu Công ty Bích Chi, cho biết hiện nay công ty đang xuất khá ổn định sang thị trường Malaysia và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 10-20% trong năm 2014 này. Ngoài Malaysia, Bích Chi cũng đang tìm đường sang Indonesia, một thị trường tuy khó nhưng lớn và có nhiều tiềm năng.

“Thật khó để cạnh tranh về giá ở thị trường này, nhưng nhờ vào sự vượt trội của sản phẩm nên chúng tôi cũng đã từng bước thâm nhập” - bà Tuyền cho biết. Cũng giống như Bích Chi, khá nhiều DN Việt Nam đang tìm đến những cơ hội mới từ ASEAN như Indonesia hay Myanmar để có thể đưa hàng hóa của mình qua.

“Có một điều đáng mừng là các sản phẩm của Thiên Long đang rất thành công tại Myanmar, còn cân Nhơn Hòa lại khá phổ biến ở Indonesia” - bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, lấy một vài ví dụ.

Theo chia sẻ của không ít DN, tại một số thị trường trong khu vực ASEAN, hàng hóa Việt Nam được người tiêu dùng khá yêu thích nhờ chất lượng, mẫu mã và giá thành cạnh tranh. Song điểm yếu của hàng hóa Việt Nam chính là việc gầy dựng hệ thống phân phối. Trở lại câu chuyện của Bích Chi, bà Tuyền cho biết thêm việc tìm kiếm các nhà nhập khẩu thường khiến DN mất một khoản chi phí không nhỏ. Thực tế, không phải DN nào cũng có đủ năng lực để tham gia các hội chợ ở nước ngoài.

Tận dụng cơ hội 2015

Như đã nói, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, đến năm 2015 các nước ASEAN sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn thuế quan. Vậy các DN Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này ra sao?

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, chia sẻ: “Có vẻ như chưa DN nào hình dung được sau 2015 khi hàng rào thuế quan được rỡ bỏ mọi chuyện sẽ như thế nào. DN đang lo những khó khăn kinh tế của mình”. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Thép Việt, lại có chia sẻ riêng của mình về ngành thép: “Ngành thép không chờ đợi nhiều nhiều từ ASEAN, thậm chí như chúng tôi còn cảm thấy lo lắng khi tiến tới ASEAN +1”.

Bà Tuyền của Bích Chi cũng không đưa ra được câu trả lời rõ ràng về việc tận dụng cơ hội, vì bà cho biết hiện công ty đang được hưởng hỗ trợ về thuế suất với mức thuế suất là 0%. Nói thêm về vấn đề này, ông Thái chia sẻ khi không còn hàng rào về thuế quan, hầu hết các nước đều có cách thức riêng để bảo vệ sản phẩm nội địa thông qua việc lập các hàng rào kỹ thuật. Việc này đôi khi còn làm nản lòng các nhà xuất khẩu hơn cả thuế quan. Những đối thủ nặng ký như Thái Lan sẽ là một thách thức cho các DN Việt Nam khi cạnh tranh tại các nước trong khu vực. Lúc này chất lượng hàng hóa mới là điều thực sự đáng quan tâm.

Nhiều ý kiến tỏ ra quan tâm đến việc làm sao để hàng Việt Nam chất lượng cao có được uy tín trong cộng đồng các nước ASEAN như là uy tín trong thị trường nội địa. Nói về việc này, bà Hạnh nhấn mạnh: “Hiện nay logo hàng việt nam chất lượng cao đã được dịch ra khá nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Hoa, Lào, Campuchia và hiện có DN đề nghị dịch thêm sang tiếng Myanmar. Việc dịch không quan trọng bằng việc đăng ký bảo vệ bản quyền thương hiệu cũng như truyền thông cho logo này”.

Có vẻ như câu chuyện làm sao tận dụng cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường các nước ASEAN khi hàng rào thuế quan bị xoá bỏ hiện vẫn đang còn là một câu chuyện không hề đơn giản. “Mỗi DN, mỗi ngành sẽ nhìn nhận ra điểm mạnh, yếu và tận dụng cơ hội của ngành mình. Song, Nhà nước cần quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn và tìm các giải pháp bổ trợ cho DN” - ông Mười nói.