Tiến trình nâng hạng thị trường: Cần thời gian để hoàn thiện các nút thắt
Chuyên gia có niềm tin về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, tuy nhiên tiến trình này cần thời gian để hoàn thiện các nút thắt.
VN-Index đạt mức tăng trưởng vuột trội so với các thị trường khác
Nhận định này được ông Matthew Smith - Giám đốc nghiên cứu và phân tích khối khách hàng tổ chức, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam đề cập tại Hội thảo “Chứng khoán Việt Nam đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới” tổ chức cuối tuần qua tại TP. Hồ Chí Minh.
Chuyên gia đánh giá, năm 2024 sẽ xuất hiện chu kỳ tăng trưởng mới gần giống giai đoạn tăng trưởng 2013 - 2018. Dự báo, triển vọng thị trường chứng khoán tăng trưởng khả quan trong 5 năm sắp tới. Kết thúc quý I/2024, dù VND bị mất giá nhưng VN-Index đạt mức tăng trưởng vuột trội so với các thị trường khác trong khu vực (tính theo USD).
Ở thời điểm hiện tại, lãi suất giảm mạnh sau pha thắt chặt tiền tệ năm 2022 để kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xu hướng lãi suất và vận động của thị trường ở giai đoạn này gần tương tự giai đoạn 2013-2014. Như vậy, dòng tiền vào chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng khi chi phí đầu tư thị trường giảm.
Bên cạnh đó, ông Matthew Smith định giá thị trường chứng khoán dù không còn rẻ nhưng vẫn còn khá hấp dẫn khi P/E dự phóng năm 2024 chỉ ở mức 12,1x, mức trung bình thấp trong khu vực.
Vị chuyên gia này cũng đánh giá, thị trường chứng khoán Việt năng động so với khu vực. Thể hiện ở tính thanh khoản cao, đạt 1,1-1,2 tỷ USD/phiên, vượt trội so với con số 100 triệu USD/phiên. Như vậy, kịch bản TTCK tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới dự báo có thể giống như giai đoạn 2013-2018 là khả thi và thậm chí mạnh hơn khi kết hợp với sự kiện nâng hạng.
Nâng hạng thị trường: Cần tháo gỡ các nút thắt tồn tại
Về nâng hạng, ông Matthew Smith có niềm tin về câu chuyện này với Việt Nam, tuy nhiên tiến trình này không phải thực hiện được ngay lập tức, cần phải có thay đổi về mặt chính sách để tháo gỡ các nút thắt tồn tại.
“Để được nâng hạng, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề như ký quỹ trước giao dịch, đặc biệt là với nhà đầu tư nước ngoài, thời gian qua rất khó giao dịch, họ có thể bị lỡ chuyến đò, khiến họ không sẵn lòng tham gia thị trường. Hai là thanh toán trong giao dịch chứng khoán. Đồng thời, cần thay đổi một số quy định về room khối ngoại... Các yếu tố này được thay đổi thì FTSE sẽ nâng hạng với Việt Nam, sau đó là MSCI”, chuyên gia Yuanta Việt Nam đánh giá.
Đánh giá về động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, ông Matthew Smith hoạt động bán ròng của khối ngoại đã kéo dài khoảng một năm, hai tháng qua họ bán mạnh. Tuy nhiên, điều này không chỉ xảy ra với thị trường chứng khoán Việt mà là bức tranh chung của toàn cầu.
Mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho năm 2024
Theo Matthew Smith, rủi ro hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phải đối mặt gồm: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao dài hơn dự kiến; khu vực châu Âu, Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng, làm đơn hàng xuất khẩu hồi phục chậm, các yếu tố nội tại gồm đáo hạn trái phiếu, nợ xấu… Tuy nhiên, những thông tin xấu nhất đã qua, thị trường đang đón chào những thông tin tốt, để mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho năm 2024.
Về cổ phiếu ngành, chuyên gia cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đã vào chu kỳ tăng trở lại, 12 - 18 tháng tới cổ phiếu vua sẽ được hưởng lợi nhiều khi mảng bất động sản hồi phục. Các mã được chuyên gia đánh giá hấp dẫn gồm ACB, MBB, VCB.
Về bất động sản, giai đoạn trước, chu kỳ suy thoái kéo dài từ 2008-2012. Chuyên gia cho rằng, hiện khó khăn với thị trường này sẽ diễn ra với chu kỳ ngắn hơn. Có thể tiến triển từ quý III-IV năm nay. Theo đó, KDH là cổ phiếu được đánh giá tốt trong ngành này.
Ngoài ra, chuyên gia cũng có nhận định tích cực với một số ngành khác như tiêu dùng, trong đó hàng tiêu dùng không thiết yếu đang có hiệu suất tốt (khuyến nghị MWG, FRT, PNJ); ngành Chứng khoán được hưởng lợi từ nâng hạng (SSI, VCI); ngành Công nghệ (FPT). Hay có thể nhìn vào việc sở hữu room ngoại cao để đánh giá (HPG, VNM, SAB)...