Tiếp cận kiểm toán nội bộ theo thông lệ quốc tế
Chức năng kiểm toán nội bộ đã trở thành nhu cầu tất yếu đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều yếu tố khiến cho kiểm toán nội bộ chưa được nhận thức và quan tâm một cách đầy đủ, đúng mức. Vì vậy, xây dựng và phát triển kiểm toán nội bộ theo thông lệ quốc tế là xu hướng tất yếu ở Việt Nam.
Thông lệ quốc tế và xu hướng mới về kiểm toán nội bộ
Những năm 1940, kiểm toán nội bộ (KTNB) bắt đầu hình thành và phát triển trên thế giới cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Theo đó, nhiệm vụ của kiểm toán viên nội bộ đã thay đổi từ việc xem xét những sai lầm và ngăn ngừa gian lận sang phân tích hoạt động và quản lý của công ty.
Từ những năm 1980, KTNB đã mở rộng đáng kể để đối phó với sự biến động ngày càng tăng do toàn cầu hóa, các dự báo về công nghệ, các vụ gian lận, sự gia tăng của cạnh tranh và phức tạp trong môi trường kinh doanh (Grabmann., E. và Hofer., D. ,2014).
Cuối thế kỷ XX, hiểu biết về KTNB đã có nhiều thay đổi khi KTNB được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò chủ động hơn trong môi trường kinh doanh luôn thay đổi.
Các định nghĩa được đề xuất thường được thảo luận với các quan điểm gây tranh cãi trong lý thuyết và thực tiễn trên khắp thế giới. Viện Kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (IIA) thường xuyên xuất bản các tiêu chuẩn cho nghề nghiệp KTNB và do đó, hình thành các thông lệ về chức năng của kiểm toán viên nội bộ (Grabmann., E. và Hofer., D. ,2014).
Các vấn đề cốt lõi về KTNB được quy định trong các văn bản quan trọng như Chuẩn mực về thực hành nghề nghiệp của KTNB, Khung thực hành nghề nghiệp quốc tế về KTNB (IPPF), Khung kiểm soát nội bộ theo chuẩn COSO, Khung quản trị rủi ro doanh nghiệp (DN) (ERM)… Các tài liệu này, đặc biệt là Chuẩn mực về thực hành nghề nghiệp của KTNB và Khung thực hành nghề nghiệp quốc tế về KTNB được áp dụng rộng rãi trên thế giới, là kim chỉ nam hoạt động KTNB.
Khung thực hành nghề nghiệp quốc tế về kiểm toán nội bộ:
IPPF là bộ tài liệu cung cấp các khuôn khổ khái niệm KTNB, các quy định và chuẩn mực hướng dẫn thực hành KTNB, vai trò, nhiệm vụ của KTNB trong DN cũng như các quy tắc đạo đức hành nghề đối với người làm kiểm toán viên nội bộ.
IPPF được giới thiệu và ban hành lần đầu vào năm 1978 bởi Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ-IIA, được sửa đổi nhiều lần qua các năm. Phiên bản cập nhật mới nhất vào đầu năm 2017 có nhiều thay đổi và ảnh hưởng đến công tác KTNB của các DN hiện nay.
Chuẩn mực về thực hành nghề nghiệp kiểm toán nội bộ:
Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ đã ban hành bộ chuẩn mực đầu tiên vào năm 1978, hầu như không thay đổi một thời gian dài và sau đó đã được chỉnh sửa hoàn toàn vào tháng 6/2001. Kể từ đó, bộ chuẩn mực này dần dần được nâng cao sau năm lần sửa đổi tiếp theo bao gồm cả lần sửa đổi mới nhất.
Trong bản sửa đổi gần nhất, Viện Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ không tạo ra thay đổi nào về Đạo luật về đạo đức hay định nghĩa của KTNB nhưng có một số thay đổi đáng lưu ý về nội dung như:
- Lần đầu tiên đưa ra ví dụ về báo cáo chức năng cho Ban giám đốc (chuẩn mực 1000).
- Yêu cầu báo cáo của KTNB cho nhà quản lý cấp cao và hội đồng quản trị phải bao gồm báo cáo về rủi ro đáng kể và các vấn đề kiểm soát, bao gồm cả rủi ro gian lận, vấn đề quản trị, và các vấn đề khác cần thiết hoặc theo yêu cầu của quản lý cấp cao và hội đồng quản trị (Chuẩn mực 2060).
- Tiếp tục xem xét KTNB là độc lập (và có khả năng cung cấp sự đảm bảo độc lập cho hội đồng quản trị) khi nó báo cáo mang tính chức năng đến hội đồng quản trị và báo cáo mang tính hành chính cho nhà quản lý.
- Nhấn mạnh vai trò của các giám đốc điều hành kiểm toán vẫn cần phải duy trì trong nội bộ và đảm bảo rằng, sự độc lập của giám đốc điều hành kiểm toán không bị ảnh hưởng đến các trách nhiệm điều hành khác của họ trong DN.
Một số xu hướng hiện đại về kiểm toán nội bộ
Bản chất, phạm vi của kiểm toán nội bộ đã có một số thay đổi trong thời gian gần đây. Cụ thể:
Thứ nhất, bản chất của KTNB có sự thay đổi, từ chỗ là một bộ phận thành một chức năng trong tổ chức.
Trước đây, KTNB được hiểu là một bộ phận được thiết lập bên trong một tổ chức. Cách hiểu này tồn tại suốt một khoảng thời gian dài và được tìm thấy trong nhiều phát biểu của giới nghiên cứu cũng như các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp liên quan. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây bắt đầu xuất hiện những quan điểm hiện đại về KTNB, trong đó tính “nội bộ” được nhìn nhận mở hơn.
Theo Viện Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (2010), KTNB là một chức năng độc lập trong nội bộ đơn vị: “KTNB là hoạt động xác nhận và tư vấn mang tính độc lập, khách quan được thiết lập nhằm tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả hoạt động của một tổ chức.
KTNB giúp cho tổ chức đạt được các mục tiêu của mình thông qua việc tạo ra một cách tiếp cận có hệ thống, có tính kỷ luật để đánh giá, nâng cao hiệu lực của quy trình quản trị DN, quy trình kiểm soát và việc quản lý rủi ro”.
Như vậy, quan điểm coi KTNB là một bộ phận được thiết lập bên trong một tổ chức không còn phù hợp nữa, đã có sự thay đổi khái niệm KTNB hiện đại theo hướng chuyển từ bộ phận KTNB sang KTNB, các tổ chức có thể hoàn toàn tự vận hành KTNB hoặc thuê ngoài thực hiện chức năng này (Nguyễn Thị Hồng Thúy, 2013).
Thứ hai, có sự thay đổi trọng tâm và mở rộng phạm vi của KTNB.
KTNB không chỉ hướng đến đánh giá thông tin trong quá khứ mà còn phải hướng đến đánh giá thông tin trong tương lai thông qua các dự báo và dự toán, không chỉ tập trung vào thông tin tài chính mà hướng đến các thông tin phi tài chính.
Đóng góp nổi bật của KTNB theo quan điểm mới là tạo ra giá trị gia tăng và cải thiện hoạt động của tổ chức xuất phát từ chức năng đảm bảo. Giá trị gia tăng được tạo ra thông qua việc cải thiện các cơ hội để đạt được mục tiêu của tổ chức, giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn thông qua việc kiểm tra, đánh giá và tư vấn.
Trọng tâm của KTNB chuyển sang tiếp cận rủi ro, KTNB trở thành cơ chế quản trị DN trung tâm. Phạm vi hoạt động của KTNB bao quát hơn liên quan tới kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và quản trị DN nhằm giúp nhà quản lý hoàn thành mục tiêu; hướng tới chức năng đảm bảo và tư vấn với tính chủ động và tập trung vào khách hàng.
Thứ ba, vai trò của KTNB ngày càng được quan tâm.
Những năm gần đây, sau các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các vụ bê bối liên quan đến sự sụp đổ của các công ty và tập đoàn lớn, vai trò của KTNB được quan tâm ngày càng tăng, KTNB trở thành cơ chế quản trị DN trung tâm, kiểm toán viên nội bộ được coi là những người chủ chốt trong tổ chức.
Về vai trò của KTNB, theo đại diện của Công ty kiểm toán PwC thì “xu hướng mới là DN ngày càng trông đợi KTNB phải trở thành cố vấn tin cậy giúp mang lại nhiều giá trị cho DN trong hoạt động tư vấn, thậm chí đối với những quyết định mang tính chiến lược. Nghĩa là, bộ phận KTNB không còn dừng ở vai trò giám sát tính tuân thủ nữa”.
Thậm chí, tại một số nước có thị trường chứng khoán phát triển như: Hoa Kỳ, Australia, các công ty niêm yết đều được yêu cầu phải có KTNB hiệu quả như một phần của cấu trúc quản trị. Điều này được ghi nhận rõ ràng trong các điều luật quan trọng như Đạo luật Sarbenes - Oxley (2002) của Hoa Kỳ.
Thứ tư, việc lựa chọn nhân sự cho KTNB từ bên ngoài đang trở thành xu hướng.
Một xu hướng về nhân sự cho KTNB đã nổi lên và đang ngày càng được các tổ chức cũng như giới nghiên cứu quan tâm đó là “thuê ngoài KTNB”. Điều này được nhận thấy rõ nét qua các nghiên cứu thực nghiệm về KTNB của nhiều tác giả ở thập niên 1980-1990 và cũng được thể hiện qua các báo cáo, quy định của các cơ quan tổ chức như Ủy ban Treadway (1987), Ủy ban COSO (1992) và Đạo luật Sarbanes Oxley (2002).
Thứ năm, xu hướng áp dụng mô hình quản trị hiện đại.
Các mô hình tổ chức KTNB phổ biến tại DN là: (i) Hoàn toàn tự lực; (ii) Tự lực một phần với hỗ trợ từ bên ngoài hoặc (iii) Thuê ngoài hoàn toàn.
Các DN, nhất là những tập đoàn kinh tế lớn có xu hướng thiết lập Ủy ban kiểm toán (UBKT), bên cạnh ủy ban tài chính và ủy ban tổ chức trực thuộc hội đồng quản trị. UBKT do thành viên hội đồng quản trị độc lập trực tiếp phụ trách, quản lý trực tiếp KTNB của DN, thực hiện chức năng giám sát hội đồng quản trị và ban giám đốc.
UBKT và KTNB có đầy đủ quyền lực, có nguồn lực và vị thế độc lập để thực hiện tốt vai trò giám sát của mình. Đây là cách thức quản trị theo chuẩn mực quốc tế, đi theo mô hình một cấp.
Vài nét về kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp Việt Nam
KTNB được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng của DN, có vai trò hỗ trợ DN trong việc ứng phó với các rủi ro, tận dụng cơ hội để tối ưu hóa kết quả hoạt động. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, KTNB vẫn còn khá mới mẻ, chưa được nhận thức và đầu tư đúng mức; chưa được tổ chức một cách bài bản và có hệ thống theo chuẩn quốc tế.
Về khuôn khổ pháp lý liên quan đến kiểm toán nội bộ:
Trong hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực KTNB, Quyết định số 832/TC/QĐ-CĐKT ngày 28/10/1997 của Bộ Tài chính và các thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định này cho đến nay vẫn là văn bản mang tính pháp lý cao nhất.
Việt Nam chưa có một khung hành nghề chuẩn về KTNB, các chuẩn mực cũng như hướng dẫn chung về quy trình KTNB chưa được ban hành, chủ yếu áp dụng theo chuẩn của quốc tế. Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ kiểm toán viên nội bộ, kiểm soát viên nội bộ còn thiếu. Khuôn khổ pháp lý về kiểm soát và KTNB mới chỉ tập trung vào các DN đặc thù.
Đến nay, Việt Nam mới chỉ có quy định trách nhiệm của đơn vị có lợi ích công chúng trong việc xây dựng và vận hành hệ thống KSNB, tổ chức KTNB trong Luật Kiểm toán độc lập 2011, đề cập đến KTNB trong Luật Kế toán 2015. Đáng kể nhất là việc ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
Nghị định này đã có nhiều thay đổi so với Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 27/6/2012 của Bộ Tài chính nhằm hướng đến các thông lệ quốc tế về quản trị DN, tăng cường tính minh bạch của thông tin và tính hiệu quả và hiệu suất của hội đồng quản trị và ban điều hành, giảm thiểu xung đột về lợi ích và bảo vệ lợi ích của cổ đông tốt hơn.
Hiện nay, Dự thảo Nghị định về KTNB cũng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ cho ý kiến và trong thời gian tới nếu được ban hành cũng sẽ giúp chuẩn hoá định nghĩa, vị trí, vai trò, nhiệm vụ và phương pháp thực hiện KTNB.
Về nhận thức của nhà quản trị doanh nghiệp với kiểm toán nội bộ:
Phần lớn các DN Việt Nam vẫn chưa thực sự hiểu rõ bản chất, chức năng, vai trò của KTNB trong DN; không ít DN vẫn nhầm lẫn giữa KTNB với các loại hình kiểm tra, kiếm soát khác trong DN như kiểm soát nội bộ, ban kiểm soát, giám sát độc lập... Điều này dẫn đến sự chồng chéo trong hoạt động giữa bộ phận liên quan.
Về số lượng, chất lượng của đội ngũ kiểm toán viên nội bộ:
Hiện nay, Việt Nam đang bị thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực KTNB đạt chuẩn quốc tế. Phần lớn đội ngũ kiểm toán viên nội bộ hiện hành được tuyển dụng từ các ngành nghề khác như kiểm toán độc lập, kế toán hay kiểm soát hoặc được bổ nhiệm và luân chuyển từ các bộ phận khác trong nội bộ của tổ chức.
Chất lượng nhân lực chưa đạt yêu cầu. Việt Nam mới chỉ có 50 người sở hữu chứng chỉ CIA trên tổng số 30.000 người có CIA ở châu Á và 115.000 người trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, hầu hết các kiểm toán viên nội bộ chỉ được đào tạo trung bình từ 21-40 giờ mỗi năm, trong khi thực tế yêu cầu thời gian đào tạo tối thiểu đối với một kiểm toán viên nội bộ là 40-80 giờ. Đó là thách thức lớn đối với phát triển lĩnh vực KTNB theo yêu cầu hội nhập.
Để kiểm toán nội bộ của Việt Nam
tiệm cận thông lệ quốc tế
Yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế đặt ra cho các DN Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện, yếu tố để phát triển KTNB tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Một số vấn đề cần chú trọng như sau:
Về khuôn khổ pháp lý:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về KTNB, tiệm cận chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai, về định hướng, Việt Nam không biên soạn chuẩn mực kiểm toán nội bộ riêng mà sẽ áp dụng chuẩn mực KTNB quốc tế theo hướng nghiên cứu và hướng dẫn vận dụng chuẩn mực kiểm toán nội bộ quốc tế do Viện Kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (IIA) ban hành.
Thứ ba, sớm ban hành Nghị định về KTNB; nghiên cứu, xây dựng và ban hành Quy chế mẫu về KTNB; đồng thời, xây dựng tài liệu, cẩm nang hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này trên cơ sở thông lệ quốc tế.
Thứ tư, cần có quy định tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với kiểm toán viên nội bộ; phân định rõ KTNB và KSNB. Về đạo đức, bên cạnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, cần thiết ban hành kèm quy chế kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, nhằm đảm bảo việc thực hiện được minh bạch.
Về nhận thức:
Thứ nhất, các DN, lãnh đạo DN cũng như cơ quan quản lý chức năng cần nhận thức và cập nhật các quan điểm, xu hướng mới về KTNB trên thế giới; hiểu được bản chất, tầm quan trọng, vai trò của KTNB trong môi trường kinh doanh hiện nay.
Thứ hai, trong mỗi DN, nhà quản trị cần nghiên cứu, hiểu rõ đặc thù của DN và nhu cầu về KTNB. Trong đó, cần quan tâm đến tính độc lập và khách quan của KTNB và cơ cấu báo cáo cũng như phạm vi hoạt động của KTNB.
Thứ ba, công tác thông tin tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm giúp các DN nâng cao nhận thức về vai trò của KTNB và thiết lập KTNB hướng tới quản trị rủi ro, coi quản trị rủi ro là vấn đề ưu tiên trong quá trình thiết kế hệ thống kiếm soát KTNB của DN.
Về nguồn nhân lực:
Luật pháp cho phép các tổ chức, DN nếu không đủ năng lực thực hiện kiểm toán nội bộ có thể thuê ngoài dịch vụ này. Tuy nhiên, việc lựa chọn giữa việc sử dụng KTNB tại chỗ hay thuê ngoài phụ thuộc vào sự cân nhắc giữa lợi ích và hạn chế của việc thuê ngoài (Nguyễn Thị Hồng Thúy, 2013).
Công tác đánh giá năng lực của đội ngũ KTNB cũng cần phải được thực hiện thường xuyên, để phù hợp với những thay đổi thực tế trong nước và quốc tế. Do vậy, trong thời gian tới DN cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho KTNB, để các kiểm toán viên không chỉ giỏi về kiến thức chuyên môn mà còn có thêm kỹ năng và bản lĩnh trong giải quyết công việc.
Mô hình và vị trí thẩm quyền của kiểm toán nội bộ:
Để đảm bảo tính độc lập cao nhất, DN cần có một UBKT với các thành viên độc lập và có chuyên môn về kế toán, kiểm toán chịu trách nhiệm giám sát các chức năng liên quan đến rủi ro, tuân thủ, kế toán và kiểm toán của đơn vị.
Thông qua UBKT, KTNB thực hiện báo cáo hành chính đến Ban giám đốc - người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc điều hành đơn vị và báo cáo trách nhiệm chuyên môn cho cơ quan giám sát định hướng.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt được xem như là trường hợp tiên phong trong việc áp dụng thành công mô hình KTNB chuẩn quốc tế.
Theo đó, KTNB của tập đoàn là trực thuộc HĐQT với chức năng cung cấp những đánh giá độc lập, khách quan về hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và quản trị DN báo cáo cho cho HĐQT và Tổng giám đốc trên cơ sở hoạt động đảm bảo và tư vấn.
Hơn thế, để đảm bảo độ tin cậy của một số chỉ số trên Báo cáo Phát triển bền vững năm 2016, Khối KTNB của Tập đoàn đã thực hiện việc KTNB nhằm đảm bảo một số chỉ số phát triển bền vững.
Đồng thời, đưa ra các ý kiến đánh giá độc lập, khách quan về các chỉ số phát triển bền vững liên quan đến phạm vi đánh giá dựa trên các thủ tục đã được quy định tại Quy trình KTNB và các Chuẩn mực KTNB quốc tế, các hướng dẫn của Viện KTNB Hoa Kỳ công bố.
(Bài báo là sản phẩm của đề tài NCKH năm 2017, mã số ĐH2017-TN08-10, CNĐT: ThS. Nguyễn Thị Tuân).
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán;
2. Bộ Tài chính (2016), Nghị định 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định một số điều của Luật Kế toán;
3. Chính phủ (2017), Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng;
4. Nguyễn Thị Hồng Thúy (2013), Một số vấn đề về lựa chọn thuê ngoài dịch vụ KTNB, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 196 (II), tháng 10/2013;
5. Thủy Ngọc (2017), KTNB: Áp lực chuyển dịch, Nhịp cầu Đầu tư.