Tiếp thêm lực đẩy cho DATC phát triển
Chính phủ ban hành Nghị định số 129/2020/NĐ-CP được đánh giá là bước đột phá, nâng cao vị trí pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) phát huy vai trò, thế mạnh của mình trên thị trường mua bán nợ.
Tại Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 về việc thành lập Công ty Mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (nay là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam - DATC), nêu rõ một trong những mục tiêu trọng tâm của DATC là góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
Trong suốt 17 năm hoạt động, DATC luôn hoàn thành tốt mục tiêu do Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động phát triển, “chiếc áo” pháp lý đối với DATC đã “quá chặt”, không phù hợp với thực tiễn, làm hạn chế khả năng hoạt động của Công ty. Các yêu cầu đặt ra là cần mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao năng lực pháp lý, hoàn thiện cơ chế mua bán nợ cho DATC.
Theo đó, DATC cần được mở rộng phạm vi kinh doanh không chỉ là nợ xấu, mà bao gồm cả tài sản nợ đọng, dự án dở dang, dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác. Cùng với đó, DATC được bổ sung chức năng để phát triển ngành nghề, hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính, mở rộng ngành nghề kinh doanh mới; qua đó, hỗ trợ trực tiếp hoạt động chính là mua bán xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp.
DATC được mở rộng thêm khi được bổ sung thêm đối tượng tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước sẽ làm giảm bớt lãng phí, thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước và tạo thêm các phương án xử lý linh hoạt, đa dạng và có hiệu quả đối với các đối tượng này.
Việc bổ sung quyền cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh cho các doanh nghiệp được DATC tham gia tái cơ cấu sẽ giúp các doanh nghiệp là đối tượng được DATC hỗ trợ (có vốn góp chi phối của DATC) đang gặp khó khăn về tài chính, thua lỗ có thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh.
Thực tế hiện nay, trên thị trường xử lý nợ xấu có 2 công ty thuộc Chính phủ là DATC và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Trong khi VAMC chủ yếu mua nợ chủ yếu là chuyển nợ từ ngân hàng sang để giảm tạm thời nợ xấu nội bảng cho ngân hàng, thì DATC là công cụ tài chính của Chính phủ, tham gia mua bán, xử lý nợ, sắp xếp, tái cơ cấu trực tiếp nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Đây cũng là mô hình phổ biến ở nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay cơ chế cho DATC vẫn còn những vướng mắc, chưa tương xứng với vai trò, kỳ vọng. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa vai trò của DATC như là một công cụ tài chính của Chính phủ tham gia hiệu quả hơn vào phát triển thị trường mua bán nợ, cũng như tái cơ cấu doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Hiện nay, VAMC là tổ chức xử lý nợ các ngân hàng thương mại có nhiều cơ chế đặc thù trong hoạt động mua bán xử lý nợ, mà các tổ chức mua bán xử lý nợ khác trên thị trường đều không có.
Hiện nay, VAMC là tổ chức xử lý nợ các ngân hàng thương mại có nhiều cơ chế đặc thù trong hoạt động mua bán xử lý nợ, mà các tổ chức mua bán xử lý nợ khác trên thị trường đều không có.
Điển hình như: Các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ban hành ngày 21/6/2017 hay trong chính cơ chế hoạt động của VAMC quy định các tổ chức tín dụng có trách nhiệm bán nợ xấu cho VAMC. Bên cạnh đó, VAMC được hỗ trợ thông qua một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, có giá trị pháp lý cao (Nghị quyết của Quốc hội, Luật Tổ chức tín dụng, nghị định, thông tư, thông tư liên tịch...) và liên tục được sửa đổi hoàn thiện hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động mua bán, xử lý nợ.
Trong khi đó, Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27/10/2020 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động DATC tuy cơ chế hoạt động còn rất khiêm tốn so với cơ chế hoạt động của VAMC nhưng là văn bản pháp luật cao nhất của DATC tính tới thời điểm hiện tại. Bước đầu nâng cao được vị thế về mặt pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động của DATC.
Nếu cơ chế hoạt động của DATC được mở ra tương tự với cơ chế hoạt động của VAMC, DATC sẽ phát huy được tối đa năng lực để nâng cao vị thế, vai trò trong lĩnh vực mua bán xử lý nợ trong nền kinh tế. Ngoài ra, DATC cũng cần có thêm các cơ chế mới tạo điều kiện áp dụng các phương thức xử lý nợ tiên tiến, đạt hiệu quả cao như: Mua bán xử lý nợ theo lô, chia sẻ lãi lỗ… Do đó, trong tương lai cần được tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách để tiếp cận nhiều hơn các cơ chế, chính sách tương tự như VAMC.
Bên cạnh đó, Nghị định số 129/2020/NĐ-CP tiếp tục đưa ra mục tiêu trọng tâm cho DATC là “hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, do Nhà nước nẵm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản”. Trong khi đó, một trong những mục tiêu của Chính phủ hiện nay là mở rộng và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, kêu gọi các doanh nghiệp trong cũng lĩnh vực thực hiện mua bán xử lý nợ của nền kinh tế. Quy mô nợ xấu ngày càng tăng nên càng cần có nhiều nguồn lực để xử lỷ, trong thực tế thì DATC là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực mua bán xử lý nợ trên thị trường hiện nay.
Mặt khác, có thể thấy, theo kế hoạch cổ phần hóa DNNN của Chính phủ cơ bản sẽ hoàn thành vào năm 2025, khi đó đối tượng để DATC hỗ trợ sẽ không còn nhiều. Do đó, sau khi DATC hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu các DNNN, DATC sẽ tập trung nguồn lực cho hoạt động mua bán nợ theo cơ chế thị trường để có thể phát huy hết tiềm lực hỗ trợ nền kinh tế.