Tiếp tục hoãn xử vụ án lừa bán đất tại Dự án Thanh Hà

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Ngày 18/6, Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Dự án Khu đô thị Thanh Hà A. Phiên tòa dự kiến kéo dài hơn 1 tuần, tuy nhiên, ngay sau thủ tục bắt đầu phiên tòa, Hội đồng Xét xử (HĐXX) đã quyết định hoãn phiên xử, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

 Tiếp tục hoãn xử vụ án lừa bán đất tại Dự án Thanh Hà
Phối cảnh Dự án Thanh Hà A. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Đây là vụ án lớn, từng gây chấn động dư luận do số bị hại lớn và số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 800 tỷ đồng và vụ án có liên quan đến nhiều doanh nghiệp. Lý do HĐXX hoãn phiên tòa, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung là do vụ án có 429 bị hại, nhưng chỉ có 150 bị hại có ủy quyền cho đại diện tham dự phiên tòa, nhiều bị hại chưa có lời khai. Đây là lần thứ hai vụ án này bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trước đó, vào tháng 11/2012, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án này.

Các bị cáo trong vụ án này gồm Lê Hòa Bình (sinh năm 1954), nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty 1/5; Nguyễn Thị Kim Thoa (sinh năm 1965), nguyên Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty; Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1972), nguyên Tổng giám đốc Công ty 1/5; Đào Duy Phong (sinh năm 1958), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần (CTCP) Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (sinh năm 1972) và bị truy tố với các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài đảm nhiệm các chức vụ quan trọng ở Công ty 1/5, Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa còn nắm giữ quyền điều hành, chỉ đạo 3 công ty khác. Các công ty này đều sử dụng chung một trụ sở, chung hệ thống kế toán, sổ sách.

Theo tài liệu điều tra, ngày 19/1/2010, Công ty 1/5 ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Phát triển địa ốc CIENCO5 (CIENCO5). Theo đó, Công ty 1/5 cho CIENCO5 vay 200 tỷ đồng, đổi lại, Công ty 1/5 được ưu tiên thực hiện hợp tác đầu tư vào Khu đô thị Thanh Hà A (thuộc quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, Hà Nội), có diện tích 55.000 m2.

Ngay sau đó, Bình lập tức chỉ đạo cấp dưới huy động tiền đặt cọc mua quyền sử dụng đất từ các cá nhân có nhu cầu với tỷ lệ 30% giá trị thửa đất. Từ ngày 1-4/2/2010, Công ty 1/5 đã ký 7 hợp đồng bán quyền sử dụng đất, tương đương 12,3 tỷ đồng dưới dạng góp vốn vào Công ty. Trước đó, ngày 31/1/2010, do Công ty 1/5 không thực hiện nghĩa vụ cho vay vốn đối với CIENCO5 theo đúng quy định là sau 5 ngày ký kết hợp đồng, chủ đầu tư Khu đô thị Thanh Hà A đã có văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng hợp tác nói trên. Dù vậy, Bình và đồng bọn vẫn bưng bít thông tin, tiếp tục sử dụng hợp đồng cho CIENCO5 vay vốn cùng một số giấy tờ thỏa thuận khác để lừa khách hàng.

Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa chỉ đạo nhân viên thu thập các bản đồ quy hoạch sử dụng đất của Dự án ngoài luồng, không có giá trị pháp lý để cung cấp cho khách hàng lựa trọn vị trí và đăng ký mua. Sau đó, Bình và Thoa chỉ đạo nhân viên dùng kỹ thuật vi tính in thành bản trích lục vị trí lô đất rồi Bình ký tên, đóng dấu; đính kèm vào “hợp đồng giao vốn” đem ra ký kết với những người có nhu cầu mua đất. Không chỉ sưu tầm bản đồ quy hoạch ngoài luồng, Bình và Thoa còn tự ý chia nhỏ các lô đất trong Dự án Thanh Hà A đem bán, kể cả những lô đất nằm ngoài thỏa thuận ban đầu với CIENCO5.

Kết quả điều tra xác định, kể từ khi CIENCO5 ra thông báo hủy bỏ sự hợp tác với Công ty 1/5 đến ngày 12/4/2010, Bình và cấp dưới đã ký tổng cộng 463 hợp đồng giao vốn (thực chất là mua quyền sử dụng đất tại Dự án Thanh Hà A) với tổng diện tích hơn 80.000 m2, tương đương hơn 789 tỷ đồng. Trong hành vi lừa đảo này, mặc dù Nguyễn Mạnh Cường không bàn bạc với Bình và Thoa, song với cương vị Tổng giám đốc, ông ta biết rõ thủ đoạn lừa đảo nhưng vẫn ký nhận hơn 11 tỷ đồng của những người mua đất.

Gần 800 tỷ đồng của 429 bị hại, những người đã ký hợp đồng và giao tiền cho Bình và đồng phạm đi đâu, đã được sử dụng như thế nào? Cơ quan cảnh sát điều tra xác định Bình và đồng phạm sử dụng hơn 398,4 tỷ đồng vào các mục đích khác nhau; trong đó, chi 264,2 tỷ đồng để mua 24 triệu cổ phần tại CTCP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương, chi 10 tỷ đồng mua cổ phần của CTCP Lilama SHB, trả nợ ngân hàng và chi tiêu cá nhân… Khi vụ án được khởi tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phong tỏa tài khoản của 2 công ty liên quan đến bị cáo Bình với số tiền 402,5 tỷ đồng. Số tiền chưa thu hồi được là 199,1 tỷ đồng.

Liên quan đến giao dịch mua cổ phần của CTCP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương, cơ quan điều tra làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của bị cáo Đào Duy Phong. CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) là cổ đông sở hữu 50,5% tổng số cổ phần. CTCP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương được cấp phép xây dựng dự án Tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza, tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Do dự án này gặp một số khó khăn nên PVP Land có chủ trương thoái vốn. Thông qua sự môi giới của bị cáo Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình tìm gặp lãnh đạo PVP Land đặt vấn đề mua lại toàn bộ cổ phần của công ty này tại CTCP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương.

Để hưởng lợi cá nhân 10 tỷ đồng, Đào Duy Phong, cựu Chủ tịch HĐQT PVP Land đã chỉ đạo nguyên giám đốc PVP Land bán hơn 12 triệu cổ phiếu, với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế cũng như Nghị quyết của HĐQT.