Tiếp tục siết dần tín dụng ngoại tệ
Với lượng ngoại tệ mua vào lớn, dự trữ ngoại hối tăng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách siết dần tín dụng bằng ngoại tệ trong năm nay.
Chuyển dần quan hệ vay - gửi sang mua - bán USD
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang mua vào một lượng khá lớn ngoại tệ, dù mức mua không dồn dập như năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước dự kiến mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 sẽ tương tự năm 2018 (14%). Tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong năm 2019, lãi suất tiền gửi USD vẫn là 0%.
Cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú. Thông tư nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Thông tư trên quy định, các tổ chức tín dụng được cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước, khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.
Cũng theo Thông tư 42, các tổ chức tín dụng được cho vay trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
Đi kèm quy định trên, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nhấn mạnh định hướng lâu dài là chuyển dần quan hệ vay - gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ, chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa.
Chống tình trạng đô la hóa
Ổn định giá trị VND đóng vai trò then chốt
Theo Ngân hàng Nhà nước, để thu hút được nguồn lực không phải VND vào sản xuất - kinh doanh, thì việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị VND đóng vai trò then chốt. Khi VND có giá trị ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, thì các nhu cầu tích trữ dự phòng tài sản bằng ngoại tệ, vàng sẽ giảm và nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên. NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao vị thế VND, củng cố niềm tin của người dân vào VND.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trước đây, do lạm phát luôn ở mức cao, nên tình trạng đô la hóa của Việt Nam ở mức báo động. Lượng tiền gửi ngoại tệ so với tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2007-2011 ở mức trên 20%.
Đồng thời, hiện tượng mua bán, thanh toán và găm giữ ngoại tệ tiền mặt khá phổ biến, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức ở mức cao, tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối chính thức và ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá và tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước sụt giảm mạnh. Điều này dẫn đến sự bất ổn về tỷ giá và thị trường ngoại hối và đây là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn về kinh tế vĩ mô.
Trước thực trạng đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra gói giải pháp đồng bộ để ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế VND, trong đó có chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%.
Từ sau khi áp dụng chính sách trên, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm (tỷ lệ đô la hóa giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm ngày 31/12/2017), hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm hơn 6 tỷ USD trong năm 2018 để tăng dự trữ ngoại hối. Về cơ bản, chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm không tác động bất lợi đến các luồng vốn vào như FII, FDI và kiều hối. Các luồng vốn vào ổn định và có sự tăng trưởng khả quan qua các năm.
Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn khuyến cáo, doanh nghiệp hút được vốn rẻ khi vay ngoại tệ, nhưng cũng cần thận trọng khi lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa dừng trong năm nay và thời gian tới.
Việc xác định tiếp tục cho vay ngoại tệ ngắn hạn, ít nhất là đến hết tháng 3/2019 là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Định hướng lâu dài của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục chọn lọc đối tượng vay ngoại tệ, dù vẫn gia hạn cho vay, đồng thời thực hiện chủ trương chống đô la hóa, giảm găm giữ ngoại tệ.