Tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bích Hà

Năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn.

Trong quý I/2025, cả nước có 36.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 356.800 tỷ đồng.
Trong quý I/2025, cả nước có 36.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 356.800 tỷ đồng.

Kiên định mục tiêu tăng trưởng năm 2025

Theo số liệu, kinh tế Việt Nam trong quý I/2025 vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá ấn tượng. GDP ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I của các năm trong giai đoạn 2020 - 2025.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2025 ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 202,52 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,03% so với tháng trước, cho thấy lạm phát được kiểm soát ở mức tương đối ổn định. CPI bình quân quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước, vẫn nằm trong mục tiêu đề ra. Việc kiểm soát lạm phát giúp tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện trong quý I/2025 ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/3/2025 đạt 10,98 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Tình hình phát triển doanh nghiệp trong nước cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Trong quý I/2025, cả nước có 36.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 356.800 tỷ đồng.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2025 đạt hơn 72.900 doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cho thấy sự phục hồi và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Tình trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận xuất xứ diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin người tiêu dùng và môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, các chính sách thuế mới của Hoa Kỳ và căng thẳng thương mại toàn cầu cũng tiềm ẩn rủi ro đối với dòng vốn và thương mại quốc tế của Việt Nam.

Để duy trì đà tăng trưởng và vượt qua các thách thức, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, cần tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ tình trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận xuất xứ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của hàng hóa Việt Nam.

Giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Công điện nêu rõ, từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, triển vọng kinh tế thế giới suy giảm… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu phát triển đặt ra, theo đề xuất của Chính phủ, Trung ương, Bộ Chính trị đã có kết luận điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo, trên cơ sở đó Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Kết luận, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục làm mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống bao gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Cùng với đó, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí… thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới.

Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển; trong đó, xây dựng phương án huy động tối đa nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cho đầu tư phát triển; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

 

Nghị quyết số 192/2025/QH15 của Quốc hội về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 chỉ rõ, mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.