Tiếp tục tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng
(Tài chính) Chính phủ vừa có “Báo cáo tình hình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng” gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tái cơ cấu
Sau khi phê duyệt Đề án, ngày 19/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số nhiệm vụ triển khai trong ba năm 2013-2015 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Chỉ thị đã xác định danh mục gồm 58 nhiệm vụ cụ thể ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2015, chỉ định cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn hoàn thành và kết quả phải đạt được.
Theo Báo cáo của Chính phủ, đa số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; đã xây dựng và thông qua Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên phạm vi địa phương. Trong đó, có một số điển hình hay sáng kiến đáng ghi nhận về cải thiện môi trường kinh doanh (Hà Nam), về phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế (Bắc Ninh) hay thực hiện tái cơ cấu một số chuỗi ngành hàng nông nghiệp (Đồng Tháp...
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Nghị quyết đã xác định 4 định hướng lớn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đó là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường; tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín đầu tư phát triển thị trường tài chính; đồng thời, chú ý đến các dự án đầu tư quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành, địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với nhau và với các doanh nghiệp trong nước; thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với từng vùng, từng ngành, phát huy lợi thế của từng địa phương thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế.
Nhiều địa phương đã vận động, xúc tiến đầu tư có chủ đích, có địa chỉ cụ thể; thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, một cách có chọn lọc (về nhà đầu tư, ngành nghề đầu tư và dự án đầu tư,.v.v…) phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương giai đoạn 2011-2020; tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu vào các ngành có lợi thế cạnh tranh, có tác động lan tỏa lớn đến phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Các địa phương đã và đang rà soát, đánh giá, phân loại dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư; thực hiện thu hồi các dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, các dự án vi phạm các quy định về quản lý nhà nước đối với đầu tư, không triển khai thực hiện đúng tiến độ như đã cam kết.
Tập trung phát triển 6 ngành ưu tiên
Để phát huy lợi thế và thúc đẩy tái cơ cấu ngành, gắn doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, ngày 1/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1043/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hành động phát triển 6 ngành ưu tiên phát triển, bao gồm: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.
Chính phủ cho biết, các bộ đều đang triển khai các công việc được giao đúng tiến độ và đạt được kết quả bước đầu trên một số mặt. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đang rà soát điều chỉnh cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, miền và cung cầu của thị trường; điều chỉnh cơ cấu đầu tư công trong nông nghiệp; xây dựng cơ chế khuyến khích kêu gọi đầu tư tư nhân, tập trung hoàn thành chính sách đầu tư PPP trong nông nghiệp; rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, sản phẩm; thí điểm triển khai thực hiện tái cơ cấu, tổ chức các chuỗi sản xuất một số nông sản gắn với thị trường tiêu thụ tại một số địa phương.
Bộ Công Thương đã thực hiện một bước lộ trình áp dụng cơ chế giá thị trường đối với than, điện, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong giá các sản phẩm nói trên, trừ các đối tượng thuộc trợ cấp xã hội. Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu, đổi mới tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, không chỉ đối với ngành điện, than và các khoáng sản khác, mà cả đối với các ngành có liên quan như thép, xi măng...
Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu ngành giao thông vận tải do Bộ trưởng làm Trưởng ban; đã xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó, chú trọng huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách, và đang triển khai thực hiện có kết quả. Đến nay, đã kêu gọi được một số nhà đầu tư và đồng loạt khởi công tất cả 17 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A, 03 dự án BOT mở rộng quốc lộ 14, dự án hầm đường bộ Đèo Cả, dự án BOT xây dựng cầu Cổ Chiên, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Quốc lộ 51 đoạn Biên Hòa –Vũng Tàu, Quốc lộ 20, Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, dự án cải tạo mặt đường Quốc lộ 5, cảng hàng không Cát Bi, Hải Phòng,.v.v.. với tổng vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng.
Cải thiện hiệu quả sử dụng vốn
Chính phủ tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt và hiệu quả; nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định và tiếp tục được củng cố vững chắc; lạm phát đã giảm từ 18,13% năm 2011 xuống 6,3% vào tháng 9/2013 so với cùng kỳ năm ngoái; dự trữ ngoại hối gia tăng đáng kể, tỷ giá tiếp tục giữ ổn định.
Những giải pháp cơ cấu lại tín dụng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng đã trở nên rõ nét. Chính phủ đã thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng có mục tiêu đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; đã liên tục và chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và biến động hàng tháng của lạm phát, kể cả lãi suất đối với tín dụng đã cấp vào thời kỳ lãi suất cao. Nhờ đó, đến tháng 8/2013, các khoản tín dụng có lãi suất thấp hơn 13%/năm chiếm khoảng 75% tổng tín dụng, tăng gần 42% so với đầu năm 2012; các khoản tín dụng có lãi suất từ 13-15% chiếm 13%/năm chiếm gần 17%, giảm hơn 29% so với đầu năm 2012.
Về thị trường bất động sản, đã bước đầu thực hiện các giải pháp điều chỉnh cơ cấu nguồn cung theo hướng tăng cung nhà ở xã hội, nhà ở phổ thông; đồng thời, thực hiện gói tín dụng có giá trị 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và hộ gia đình có thu nhập thấp có được nhà ở phù hợp, góp phần làm “ấm” dần thị trường, nhất là phân khúc thị trường nhà ở bình dân.
Nhờ thực hiện các giải pháp nói trên, đã bước đầu cải thiện được hiệu quả sử dụng vốn, kiềm chế được các phương thức theo đuổi tăng trưởng theo chiều rộng bằng cách gia tăng số lượng đầu tư và số lượng tín dụng mà không quan tâm đến việc cải thiện hiệu quả sử dụng vốn.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội và đã thông qua nhiều dự án luật quan trọng. Các loại thuế được điều chỉnh theo hướng giảm kết hợp với liên tục giảm lãi suất tín dụng xuống mức hợp lý là những giải pháp có tác động vừa giảm gánh nặng tài chính trước mắt, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh hiện tại; vừa khuyến khích đầu tư phát triển ổn định lâu dài, góp phần thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.