Tiêu chí ngân hàng yếu chưa minh bạch

Theo Báo Đầu tư

“Với cách làm hiện nay, tôi không tin rằng từng bộ ngành có thể tái cấu trúc thành công, kể cả hệ thống ngân hàng, DNNN hay đầu tư công”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Tiêu chí ngân hàng yếu chưa minh bạch

Tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, lãi suất cao là nhóm vấn đề nóng bỏng nhất nổi lên trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 30/10 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, năm 2013, chính sách tiền tệ phải tập trung vào xử lý nợ xấu, vì đây là vòng kim cô đang làm “chết” nhiều DN. Hiện nay, tình trạng vượt trần lãi suất đang quay lại khiến DN không còn được vay vốn với lãi suất 15%, phải chịu nhiều khoản phí khi vay vốn. Nếu NHNN không kiểm tra, làm rõ và xử lý tình trạng này, DN sẽ không vay được vốn, tín dụng không thể tăng trưởng được.

Vấn đề tái cơ cấu ngân hàng cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, lộ trình tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua diễn ra quá chậm chạp. Trong khi đó, một số đại biểu đánh giá cao những động thái gần đây của NHNN về xử lý ngân hàng yếu kém, song đề nghị cần công khai, minh bạch hơn trong quá trình xử lý.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: “NHNN cần công khai tiêu chí các ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu. Nếu không công khai, việc xử lý ngân hàng yếu kém, dù minh bạch đến đâu cũng vẫn bị nghi ngờ”. Đại biểu này cũng cho rằng, cần xây dựng chương trình tái cơ cấu 3 năm 2013-2015 chứ không thực hiện theo kiểu “ăn đong” từng năm một. Theo đó, các mục tiêu và nguồn lực thực hiện sẽ được xây dựng trước cho cả giai đoạn. Ngoài ra, để tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả, cần thành lập một Ủy ban tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu.

“Với cách làm hiện nay, tôi không tin rằng từng bộ ngành có thể tái cấu trúc thành công, kể cả hệ thống ngân hàng, DNNN hay đầu tư công”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Cũng lo lắng về nợ xấu, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các giải pháp để xử lý nợ xấu. Bởi đây là cục máu đông cản trở sự phát triển kinh tế, sự phục hồi của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Dể giải quyết nợ xấu, đại biểu Dương Hoàng Hương đồng tình với giải pháp thành lập Công ty mua bán nợ xấu. Song trước hết, các tổ chức tín dụng phải nâng cao tinh thần tự chịu trách nhiệm, phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng nợ xấu đầy đủ…

Không tán thành hoàn toàn cách giải quyết này, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, việc thành lập Công ty mua bán nợ xấu chỉ chuyển nợ xấu từ hệ thống ngân hàng ra ngoài hệ thống này mà chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Do đó, để giải quyết căn cơ nợ xấu, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. “Một nền kinh tế lành mạnh sẽ khiến nợ xấu giảm, hàng tồn kho giảm. Trước mắt, cần xem xét kích cầu kinh tế để giảm tồn kho”, ông Bùi Đức Thụ kiến nghị.

Ngoài các ý kiến trên, phát biểu tại hội trường sáng 30/10, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thời gian tới NHNN cần quyết liệt trong tái cơ cấu ngân hàng, gấp rút xử lý nợ xấu, hạ tiếp lãi suất cho vay, tăng tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là cho vay bất động sản để góp phần làm ấm thị trường bất động sản…

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) khẳng định: “DN Việt Nam đang chịu thiệt thòi quá nhiều so với khu vực, mặt bằng lãi suất của năm 2011 là 17%, cao gấp đôi, gấp ba một số nước trong khu vực, dẫn tới giá thành sản xuất quá cao cao, mất tính cạnh tranh. Hệ thống ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc”.

Liên quan đến thị trường vàng, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, NHNN phải chú trọng ổn định thị trường vàng, không được coi thường thị trường vàng. Theo đại biểu này, thời gian qua, chúng ta đã thiếu cân nhắc trong chính sách quản lý vàng, “hoãn tới hoãn lui” việc cho phép ngân hàng được huy động vàng.