Tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy - tiêu chí quan trọng khi phát triển căn hộ cao tầng
Tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy đang trở thành tiêu chí quan trọng trong chiến lược phát triển căn hộ cao tầng của các chủ đầu tư bất động sản.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản ngay lập tức đưa ra cảnh báo sau vụ cháy tại chung cư Carina Plaza (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) rằng, người mua nên cẩn trọng với việc cò đất, đầu nậu nhân sự việc này "thổi giá" đất nền. Cảnh báo này không thừa, vì ở một vài khu vực giáp ranh TP. Hồ Chí Minh, giá đất nền đang tăng, tại các sự kiện mở bán dự án, hàng trăm khách hàng chen chân giành suất đầu tư.
Điều này cho thấy, nhu cầu bỏ tiền vào bất động sản của người dân là có thực và sự cố cháy nhà cao tầng trên phạm vi cả nước vừa qua dù nhiều hay ít cũng ảnh hưởng đến tâm lý người mua.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), tình trạng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khoảng từ 3 - 6 tháng, bởi về lâu dài, với quỹ đất hạn hẹp, khó có thể phát triển loại hình nhà thấp tầng, nên căn hộ chung cư vẫn là xu hướng tất yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh.
Nâng chuẩn phòng cháy chữa cháy cho căn hộ
Liên quan đến vấn đề này, người đứng đầu HoREA nêu ra dẫn chứng, như trường hợp của Singapore, 80% dân số nước này hiện sống trong các căn hộ chung cư nhưng tính an toàn vẫn được đảm bảo, bởi thiết kế hệ thống đạt quy chuẩn về chất lượng, đồng thời trong quá trình đưa các tòa nhà vào vận hành, từ chủ đầu tư, đơn vị quản lý cho đến cư dân đều tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy. Đó là chưa kể việc tập huấn về phòng cháy chữa cháy cho cư dân cũng được tiến hành thường xuyên nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra.
Giải pháp sắp tới là cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu quy chuẩn, tiêu chuẩn để điều chỉnh công tác PCCC an toàn hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chủ chủ đầu tư phải thực hiện đúng thiết kế. Nếu kết cấu sai sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình, tính mạng, của cải của người dân. Theo tôi, ngoài những quy chuẩn, tiêu chuẩn trong kết cấu công trình, người dân cần trang bị những dụng cụ thoát nạn phòng khi sự cố xảy ra.
Ở góc độ đơn vị tư vấn, nghiên cứu thị trường cũng như quản lý tòa nhà, bà Trang Bùi - Giám đốc thị trường Việt Nam của Jones Lang Lasalle (JLL) cho rằng, vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina Plaza vừa rồi, ở góc độ nào đó sẽ có tác động đến thị trường căn hộ. Nhưng trước hết sẽ giúp các đối tượng tham gia vào thị trường này có cái nhìn nghiêm túc hơn về công tác phòng cháy chữa cháy tại chỗ.
Chặt chẽ "tiền hậu kiểm"
Ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam nhìn nhận, sự cố không may vừa qua có tác động đến tâm lý người mua căn hộ, nhưng cũng không thể nói vì sự sợ hãi mà họ không tiếp cận phân khúc căn hộ, vấn đề là họ sẽ chậm lại và quan sát kỹ hơn.
Những dự án được phát triển bởi chủ đầu tư uy tín, thương hiệu lớn như Novaland, CapitaLand, Keppel Land, Hưng Thịnh, cũng như được các nhà thầu có tên tuổi như Coteccons, Hòa Bình... thi công sẽ có lợi thế cạnh tranh trong việc lấy được niềm tin của khách hàng.
Tuy nhiên, theo đại diện DKRA Việt Nam, nhìn chung, về mặt kỹ thuật xử lý phòng cháy chữa cháy hiện nay tại các chung cư (mới) được đánh giá là đảm bảo an toàn, vấn đề vận hành như thế nào còn tùy thuộc vào đơn vị quản lý có chuyên nghiệp hay không, có năng lực ứng phó, xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra, có thường xuyên tổ chức tập huấn cho cư dân về phòng cháy chữa cháy hay không?... Và hơn nữa là ý thức của cư dân về phòng cháy chữa cháy tại nơi mình sinh sống.
Song, để tích hợp đủ các yếu tố trên thì các khu căn hộ phải có ban quản trị hoạt động hiệu quả, minh bạch về tài chính...
Bởi, như mới đây, một số chung cư ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cư dân tố ban quản trị vì những khuất tất trong thu - chi, ảnh hưởng đến vấn đề duy tu, bảo dưỡng chung cư, đặc biệt là hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chỗ. Điển hình như cư dân thuộc chung cư Văn Phú Victoria (Hà Nội) vừa có đơn thư cầu cứu cơ quan chức năng thể hiện mong muốn được tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại ban quản trị.
Lý do cư dân Văn Phú Victoria đưa ra là chi phí vận hành mỗi năm của tòa nhà lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng việc chi cho các hạng mục nào không được công khai, việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành cũng không được tổ chức lấy ý kiến cư dân, phí bảo trì 2% (tương ứng hơn 40 tỷ đồng) mà chủ đầu tư bàn giao cũng không được kê khai rõ ràng.
Bày tỏ quan điểm về việc vận hành các khu căn hộ sau hoàn thiện, đại diện một nhà phát triển dự án tại TP. Hồ Chí Minh đã cho biết ngay buổi mở bán sản phẩm mới đây rằng, đã đến lúc cư dân phải quan tâm đến công tác vận hành tòa nhà, "tiền nào của nấy", nếu chúng ta yêu cầu mức phí quản lý thấp thì liệu có chọn được đơn vị quản lý chuyên nghiệp?
Nếu cư dân "từ bỏ" quyền giám sát đối với ban quản trị về những việc tưởng chừng rất nhỏ ngay khu căn hộ như môi trường, phòng cháy chữa cháy... thì ai dám đảm bảo không xảy ra tình trạng có cháy nhưng thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ vô tác dụng như trường hợp Carina Plaza gặp phải?!