Tiêu dùng cẩn trọng dịp lễ, Tết


Có thể nói, càng vào thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu chi tiêu và mua sắm của người dân càng tăng cao. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo cũng thực hiện nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tiền của người dân.

Lực lượng an ninh mạng, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Phú Yên) đấu tranh với các đối tượng tình nghi sử dụng phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Xuân Huy.
Lực lượng an ninh mạng, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Phú Yên) đấu tranh với các đối tượng tình nghi sử dụng phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Xuân Huy.

Trong đó, một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến nổi lên gần đây được các ngân hàng liên tục cảnh báo là mạo danh nhân viên ngân hàng bằng giọng nói được tạo ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và giả mạo mã QR.

Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABbank) đã gửi tới các khách hàng cảnh báo về việc kẻ gian sử dụng giọng nói AI (bắt chước) gọi điện cho khách hàng và tự xưng là nhân viên ngân hàng để giới thiệu các dự án và dịch vụ bất chính nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền. Hay như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây cũng khuyến cáo khách hàng về việc kẻ gian giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin mời chào mở thẻ tín dụng online và sử dụng các dịch vụ thẻ, mời chào kết bạn qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để trao đổi trực tiếp, gửi và hối thúc khách hàng click vào đường link giả mạo hoặc mã QR dẫn tới website giả mạo.

Ðáng chú ý, công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa vừa công bố Báo cáo rủi ro tiêu dùng trong dịp lễ, theo đó dự đoán hoạt động lừa đảo sẽ gia tăng trong thời gian này ở cả giao dịch thẻ trực tiếp và trực tuyến. Visa chỉ ra các hành vi gian lận phổ biến diễn ra từ tháng 11/2023 đến đầu tháng 1/2024 gồm: Ðánh cắp thông tin kỹ thuật số; lừa đảo giả mạo và tấn công phi kỹ thuật; đánh cắp dữ liệu ATM / POS;…

Visa cũng đã xác định nhiều hành vi bỏ qua mật mã một lần (OTP) để giành quyền truy cập vào tài khoản của chủ thẻ. Khi thực hiện hành vi này, các mẫu OTP được gửi đến nạn nhân thường có liên quan đến giao dịch mua hàng được người dùng mong đợi. Cùng với đó, Visa cũng chỉ ra rủi ro từ hành vi trộm cắp trực tiếp, theo đó đối tượng xấu có thể tìm cách đánh cắp thẻ thanh toán hay điện thoại từ những người tiêu dùng thiếu cảnh giác tại các cửa hàng bán lẻ đông đúc, trung tâm mua sắm hoặc bãi đậu xe…

`Theo đó, Visa khuyến khích người tiêu dùng cảnh giác trong mùa nghỉ lễ và cân nhắc về các địa điểm mua sắm cũng như chia sẻ thông tin để tăng cường bảo mật. Ðồng thời, Visa cũng lưu ý về những thói quen mua sắm để hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có cũng như để mua sắm an toàn và bảo mật hơn.

Ðơn cử, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ danh tính và tính xác thực của đơn vị bán lẻ, hạn chế sử dụng Wi-Fi công cộng khi mua sắm, cảnh giác với những ưu đãi quá hấp dẫn,… Ðặc biệt, về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, Visa khuyến cáo trong mọi trường hợp, người dùng cần bảo đảm trang web truy cập có sử dụng công nghệ bảo mật an toàn; nhất là, khi thanh toán, việc cần làm là kiểm tra địa chỉ trang web có bắt đầu bằng "https://". "Ký tự "s" trong cú pháp này - viết tắt của "secure" - sẽ cho thấy dữ liệu người dùng đang được mã hóa và gửi qua kết nối an toàn", thông tin từ Visa cho hay.

Về phía các tổ chức tín dụng, trong cảnh báo gửi đến khách hàng, đại diện lãnh đạo ABbank khẳng định, ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới bất kỳ hình thức nào.

Ðể tránh bị lừa đảo, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không thao tác theo hướng dẫn do số điện thoại lạ gọi đến, kể cả tự xưng là cán bộ ngân hàng hay cơ quan khác khi chưa xác minh được đó có phải là thông tin chính xác hay không. Ðồng thời, khách hàng lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản như tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP,... của dịch vụ ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Ngoài ra, đối với mã thanh toán QR tại các cửa hàng, điểm thanh toán, kẻ gian thường lợi dụng sơ hở của các chủ cửa hàng để dán đè mã QR giả mạo lên mã QR chính chủ hoặc đặt mã QR giả mạo ngay tại cửa hàng. Khi khách hàng thanh toán, kẻ gian sẽ chiếm đoạt số tiền được chuyển đến tài khoản giả mạo đó. "ABbank khuyến cáo khách hàng luôn đối chiếu lại thông tin số tài khoản, tên chủ tài khoản với chủ cửa hàng sau khi quét mã QR thanh toán. Ðiều này nhằm bảo đảm tiền được chuyển đến đúng tài khoản của chủ cửa hàng hoặc điểm thanh toán. Bên cạnh đó, các chủ cửa hàng cũng cần thường xuyên kiểm tra các mã QR chuyển tiền đặt tại cửa hàng, điểm thanh toán để kịp thời phát hiện và gỡ bỏ các mã QR giả mạo", phía ABbank cho biết thêm.

Theo nhandan.vn