Tiêu dùng xanh định hướng cho sản xuất xanh - Xu hướng tại Việt Nam
(Tài chính) Tăng trưởng xanh nhằm đạt được một nền kinh tế xanh và hướng tới phát triển bền vững đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, kể từ sau Hội nghị Rio+20. Việt Nam có Chiến lược tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động cho tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và đang được triển khai tại các Bộ ngành và địa phương. Bên cạnh đó, cùng với việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam đang có xu hướng chuyển sang nền kinh tế xanh. Để thực sự trở thành nền kinh tế xanh, động lực thúc đẩy là tăng trưởng xanh, trong đó tiêu dùng xanh có vai trò hết sức quan trọng.
Tiêu dùng xanh sẽ định hướng cho sản xuất xanh
Hệ thống kinh tế là một thể thống nhất, kết nối giữa sản xuất – tiêu dùng và gắn bó mật thiết với môi trường tự nhiên. Hệ thống đó được thể hiện thông qua sơ đồ dưới đây.
Sơ đồ trên cho thấy một biểu hiện phức tạp về mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường thông qua biến đổi của dòng vật chất có nguồn gốc lấy từ thiên nhiên, sau quá trình tiêu dùng được thải bỏ ra môi trường.
Hoạt động kinh tế được chia ra thành hai phân đoạn lớn: "người sản xuất" và "người tiêu dùng". Sản xuất và tiêu dùng tạo nên "chất bã" (chất thải), bao gồm tất cả các loại cặn bã vật chất có thể thải vào không khí hoặc nước, hay được hủy bỏ trên mặt đất. Các chất thải phát sinh ngày càng nhiều nếu chúng ta không có những giải pháp để giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng một số loại chất thải như: dioxit lưu huỳnh, hợp chất hữu cơ bay hơi, dung môi độc hại, phân động vật, thuốc trừ sâu, các loại bụi lơ lửng, vật liệu xây dựng thải ra, kim loại nặng,....
Sơ đồ trên cũng cho thấy vật chất và năng lượng được khai thác từ môi trường tự nhiên và chất thải được trở lại vào môi trường tự nhiên, nghĩa là:
M = Rpd + Rcd hoặc Rpd + Rcd = M = G + Rp - Rpr - Rcr
nghĩa là: số lượng nguyên vật liệu (M) bằng tái sản xuất ra (G) cộng với chất thải sản xuất (Rp) trừ đi tổng lượng được tái tuần hoàn của người sản xuất (Rpr) và của người tiêu thụ (Rcr).
Có ba cách chủ yếu để giảm M (và do đó giảm chất thải vào môi trường tự nhiên):
- Thứ nhất, giảm G, nghĩa là giảm chất thải bằng cách giảm số lượng hàng hoá và dịch vụ do nền kinh tế sản xuất ra.
+ Một số quan điểm cho rằng, đây là câu trả lời tốt nhất, lâu dài cho sự suy thoái môi trường, giảm đầu ra, hoặc chí ít cũng là ngăn chặn được tốc độ tăng trưởng của nó, thực hiện được sự thay đổi tương ứng về số lượng chất thải.
+ Một số quan điểm khác lại tìm cách đạt mục tiêu này thông qua chủ trương "dân số không tăng trưởng". Dân số tăng chậm hoặc không tăng có thể làm cho việc kiểm soát tác động môi trường dễ dàng hơn, nhưng không thể nào kiểm soát tác động môi trường bằng bất cứ cách nào vì hai lý do sau đây: Một là, dân số không thay đổi có thể tăng về kinh tế và do đó tăng nhu cầu về nguyên vật liệu; Hai là, tác động môi trường có thể là lâu dài và lũy tích, cho nên ngay cả khi dân số không tăng, môi trường vẫn có thể bị suy thoái dần.
- Thứ hai, giảm Rp: Điều này có nghĩa rằng chủ yếu là thay đổi tổng lượng chất thải sản sinh ra trong quá trình sản xuất với số lượng thành phẩm sản xuất đã cho.
+ Cách thứ nhất là chúng ta nghiên cứu, chế tạo và áp dụng các công nghệ và thiết bị mới vào sản xuất nhằm tạo ra lượng chất thải ít hơn trên một đơn vị thành phẩm.
+ Cách thứ hai là thay đổi thành phần bên trong của sản phẩm. Sản phẩm G hiện nay bao gồm một số lớn các hàng hoá và dịch vụ khác nhau, do đó, muốn giảm tổng lượng chất thải phải thay đổi thành phần của G theo hướng từ tỷ lệ chất thải cao đến tỷ lệ chất thải thấp trong khi vẫn giữ nguyên tổng số.
- Thứ ba, tăng (Rpr + Rcr):tức là tăng tái tuần hoàn. Thay vì thải các chất thải sản xuất và tiêu dùng vào môi trường tự nhiên, chúng ta có thể tái tuần hoàn, đưa chúng trở lại vào quy trình sản xuất. Nhờ có tái tuần hoàn mà chúng ta có thể thay thế một phần dòng khởi nguyên của các nguyên vật liệu chưa khai thác (M) và do đó, giảm bớt lượng chất thải, đồng thời vẫn duy trì được lượng hàng hoá và dịch vụ (G).
Trong nền kinh tế hiện đại, tái tuần hoàn tạo cơ hội lớn để giảm dòng thải. Tuy nhiên, tái tuần hoàn không bao giờ có thể hoàn chỉnh được, ngay cả khi chúng ta dành cho nó rất nhiều nguồn lực, bởi vì quy trình sản xuất làm thay đổi cấu trúc vật lý của nguyên vật liệu đầu vào nên gây khó khăn cho việc tái sử dụng chúng.
Từ sơ đồ trên cũng cho thấy, sản xuất như thế nào, định hướng ra sao do người tiêu dùng quyết định. Như vậy, nếu tiêu dùng thân thiện môi trường, hay “tiêu dùng xanh” thì sản xuất buộc cũng phải định hướng cung cấp các sản phẩm “xanh”.
Xu hướng tiêu dùng xanh định hướng cho sản xuất xanh ở Việt Nam
Từ nguyên lý cơ bản của hệ thống kinh tế như sơ đồ 1 ở trên cho thấy chỉ có hai cách duy nhất để hướng đến tiêu dùng xanh và định hướng sản xuất xanh cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó là: (i) Đầu tư cho đổi mới công nghệ; (ii) Tái sử dụng và tái chế chất thải.
So với các nước, Việt Nam đang ở mức thu nhập trung bình thấp, việc đầu tư cho đổi mới công nghệ sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc tái sử dụng và tái chế chất thải để tăng nguồn tài nguyên cho nền kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có chính sách đúng. Điều này chúng ta có thể học tập từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và Trung Quốc.
Thực tế ở Việt Nam, tái sử dụng và tái chế chất thải đã có truyền thống từ lâu, ví dụ ở các làng nghề truyền thống và việc buôn bán thu gom chất thải còn giá trị (như sắt, nhựa, giấy, bìa,...).
Kết luận
Tiêu dùng xanh là định hướng cơ bản cho sản xuất xanh. Để thực hiện nội dung này, cần phải có sự đầu tư thích hợp cho đổi mới công nghệ, hơn nữa hiện nay, xu hướng của các quốc gia là tái sử dụng và tái chế chất thải, biến chất thải thành nguồn tài nguyên đầu vào cho hệ thống kinh tế. Để đạt được mong muốn trong tương lai hướng đến một nền kinh tế xanh, Việt Nam cần nhiều nỗ lực, phát huy tốt nội lực của mình mà không cần rập khuôn theo nước nào.