Tìm biện pháp “phá vây” cho ngành thép
Xuất khẩu đang được xem là lối thoát duy nhất giúp các doanh nghiệp trong ngành thép giảm lượng áp lực tồn kho. Tuy nhiên, cánh cửa này cũng đang dần khép lại khi những thị trường xuất khẩu ít ỏi mà doanh nghiệp thép của Việt Nam đã dày công xây dựng đều đang đưa ra các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Liên tiếp trong hai ngày 18 và 19/12/2012, các doanh nghiệp (DN) thép đã nhận được những thông báo liên quan đến cảnh báo và điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường trong khu vực. Theo các chuyên gia và DN, những vụ việc này đã đẩy ngành thép càng rơi vào khó khăn và đứng trước nguy cơ thu hẹp hoặc thậm chí là đánh mất thị trường xuất khẩu (XK).
Tôn Hoa Sen là một trong những DN chịu thiệt hại nặng nề nhất từ quyết định khởi kiện điều tra tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn được mạ hợp kim nhôm, kẽm mà Ủy ban Tự vệ thương mại Indonesia (KPPI) đưa ra. Cơ quan này cho rằng, các DN thép XK của Việt Nam cùng một số nước đã gia tăng lượng xuất vào thị trường này, gây nên những thiệt hại ban đầu cho ngành công nghiệp nội địa. Tuy nhiên, đại diện Tôn Hoa Sen cũng khẳng định có đầy đủ căn cứ để chứng minh DN không bán phá giá.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết đã nhận được thư đề nghị của Hiệp hội Tôn mạ kim loại và sơn phủ màu Thái Lan và Malaysia cảnh báo về sự gia tăng đột biến của mặt hàng tôn mạ kim loại, sơn phủ màu của Việt Nam xuất sang nước này. Mới đây, sản phẩm thép cuộn cán nguội xuất sang Indonesia cũng chính thức chịu mức thuế chống bán phá giá lên tới 68,4%.
Mặc dù mọi cáo buộc đều liên quan đến việc gia tăng số lượng sản phẩm được bán vào các thị trường này, nhưng theo đại diện của VSA trên thực tế số lượng thép mà DN xuất ra thị trường chỉ ở mức nhỏ. Đơn cử với sản phẩm tôn mạ, lượng XK phần lớn đều từ công ty Tôn Hoa Sen, cũng như lượng thép cán nguội XK chủ yếu là do Công ty Posco Việt Nam cung cấp. Theo các chuyên gia, chỉ với một DN XK chủ đạo một dòng sản phẩm, sẽ không có đủ năng lực tác động và làm thay đổi thị trường.
Thế nhưng, dù chưa biết kết luận điều tra sẽ ra sao, các sản phẩm thép XK của Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ thu hẹp thị trường. Ông Nghi tỏ ra ái ngại khi cho biết, ngoài các thị trường truyền thống mà thép Việt đang XK, hiện các DN trong ngành vẫn chưa tìm ra thị trường nào "khả quan hơn" để mở rộng đường ra cho sản phẩm. Trong khi đó, dồn dập các vụ kiện phòng vệ thương mại đưa đến đã làm cho ngành thép đứng trước nguy cơ bị mất thị trường hoặc thu hẹp thị phần.
Tích cực phối hợp giữa các bên
"Với việc Indonesia áp thuế chống bán phá giá lên mức 68,4% đối với thép cán nguội, chắc chắn sẽ không còn cửa để vào thị trường này. Sản phẩm tôn mạ đang bị điều tra chống bán phá giá và phải chịu mức áp thuế mới là 15% bắt đầu từ năm 2013 cũng sẽ làm cho sản phẩm kém sức cạnh tranh trên thị trường, lượng XK hao hụt đi là chắc chắn và tạo áp lực cho hàng tồn kho", ông Nghi nói.
Thực tế, trường hợp của thép cán nguội là ví dụ điển hình khi lượng XK năm 2012 bị "hụt" đi so với mọi năm 408.000 tấn, trong khi năm 2011 là 530.000, giảm 23%. Cùng với lượng tiêu thụ trong nước giảm từ 1.400 ngàn tấn của năm 2011 xuống còn 1.100 ngàn tấn của năm 2012, XK giảm đã làm cho hàng tồn kho tăng lên 18%, từ 1.472 ngàn tấn của năm 2011 lên 1.747 ngàn tấn của năm 2012, khiến cho các DN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Theo nguồn tin riêng, hiện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đang phối hợp với các bên liên quan để đưa ra biện pháp đối phó với vụ việc này. Riêng với vụ khởi kiện điều tra mới đây nhất liên quan đến sản phẩm tôn mạ mà Công ty Tôn Hoa Sen trực tiếp liên quan, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết: Cục đã đề nghị DN này vận dụng lợi thế, uy tín để làm việc với các nhà NK của Indonesia, tạo nên tiếng nói với các cơ quan chuyên trách, đưa ra những thông tin có lợi khi điều tra.
"Việc áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm tôn cán mạ là khi nước NK thấy rằng cần phải bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, phía DN liên quan đang chuẩn bị cho đàm phán, trong đó chỉ ra vấn đề là nếu áp dụng biện pháp tự vệ và những rào cản, sẽ chỉ có lợi cho những nhà sản xuất cá thể nào đó ở Indonesia mà không có lợi cho nhà NK và người tiêu dùng vì không được sử dụng những sản phẩm tốt, có giá cả phải chăng", ông Mừng phân tích.
Ngoài ra, đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh cũng đưa thêm thông tin là hiện đơn vị này đang yêu cầu phía Indonesia cung cấp cho các cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam, mà cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn. Cơ quan này sẽ xem xét và đánh giá nguyên đơn về tư cách và điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ. Từ đó, Cục sẽ có trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, cũng như là các cơ quan có liên quan để chuẩn bị tài liệu, đối phó với vụ kiện này.