Tìm “điểm nghẽn” để xử lý nợ xấu

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) "Những khoản nợ xấu chậm xử lý cứ chồng chất lên nhau, việc xử lý nợ xấu vì vậy cũng mất đi chi phí, mất đi cơ hội về giá” - Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

Ông Đức nói, xử lý nợ xấu bình thường đã rất khó khăn nay lại còn khó hơn khi hệ thống pháp lý đang bất ổn chưa kiện toàn. 
http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_08_13/2013_225_5_A2.jpg
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng
Ví dụ khi công ty A thế chấp một tài sản tại ngân hàng  B thì ngân hàng B buộc phải nắm đầy đủ các loại giấy, công chứng giao dịch bảo đảm đã đăng ký thế chấp, đã làm đầy đủ thủ tục pháp lý. Nhưng đến khi ngân hàng cần thu nợ thì thì ngân hàng không có quyền gì đối với các loại tài sản này mà hoàn toàn phụ thuộc vào chủ sở hữu tài sản.  Nếu  công ty A không hợp tác thì ngân hàng không thể thu giữ tài sản, không bán được tài sản và khi nhờ đến cơ quan pháp luật. Và để đưa được tài sản đó ra phát mãi thì cũng mất đi quãng thời gian chừng vài năm. Khoản nợ xấu đã vô cùng trầm trọng trong khi ngân hàng có thể xử lý những tài sản có giấy tờ đầy đủ trong vòng vài tháng thì nay mất đến vài năm.

Phóng viên: Nghĩa là nợ xấu cũng sẽ mất giá theo thời gian? 

Luật sư Trương Thanh Đức: Đúng vậy, nợ xấu khó bán vì chiếu theo giá thị trường thì ngày càng ngày đi xuống. Chẳng ai chịu bán lỗ. Nhưng nếu càng xử lý chậm giá giá của khoản nợ xấu không chỉ đi xuống 1 giá, mà đi xuống 2 đến 3 giá.  

Thưa ông, có một thực tế là các ngân hàng thà ôm nợ xấu chờ thị trường phục hồi để bù lỗ chứ không chịu bán nợ xấu đi. Kể cả khi Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC)  ra đời với cơ chế ép bán nợ, các ngân hàng vẫn tìm mọi cách trốn, không bán nợ cho VAMC?

Nợ xấu ngân hàng cũng như vậy như căn bệnh ung thư, nếu phát hiện sớm thì sẽ có cách để chữa trị. Còn để bệnh trầm trọng rồi thì rất khó cứu. Nếu các ngân hàng vẫn chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, vẫn cố tình giấu giếm để tự xử lý thì nợ xấu chỉ càng thêm trầm trọng mà thôi.

Một nguyên nhân nữa khiến các ngân hàng chần chừ bán nợ cho VAMC là do giá trị khoản nợ xấu này đến thời điểm hiện tại là rất thấp. ngân hàng sẽ lỗ. Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm?  Ví dụ, trước đây ngân hàng cho vay 10 tỷ, giờ bán cho VAMC thu được 5 tỷ, còn 5 tỷ nữa, ai sẽ chịu trách nhiệm, ai sẽ vướng vào vòng lao lý. Tình trạng hình sự hóa trách nhiệm khi xảy ra thất thoát có thể cũng là nguyên nhân khiến ngân hàng không dám đẩy nhanh bán nợ. 

Thưa ông, đâu là giải pháp để giải quyết nợ xấu nhanh nhất. Làm sao các ngân hàng đẩy nhanh nhất xử lý nợ xấu?

Tôi nghĩ có hai vấn đề cơ bản. Thứ nhất, cơ chế thúc đẩy việc kích cầu, tiêu thụ được tài sản phát mãi. Thứ hai, đẩy nhanh các thủ tục pháp lý để các ngân hàng chủ động xử lý các khoản nợ khó đòi trong đó cơ quan pháp luật từ tòa án, công an, cơ quan đăng ký nhà đất, cơ quan công chứng… phải có sự hỗ trợ tối đa. 

Sự ra đời của VAMC cũng vậy, nó hứa hẹn xử lý được một khoản nợ xấu nhưng vẫn vướng mắc nhiều cơ chế. Ví dụ như VAMC muốn bán đấu giá tài sản nhưng phải được bên tài nguyên môi trường đồng ý sang tên. Phải được công chứng thủ tục. Chặng đường giải quyết nợ xấu không dễ. 

Trở lại với cơ chế hoạt động của VAMC (vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, song VAMC được kỳ vọng sẽ giải quyết gần 100.000 tỷ đồng nợ xấu) đặt ra nhiều mối lo về đòn bẩy tài chính. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 

VAMC là cơ chế đặc biệt, vốn điều lệ chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Vốn điều lệ chỉ có ý nghĩa nếu mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Còn đa số là bằng phát hành trái phiếu đặc biệt. Tùy theo tình hình xử lý nợ xấu mà Chính phủ, VAMC sẽ quyết số phát hành, nên không đáng ngại tỷ lệ đòn bẩy tài chính.

Nói chung VAMC là biện pháp tốt, nhưng còn nhiều vướng mắc, nên trước mắt từ nay đến cuối năm sẽ không thể xử lý được nhiều nợ xấu vì chính sách liên quan còn chưa ban hành xong. VAMC phải củng cố được bộ máy, hình thành quy chế, mẫu biểu rõ ràng rồi mới đi đàm phán mua bán nợ với các ngân hàng khác. Tất cả các khâu vận hành của VAMC hiện nay đều chưa có kinh nghiệm, chưa có nhiều ràng buộc. .. Bản thân VAMC sẽ phải chịu trách nhiệm về việc mua bán nợ, sau này có vấn đề gì, nếu hồ sơ không đảm bảo thì họ cũng rất ngại.

Trân trọng cảm ơn ông!